Với mục tiêu tăng thu nhập cho bà con nông dân trồng cà phê, đa dạng cây trồng và bảo tồn môi trường, trong khuôn khổ dự án NESCAFÉ Plan, Bộ phận Hỗ Trợ Nông Nghiệp của công ty Nestlé Việt Nam đã giới thiệu và phát triển mô hình xen canh tối ưu cho cây cà phê thành chương trình được áp dụng đại trà tại các vườn cà phê của nông dân khu vực Tây Nguyên. Với các loại cây trồng xen như tiêu, sầu riêng, bơ…., người nông dân có thể tăng hiệu quả sử dụng đất một cách tối ưu, tăng thêm thu nhập, cải thiện tính đa dạng về môi trường sinh thái.
Để phát triển mô hình này, trước tiên các chuyên gia nông nghiệp Nestlé sẽ hướng dẫn người nông dân về mật độ hợp lý giữa các loại cây trồng xen để tối ưu việc sử dụng đất và thu hoạch. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng xen khác nhau và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Tiếp theo là bước giám sát và đánh giá hiện trạng thực hành nông nghiệp so sánh với mô hình xen canh. Các buổi hội thảo tại vườn mẫu cũng được tổ chức nhằm giới thiệu và giải thích lợi ích và giá trị gia tăng khi áp dụng mô hình xen canh phù hợp so với thực hành truyền thống.
Sau hơn 4 năm triển khai (từ năm 2012 cho đến nay), ngày 13/10/2016, dự án đã đưa ra kết quả với con số như sau: có 16.000 nông dân áp dụng mô hình xen canh do Nestlé giới thiệu, đạt tỷ lệ 70% áp dụng sau tập huấn. Nông dân trồng cà phê có thể tăng thêm 100% thu nhập từ cây trồng xen (với mức 25% tiêu xen/1 ha).
Đây là một giải pháp rất hữu hiệu giúp người nông dân có thể đảm bảo thu nhập trước thực trạng cây cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, giảm thu nhập của người nông dân.
Được triển khai tại Việt Nam từ năm 2011, dự án NESCAFÉ Plan với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững đã có những đóng góp đáng kể để nâng cao chất lượng và sản lượng của cây cà phê Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 500.000 nông dân trồng cà phê. Cho tới nay, dự án đã phân phối trên 14 triệu cây giống cho năng suất cao, kháng bệnh tới người nông dân giúp tái canh cây cà phê, khắc phục tình trạng cây cà phê già cỗi, tổ chức trên 2.875 khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho 33.000 nông dân, giúp cho 21.000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C.