TS.Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, người có rất nhiều tâm huyết trong việc dạy trẻ, với những nghiên cứu về thai giáo, kỹ năng để trẻ tự bảo vệ, vai trò của ba mẹ trong việc dạy con…, được nhiều cơ sở Phật giáo mời nói chuyện chuyên đề về dạy con theo phương pháp Phật giáo đã có lời khuyên như thế.
a pgtt 1.jpg
TS Phạm Thị Thúy

Trao đổi với Giác Ngộ về việc giáo dục trẻ bằng tình thương trong bối cảnh gần đây có nhiều vụ hành hạ trẻ từ cơ sở mầm non tới gia đình…, TS.Phạm Thị Thúy mở đầu bằng việc mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới bạo hành:

– Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp là do những người chăm sóc trẻ thiếu lòng nhân hậu, từ bi. Họ đã không kiểm soát được cảm xúc khi làm việc trong môi trường áp lực, nhiều khó khăn vất vả. Họ đã trút giận lên trẻ bất chấp đứa trẻ non nớt, không thể phản kháng để tự bảo vệ mình trước những đòn roi từ người lớn.

Nguyên nhân thứ hai có thể do chính những người có hành vi bạo lực này từng là nạn nhân của bạo lực, họ bị nuôi dưỡng bởi bạo lực, họ không biết đến yêu thương và vì vậy họ cũng chỉ biết dạy trẻ bằng cách mà họ đã từng được dạy. Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực, bạo lực trong xã hội ngày càng tràn lan, khó chấm dứt vì lý do này.

Nguyên nhân thứ ba có thể do sự buông lỏng quản lý, thậm chí có vấn đề tiêu cực liên quan đến công tác thanh tra kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục. Chính điều này đã dung dưỡng và tiếp tay cho bạo lực tiếp diễn. TP.HCM là thành phố năng động, đông dân nhập cư, số lượng trẻ ngày càng tăng, cơ sở mầm non công lập không đủ đáp ứng nhu cầu nên cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều, khó kiểm soát chất lượng.

* Trẻ bị bạo hành sẽ bị ảnh hưởng như thế nào ở hiện tại và tương lai, thưa chị?

– Trẻ bị bạo hành hậu quả khó xác định hết mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là hậu quả lâu dài lên tinh thần của trẻ. Hiện tại, ảnh hưởng của bạo lực sẽ khiến trẻ có những tổn thương về thể chất như sẽ bị thương trên các vùng thân thể, bị những vết trầy xước, những vết bầm tím trên thân thể, rạn xương sọ, gãy xương sườn (như vụ cha ruột và mẹ kế đánh con)… thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Về tinh thần, trẻ sẽ bị hoảng loạn, sợ hãi, tự ti mặc cảm vì thường xuyên bị chửi mắng. Từ đó, các em sẽ có những hành vi như khó ăn, khó ngủ, nôn ói, gặp ác mộng, không muốn đến trường lớp, hung hăng chống đối, đánh bạn…

Những tổn thương về thể chất thì điều trị chăm sóc một thời gian sẽ hết, nhưng những tổn thương về tinh thần thì rất khó đo đếm và lường hết hậu quả. Khi lớn lên trẻ sẽ có thể trở nên bạo lực với người khác hoặc tự ti, mặc cảm về bản thân, trẻ có thể vô cảm trước nỗi đau của người khác hoặc quá nhạy cảm trước những hành vi bạo lực tương tự như những gì trẻ từng chứng kiến, từng chịu đựng…

Một số vụ hành hạ trẻ gần đây

Tại Hà Nội, ngày 7-12, công an vừa bắt tạm giam cha ruột hành hạ con, triệu tập mẹ kế của cháu T.G.K (10 tuổi, nạn nhân) để điều tra. Trước đó, cuối tháng 11-2017, dư luận bức xúc với việc tương tự ở Kiên Giang, khi bé Nguyễn Huỳnh N.T (7 tuổi) bị gí sắt nóng vào mặt từ ba và mẹ kế. Cùng thời gian, người giúp việc ở Phủ Lý (Hà Nam) đánh đập và quăng quật bé gái chưa đầy tháng tuổi; trong khi đó, ở TP.HCM, Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (Q.12) bị lôi ra ánh sáng khi chủ cơ sở và bảo mẫu liên tục dạy trẻ bằng bạo lực…

* Dạy con theo tinh thần nhà Phật qua nghiên cứu khoa học và những buổi chia sẻ của Tiến sĩ là dạy như thế nào? Chị có thể chia sẻ cho bạn đọc một số nội dung của phương pháp này để cả nhà trường lẫn gia đình có thể ứng dụng?

– Điều tôi tâm đắc nhất trong triết lý Phật giáo đó là tinh thần từ bi – yêu thương. Cha mẹ, thầy cô dạy trẻ bằng tình yêu thương sẽ cảm hóa được trẻ, sẽ không bạo lực thể xác và tinh thần đối với trẻ, sẽ bao dung và chấp nhận những sự khác biệt của mỗi trẻ; từ đó tìm cách dạy thích hợp cho từng trẻ.

Cha mẹ cần dạy con tâm từ bi, lòng yêu thương ngay từ trong bụng mẹ qua tình cảm yêu thương của người cha người mẹ với con, những hành động “thai giáo” của cha và mẹ chính là những điều thiện lành cha mẹ gieo cho con ngay từ trong bụng mẹ, như các việc sau: nghe kinh, nghe giảng pháp, nghe nhạc thiền, niệm Phật, niệm Quan Âm Bồ-tát, làm việc thiện giúp đỡ mọi người, không làm việc ác…

Về phương pháp giáo dục, tôi tâm đắc nhất đó là dạy con bằng THÂN – KHẨU – Ý của chính cha mẹ. Dạy con trước hết qua hành vi của cha mẹ, cha mẹ là tấm gương cho con noi theo. Đó là THÂN GIÁO. Dạy con cần có lời nói nhẹ nhàng, bao dung, yêu thương. Đó là KHẨU. Và tư tưởng suy nghĩ của cha mẹ cần thiện lành, từ bi yêu thương mọi người mọi vật thì mới có thể ảnh hưởng tốt lên đứa con. Đó là Ý.

* Vậy theo chị, tình thương quan trọng như thế nào đối với một đứa trẻ?

– Tình thương là thức ăn, là liều thuốc quý nhất trên đời – giúp trẻ lớn lên thiện lành. Đứa trẻ chỉ có thể học được cách yêu thương người khác qua chính cách trẻ được yêu thương.

Được yêu thương sẽ khiến trẻ hạnh phúc. Đó cũng là điều mà những bậc làm cha mẹ mong muốn. Chúng ta đều muốn con hạnh phúc.

 * Có ý kiến cho rằng, ngày nay, người ta bắt trẻ nhồi nhét kiến thức này, kỹ năng nọ nhưng với ham muốn “con tôi giỏi, học trò tôi hay” – để người lớn lấy “thành tích” chứ chưa xuất phát từ tình thương thật sự dành cho con trẻ?

– Tôi đồng tình với nhận định này. Tôi đã gặp nhiều ca tham vấn tâm lý, trong đó thân chủ là trẻ em, các em đau khổ khi bị cha mẹ thầy cô ép học, bắt học theo cách của người lớn. Người lớn thường nhân danh tình yêu khi làm điều đó. Họ cho rằng họ lo cho tương lai của trẻ nên mới ép trẻ học nhiều kiến thức kỹ năng mà họ nghĩ lớn lên con sẽ cần, sẽ giúp cho con thành công.

Nhưng thực sự đứa trẻ cần gì, muốn gì lại ít được cha mẹ thầy cô quan tâm lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng.

Yêu thương thực sự đến từ việc bạn có chấp nhận ai đó như họ là hay không, chứ không phải bạn muốn họ là…

Cha mẹ yêu con thực sự sẽ dành thời gian quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu con là đứa trẻ như thế nào, con có những năng lực nào, điều gì khiến con hạnh phúc…, từ đó sẽ có cách định hướng, giúp đỡ trẻ thích hợp với chính trẻ đó.

Mỗi đứa trẻ rất khác biệt, chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của ta hay cách dạy nào đó đã thành công của ai đó với trẻ nào đó lên một trẻ khác.

* Được biết Tiến sĩ cũng có nghiên cứu về đạo Phật, theo chị, những lời Phật dạy mang lại giá trị gì trong việc giáo dục trẻ nói riêng và con người nói chung?

– Những lời Phật dạy là minh triết sâu sắc vô cùng. Tôi càng đọc càng thấy như biển sâu, trải dài mênh mông vô tận, trong lời Phật dạy có tất cả những gì khoa học ngày nay đang nói đến. Trong lĩnh vực khoa học thai giáo, khoa học về nuôi dạy con, khoa học về tâm lý con người mà tôi quan tâm nghiên cứu khi tìm hiểu trong các sách Phật giáo, khi nghe quý thầy giảng pháp tôi đều thấy đã đề cập đến một cách sâu sắc.

Giá trị của những lời Phật dạy chính là giúp con người sống có tình có nghĩa, dạy con biết hiếu thảo, dạy cha mẹ biết tôn trọng và yêu thương con, dạy con người sống với con người, sống với các loài cần biết sống thiện lành, trân quý sự sống, bảo vệ sự sống… Và trên hết, những lời Phật dạy giúp chúng ta tự giác ngộ để sống hạnh phúc, bình an, chấp nhận khổ đau, vượt thoát khổ đau để an lạc trong từng phút giây hiện tại.

* Ở nhà, chị đã ứng dụng việc dạy con theo tinh thần Phật giáo như thế nào? Và kết quả thực tế ra sao?

– Tôi từ nhỏ đã thường được theo bà ngoại đi chùa; khi là sinh viên tôi đã quy y, và may mắn ông xã cũng quy y cùng từ ngày yêu nhau nên khi lấy nhau chúng tôi cùng quan điểm sống theo tinh thần Phật giáo. Những gì mình sống, mình làm hàng ngày tôi tin đều ảnh hưởng lên các con. Vì đó là THÂN GIÁO mà (cười).

Ngoài ra, mỗi cuối tuần cả gia đình tôi cũng thường xuyên nghe pháp thoại cùng nhau, cùng xem các video thuyết pháp trên YouTube. Tôi chưa biết lớn lên các cháu sẽ sống như thế nào nhưng hiện tại tôi thấy con mình cũng có tâm giúp đỡ người nghèo khó. Cháu nhà tôi từng chia sẻ với mẹ ước mơ lớn lên có nhiều tiền để giúp người nghèo…

* Chúc mừng Tiến sĩ vì đã gieo hạt lành cho con. Cảm ơn chị!

TS.Phạm Thị Thúy có viết chung và riêng một số đầu sách về đề tài giáo dục con như Thai giáo – phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ, Kỹ năng làm cha mẹ, Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con (cha mẹ cần biết trước khi quá muộn), Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục trẻ giai đoạn 0-6 tuổi…

2 cuốn sắp ra gồm Nghề làm cha mẹ (dành cho các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ từ sau sinh đến 6 tuổi), tái bản có bổ sung chỉnh sửa từ cuốn Kỹ năng làm cha mẹ, sách do nhiều tác giả cùng tham gia viết, và Phúc nuôi dạy con (dành cho các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ từ tuổi đi học).

Lưu Đình Long thực hiện

Nguồn: Giác Ngộ/Giacngo.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc