Việc lạm dụng một số chất bảo quản trong thực phẩm chức năng làm đẹp cũng như mỹ phẩm có thể gây độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia, đến nay vẫn chưa thể quản lý chặt chẽ các chất bảo quản cũng như liều lượng của chúng trong sản phẩm khi thị trường thực phẩm chức năng và mỹ phẩm thật giả lẫn lộn như hiện nay.

Lạm dụng chất bảo quản: tác hại khó lường!

Tại phòng khám da liễu Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm. Chị Nguyễn T.H (Mễ Trì, Hà Nội) đi khám trong tình trạng da bị đỏ từng mảng, sưng, ngứa, nổi mẩn đỏ li ti, cả khuôn mặt sưng phồng. Chị Hà cho hay, do được bạn tặng hộp kem dưỡng da, sau ba lần bôi, da bắt đầu có phản ứng. Lúc đầu da mặt có cảm giác bị căng cứng và nóng, nổi vài nốt mẩn và hơi đỏ. Sau đó thì các triệu chứng này tăng dần khiến chị rất khó chịu. Theo kết quả chẩn đoán, chị Hà bị phù Quincke do dị ứng một số thành phần trong mỹ phẩm, phải điều trị hơn một tuần.

Chị Nguyễn T.H (Mễ Trì, Hà Nội) đi khám trong tình trạng da bị đỏ từng mảng, sưng, ngứa, nổi mẩn đỏ li ti, cả khuôn mặt sưng phồng.
Chị Nguyễn T.H (Mễ Trì, Hà Nội) đi khám trong tình trạng da bị đỏ từng mảng, sưng, ngứa, nổi mẩn đỏ li ti, cả khuôn mặt sưng phồng.

Trường hợp chị Phạm Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại dị ứng do sử dụng thực phẩm chức năng làm đẹp. Chị Ngọc Anh cho biết: “Nghe theo quảng cáo TPCN từ nhau thai cừu giúp trắng da, chống lão hóa nên bỏ tiền triệu mua dùng. Thời gian đầu, thấy da trắng lên, nhưng sau khoảng 2 tháng sau thì nổi mụn. Ban đầu là mụn nhỏ đỏ li ti, rồi mưng lên kết thành mảng dày. Khi da nổi mụn, xưng tấy, tôi hỏi nơi bán thì họ đổ lỗi do cơ địa người dùng, không thể khiếu nại họ được.”.

Theo các chuyên gia, dị ứng với mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do chất bảo quản. Chất bảo quản được sử dụng nhằm ức chế, ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn, giúp sản phẩm không bị phân hủy, cũng như kéo dài thời gian sử dụng. Nhưng nếu nhà sản xuất lạm dụng, vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn cho phép hoặc sử dụng những chất cấm, sẽ rất nguy hiểm đối với người dùng.

Một nghiên cứu mới cho thấy chất kháng khuẩn và chất bảo quản trong các sản phẩm có thể làm tăng nguy cơ dị ứng. Tuy nhiên, về lâm sàng xem xét theo nguyên tắc nguyên nhân và hậu quả, rất khó xác định một người nào đó bị dị ứng chất bảo quản, hay nói cách khác, chỉ có thể nhận định chung là dị ứng mỹ phẩm thay vì chỉ ra nguyên nhân do chất bảo quản nào có trong sản phẩm.

Sức khỏe người tiêu dùng bị xem nhẹ

Nếu những sản phẩm bôi ngoài da sử dụng chất bảo quản quá liều hay bị cấm thì ảnh hưởng trực tiếp đến da, nhưng nếu là TPCN giới thiệu công dụng làm đẹp, chống lão hóa da, làm trắng, xóa nám, tàn nhang, trị mụn… sử dụng bằng đường uống, nếu bị ngộ độc, dị ứng chất bảo quản sẽ rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, chất bảo quản trong TPCN thường có 3 nhóm: Các chất sát khuẩn, chất kháng sinh và chất chống ô xy hóa, như: axit benzoic, axit boric, salicylic, anhydride sunfure, natri nitrat, nitrit… được sử dụng làm chất sát khuẩn, chống men, mốc, phân hủy, giữ màu.

Chất bảo quản thường gây ảnh hưởng tới gan, thận, dạ dày, hệ thần kinh như axit benzoic khi vào cơ thể tác dụng với glycocol chuyển thành axit hippuric không thải độc ra ngoài, ảnh hưởng gan, thận. Với axit boric, một số nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cho thấy hiện tượng teo tinh hoàn, gây vô sinh với liều lượng 100mg Bo, có thể gây ung thư ở người…

Đối với mỹ phẩm bôi trực tiếp ngoài da, có một số chất bảo quản đã được nghiên cứu và đánh giá tác hại, hệ lụy đến người tiêu dùng. Trước đây, chất paraben, phenoxyethanol, methylisothiazolinone (MIT) chiếm hầu hết trong các mỹ phẩm, do có tác dụng chống nấm và vi khuẩn. Tuy nhiên, từ 1-8-2015 các chất này đã bị cấm sử dụng.

Sức khỏe người tiêu dùng bị xem nhẹ - Ảnh 2

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, tốt nhất nên lựa chọn sản phẩm không chứa CBQ và sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên. Cách nhận biết những sản phẩm này là chúng có thời hạn sử dụng ngắn nên không thể lưu giữ được lâu, hạn tối đa chỉ khoảng 1 năm. Trái ngược với những sản phẩm dùng chất bảo quản có thời hạn sử dụng từ 2 đến 3 năm.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, nên mua các sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Bởi thương hiệu được xem là “giấy bảo đảm chất lượng” cho chính sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Mặt khác, dùng đúng liều lượng mức độ cho phép và phải lưu ý khi phối hợp nhiều loại chất bảo quản vì chúng có thể xảy ra phản ứng hóa học, ảnh hưởng không tốt cho người sử dụng.

 

Theo Nguoiduatin.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc