Mấy hôm rồi dư luận rất ồn ào về chuyện “rửa bát” và hệ luỵ của nó đến cuộc sống con người. Từ “rửa bát” dường như bây giờ tải rất nhiều ý nghĩa.

Việc giúp đỡ người bạn đời của mình cũng khiến Bill Gates cảm thấy mình là người chồng, người cha có trách nhiệm. (Nguồn ảnh: Elle.es)
Việc giúp đỡ người bạn đời của mình cũng khiến Bill Gates cảm thấy mình là người chồng, người cha có trách nhiệm. (Nguồn ảnh: Elle.es)

Từ chuyện ông bà tỷ phú ly hôn cho đến câu chuyện của thầy Nhất Hạnh. Câu chuyện của thầy Nhất Hạnh rất hay. Khi còn là novice thầy được giao nhiệm vụ rửa bát và lấy làm đau khổ vì ngày nào cũng phải động vào đống bát đĩa bẩn của người khác. Rồi thầy nghiệm ra rằng nếu để hết tâm trí của mình vào một việc thì ngay cả việc rửa bát cũng đem lại sự thư thái hạnh phúc cho tâm hồn mình. Rửa một cái bát với khi tâm mình đặt trọn vào đó thì như là chính mình được gột rửa. Từ chuyện rửa bát mà hiểu rộng ra đặt trọn vẹn ta vào hành động của thời điểm hiện tại chính là hành thiền.

Câu chuyện của thầy Nhất Hạnh rất hay. Hàng ngày tôi cũng cố thực hành như thế. Tuy vậy tôi vẫn còn một hoài nghi rất lớn. Liệu để cho cái tâm ta lạc vào suy tư vô tận không kiểm soát có phải là xấu không? Quả thực nếu không tập trung thì ta khó hoàn thành một công việc gì đến nơi đến chốn. Và cái tâm của ta cũng sẽ cảm thấy mệt, khó ở, nếu ta chiều cho nó lang thang bất tận. Nhưng ngẫm lại quá trình làm toán của mình thì tôi thấy rằng, một vài ý tưởng thật sự mới mà tôi may mắn thấy được nó luôn đến chính trong những lúc tôi thả lỏng để cho cái tâm muốn đi đâu thì đi. Một vài lần tìm ra vài điều lý thú khi đang lái xe. Có lần sướng đến mức dừng xe ở giữa đường cao tốc. Khi ngồi vào bàn làm việc thì thường chỉ là để kiểm tra tính đúng đắn của cái ý tưởng đã loé lên trong đầu một cách vô thức.

Liệu có thể thực sự sáng tạo được trong trạng thái tỉnh thức của Phật giáo được không? Nếu vừa suy tư vừa quan sát dòng suy tư của mình thì có ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo không?

*Title do BBT đặt lại

 

Bệnh viện Hạnh Phúc