Khoảng chín năm về trước, khi còn ở nông thôn hai vợ chồng ông Lánh làm đủ nghề kiếm sống: làm nông, đi xe ôm, phụ hồ, buôn bán… Đặc biệt, ông rất “mát tay” trong làm ruộng, ruộng lúa của ông lúc nào năng suất cũng cao hơn những người xung quanh, vì thế người ta gọi ông là “lão nông tri điền”, ông cười hớn hở với cái biệt danh đó và càng ra sức chia sẻ kinh nghiệm làm nông với bà con trong thôn. 
Có tiền không phải là có tất cả. Tâm bệnh còn khổ gấp ngàn lần thân bệnh
Có tiền không phải là có tất cả. Tâm bệnh còn khổ gấp ngàn lần thân bệnh

Cuộc sống ở nhà quê tuy lam lũ, cơ cực nhưng mấy đứa con ông rất hiếu thảo, lại chăm ngoan học hành, cả nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười, tối đến vợ chồng ông ngủ được ngon giấc, ít suy tư lo nghĩ về những tai họa rình rập đến với gia đình. Ông tâm đắc với câu nói của người xưa: “Mai chống gối, tối lấy tiền” nên chẳng cần lo nghĩ nhiều làm chi cho mệt! Cứ sống vô tư, thoải mái.

Từ ngày nhà ông chuyển lên thành phố, cuộc sống đã thực sự đổi thay, khởi sắc. Bà con họ tộc, xóm giềng ai cũng mừng lây vì có một người con của quê hương đi làm ăn xa thành đạt. Mỗi lần về quê, ông Lánh đều xử sự rất “thoáng”, rất hào phóng. Thế nhưng, ít ai ngờ ở trên thành phố, vợ chồng ông làm nghề, mà người ta thường nói dí dỏm “việc nhẹ lương cao”, đó là ghi số đề.

Từ làm con chỉ vài năm đã nhanh chóng vươn lên làm cái, rồi mở “đại lý” hoạt động chui, cảnh nhà lúc nào cũng nườm nượp người vào kẻ ra đông vui nhộn nhịp. Thu nhập theo đó cũng khấm khá lên, tiền bạc học hành của con cái đều được chu cấp kịp thời, đầy đủ. Chính do bố mẹ quá nuông chiều, đòi gì được nấy, cuộc sống vật chất thừa thãi, các con ông có lối sống ngày càng sa đọa, thực dụng, ăn chơi đua đòi để chứng tỏ mình là dân chơi sành điệu.

Sống xa nhà, lại thiếu sự quản lý của gia đình nên hai đứa con của ông (đều là sinh viên) như những con thiêu thân trượt dài trên con đường hư hỏng, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ bóng đá, nhậu nhẹt li bì… Cả hai đứa đều học hành giảm sút, nợ nhà trường nhiều phân môn từ năm này sang năm khác, không có khả năng trả, bị đình chỉ học tập.

Lần lượt nhận hung tin hai đứa con đang trọ học ở Huế và Đà Nẵng bị đuổi học nửa chừng, vợ chồng ông Lánh ngẩn ngơ như vừa bị sét đánh. Từ đó, ông bị “tâm bệnh”, suốt ngày thơ thẩn như người mất hồn, quanh quẩn vào ra nhìn vợ rồi nhìn cảnh vật xung quanh, ít nói ít cười. Ai tiếp xúc với ông đều bảo ông có bệnh và khuyên ông nên đi khám sớm. Ông nói: Tui không có bệnh tật gì, chỉ lắc đầu, thở dài rồi bỏ đi…

Thế là, một lỗ hổng rất lớn trong gia đình  mà đến bây giờ ông ấy mới nhận ra thì đã quá muộn màng. Cứ mải lo làm kinh tế, ra sức tranh thủ, bon chen kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, đã giàu muốn giàu thêm… mà xao nhãng việc giáo dục, quản lý con cái, để rồi giờ đây ông bà phải nuối tiếc, ân hận về những ngày tháng đã qua, và tự vấn lương tâm mình vì đã không làm tròn trách nhiệm của người bố, người mẹ, họ cảm thấy chán nản vì những đứa con hư hỏng, rơi vào tệ nạn xã hội. Càng ngẫm nghĩ ông càng thấm thía và tự nhủ: Trách nhiệm này trước hết thuộc về bố mẹ, chứ đừng đổ lỗi bởi môi trường xã hội hay sự giáo dục lơi lỏng của nhà trường.

Mới đây, ông về làng chạp họ, chúng tôi đọc được tâm trạng buồn vời vợi của ông thể hiện qua ánh mắt đờ đẫn và dáng đi mỏi mệt. Châm lửa hít một hơi thuốc lào, nhả khói mơ màng, ông tâm sự: “Các chú ạ! Bây giờ anh mới nhận ra hai điều: Có tiền không phải là có tất cả. Tâm bệnh còn khổ gấp ngàn lần thân bệnh”.

Bà con họ tộc có mặt hôm đó ai cũng ngậm ngùi, xót xa…

Theo Võ Văn Dần/ Giác Ngộ online

Bệnh viện Hạnh Phúc