Có nhiều yếu tố để quyết định một món ăn ngon như mùi, vị, hình thức của món ăn hay sức khỏe, tâm trạng của người thưởng thức…Trong giới hạn bài viết này, xin gói gọn nội dung liên quan đến việc sử dụng gia vị để gia tăng vị ngon cho món ăn, cụ thể là bột ngọt – một gia vị phổ biến trong bếp ăn gia đình.
Ra đời hơn 100 năm từ phát minh của một giáo sư Nhật Bản năm 1909, bột ngọt có thành phần chính là glutamate, một axit amin cũng tồn tại trong nhiều thực phẩm như thịt, hải sản, sữa, rau củ,… và là yếu tố tạo nên vị umami hay còn gọi là vị ngọt thịt. Nhờ thế, bột ngọt còn được gọi là gia vị umami – giúp tăng thêm vị umami cho món ăn mà vẫn giữ trọn hương vị tự nhiên của nguyên liệu.
Nhiều người đặt câu hỏi: vậy cần sử dụng bột ngọt thế nào cho hiệu quả, lượng dùng bao nhiêu thì vừa? Những tổ chức y tế và sức khỏe đáng tin cậy trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đều xác nhận bột ngọt là một gia vị an toàn với liều dùng hàng ngày (ADI – acceptable daily intake) “không xác định”. Trong thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 30/11/2012, bột ngọt cũng được liệt vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm và không quy định liều dùng hàng ngày.
Như vậy, lượng bột ngọt sử dụng trong chế biến tùy thuộc vào món ăn và khẩu vị của từng người, sao cho đạt đến vị ngon vừa miệng nhất. Việc chọn thực phẩm tươi ngon, phối hợp đa dạng, cân đối để đảm bảo bữa ăn an toàn và bổ dưỡng cùng với các gia vị giúp người ăn thấy ngon miệng là những yếu tố cần thiết cho sức khỏe thông qua dinh dưỡng ẩm thực.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu
Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Đồng 2
Ngọc Cúc/ CLB Tiêu dùng thông minh