Bữa cơm gia đình thể hiện rõ vai trò trong mùa dịch Covid-19.Bữa cơm gia đình thể hiện rõ vai trò trong mùa dịch Covid-19.

Đã hai tháng nay, chúng ta sống chung với Covid-19, và những ngày tới, dự báo dịch bệnh sẽ còn cam go hơn nữa. Những người yếu tim đã bớt hoang mang, những người chủ quan cũng đã bớt bàng quan. Dịch bệnh khiến cho cuộc sống của không ít gia đình bị đảo lộn, nhưng cũng chính nó đã giúp nhiều nhà thêm gắn kết, yêu thương nhau hơn.

Duy trì thói quen lành mạnh

Hưởng ứng và đi đầu trong các phong trào chống dịch, ý thức về những điều nên và không nên, sống lành mạnh hơn, khoa học hơn… là tất cả những gì người trẻ Việt đang cố gắng thực hiện để vượt qua mùa dịch bệnh. Qua những biến động không ngừng bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh, những người Việt trẻ đã và đang ứng xử đầy văn minh và tử tế. Không mò mẫm, hoài nghi, run sợ trước đại dịch, họ bình tĩnh đón nhận, tìm hiểu thông tin, tự trang bị cho bản thân “lá chắn” chống dịch và không quên lan truyền, chia sẻ đến cộng đồng. Từ ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19, rất nhiều người trẻ đã đặt ra những quy định với bản thân mình để sống có trách nhiệm hơn.

“Kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, mình ý thức về việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân hơn, nhất là trong chế độ ăn uống để tăng cường sức đề kháng cho bản thân. Đề kháng khỏe mạnh thì virus sẽ khó tấn công. Dạo này, mình không còn lê la quán xá vỉa hè nữa, thay vào đó tự nấu cơm ở nhà và cũng nấu cơm mang đi làm luôn”, bạn Hương Giang (22 tuổi) nêu quan điểm.

Chị Nguyễn Thị Phú (30 tuổi) làm việc cho một công ty truyền thông ở quận 3 (TPHCM) chia sẻ: “Do chưa có gia đình nên trước đây mỗi buổi sáng mình hay có thói quen ngủ nướng gần đến giờ đi làm mới dậy. Buổi trưa thì cùng bạn bè kéo ra hàng quán kiếm gì ăn uống rồi vào công ty nghỉ lưng một chút để tiếp tục làm buổi chiều. Nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19 đến nay, buổi trưa mình không đi ăn ngoài nữa mà tự mang cơm nấu theo để ăn ngay trong công ty luôn”. Lúc mới đầu cũng thấy ngại nhưng qua vài ngày thành thói quen, việc nấu cơm mang đi trở thành niềm vui mới của chị.

Chị Lê Thị Thảo (34 tuổi), làm công việc văn phòng cho một tổ chức xã hội cho biết: “Trong chỗ làm của mình có một nhóm mấy chị em từ Tết đến giờ không ra ngoài ăn cơm trưa như mọi khi nữa. Cả nhóm thống nhất hùn tiền lại để mua đồ cùng nhau nấu ăn chung rất vui và ngon. Đang trong mùa dịch bệnh Covid-19, mình càng hạn chế đến những nơi đông người càng tốt. Sức khỏe là quan trọng nhất, nên không thể đùa giỡn được”.

Lương Quang (28 tuổi) có kinh nghiệm tập luyện thể hình 8 năm, cũng là admin một trang fanpage chuyên về fitness, cho biết từ khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát ở Trung Quốc và xuất hiện tại Việt Nam, mỗi ngày, anh nhận được rất nhiều tin nhắn nhờ tư vấn.

“Mọi người có nội dung cần tư vấn khá giống nhau là có nên đến phòng gym hay không hoặc tập luyện như thế nào để cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng. Nhiều bạn cho biết đã nghỉ tập, không dám tiếp xúc với người ngoài để bảo đảm an toàn”, anh Quang nói.

“Tôi thấy rằng tập luyện rất quan trọng cho sức khỏe, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể. Đây cũng là “lá chắn” bảo vệ cơ thể trước các loại virus, đặc biệt Covid-19. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, tôi luôn tuân thủ một số nguyên tắc như giữ khoảng cách với người khác từ 1,5 – 2 m, đặc biệt người đang hắt hơi, ho; tránh sờ vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên với nước rửa tay có cồn hoặc xà phòng trước và sau khi tập luyện.

Qua tìm hiểu, tôi biết rằng virus Corona không đủ nhẹ để bay lơ lửng trong không khí. Vì vậy, tôi nghĩ mọi người không nên quá hoảng sợ mà cho rằng virus có trong không khí, khiến hít thở cũng có thể lây bệnh. Bên cạnh đó, giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, luyện tập thể thao cũng là những thói quen lành mạnh nên duy trì để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus”, anh Quang chia sẻ kinh nghiệm.

Những khẩu hiệu ý nghĩa, có trách nhiệm xuất hiện liên tục trên các mạng xã hội.

Sống chậm, sống gắn kết

Trước đây, cứ mở Facebook, Instagram ra là tràn ngập ảnh chị em “sống ảo”, nay thì ngập tràn ảnh các món ăn “chuẩn cơm mẹ nấu”, nhiều chị em rảnh rỗi hơn còn trồng rau, nuôi thú cưng, thậm chí đan lát, thêu thùa, nữ công gia chánh.

Có rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ đã xảy ra với không ít gia đình. Trước đây, chị Huyền thường cuống cuồng mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà, nào giục giã các con đánh răng, rửa mặt, thay đồng phục, đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà, đưa đứa lớn đến trường tiểu học, đứa nhỏ vào lớp mầm non, rồi tất tả phóng như bay tới công ty.

Buổi chiều, chưa hết giờ làm việc theo quy định chị đã nhấp nhổm về đón con, hôm nào nhiều việc công ty quá, chị mới nhờ chồng đón con. Đón con xong lại quay ra đi chợ. Về nhà, hai vợ chồng cùng “song kiếm hợp bích” nấu cơm để 19 giờ kịp ăn bữa tối. Ăn xong nghỉ ngơi 10 – 15 phút, chồng chị chở đứa lớn đến trung tâm ngoại ngữ gần nhà học tiếng Anh. Ở nhà, chị rửa bát, quét nhà, giặt giũ quần áo, quay cuồng đến tầm 21 giờ mới tạm được gọi là nghỉ ngơi.

Vào mùa dịch, hai đứa nhỏ nghỉ học, cơ quan chị cũng vừa mới ra quyết định cho nhân viên ở nhà làm việc online. Bữa sáng chị Huyền có thêm thời gian nấu nướng cho cả nhà, việc mà trước đây chị chưa từng làm, hôm thì phở bò, hôm mì tôm sườn, hay bánh mì ốp trứng pate… Không những thế, chị còn tìm hiểu trên mạng để làm chanh đào ngâm mật ong, pha nước súc miệng cho cả nhà để nâng cao sức đề kháng.

Với tâm thế lạc quan “biến rủi thành may” và quyết tâm không để con mình sau này nhìn lại giai đoạn khó khăn này với sự sợ hãi và chán nản, chị Huyền hướng dẫn các con lập thời gian biểu hàng ngày, trong đó có việc làm bài tập các thầy cô giao tại nhà. Khi hướng dẫn con tự thiết kế một ngày sinh hoạt của mình, chị thấy các con học được cách làm việc có mục đích, kỹ năng lên kế hoạch và khả năng thích ứng với thay đổi.

“Thời gian biểu của các cháu có rất nhiều hoạt động khác nhau như đọc sách, học nấu ăn hoặc giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Gia đình tôi cũng chơi trò chơi cùng các cháu như trò chơi bản đồ tư duy, liệt kê toàn bộ các tỉnh, thành của Việt Nam, bắt đầu bằng những tỉnh, thành mà các cháu đã được đến, sau đó nhà tôi lại chơi trò chơi đoán tên các quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ là có rất nhiều thứ để trẻ có thể làm, có thể chơi và học ở nhà”, chị Huyền chia sẻ, “nhưng quan trọng nhất, đây là dịp để cha mẹ và con cái gắn kết tình cảm với nhau hơn”.

Chị Hoài Sa vốn làm trong lĩnh vực du lịch, vì dịch Covid-19 mà chính thức thất nghiệp. Cái khó ló cái khôn, không thể ngồi yên nhịn đói, chị xoay sang bán thức ăn làm sẵn online từ các loại hải sản tươi sống mua dưới quê lên, từ cá bống biển kho, cá thu cắt khúc sốt cà chua, chả mực, chả cá mối đến tôm rảo rang thịt ba chỉ, mắm tép chưng thịt… Lúc đầu, chủ yếu bạn bè mua ủng hộ, sau thấy đồ ăn của chị vừa ngon lại rẻ hơn ở các siêu thị, cửa hàng, nhiều khách lạ bắt đầu vào đặt online. Thời buổi dịch bệnh, ai cũng ngại đi chợ, đi siêu thị, thành ra người bán thực phẩm, thức ăn online như chị lại có cơ hội làm ăn.

Trên các trang mạng xã hội, người trẻ tích cực rủ nhau tham gia các chiến dịch, vừa thư giãn, vui vẻ, xốc lại tinh thần, vừa nhắc nhở nhau thích nghi hơn với những điều đang diễn ra. Có thể kể đến những chiến dịch được tạo nên bởi chính giới trẻ Việt như “Tôi ở nhà, bạn cũng thế” – chuỗi hoạt động online mang tính chất giải trí khuyến khích mọi người ngồi yên trong nhà, tránh tụ tập trong mùa dịch; thử thách 15 ngày chạy bộ với các cự ly 5 km, 10 km, 21 km…

Hưởng ứng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 và kêu gọi của Chính phủ về việc hạn chế tối đa việc ra ngoài để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, TikTok và Bộ Y tế phối hợp cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và IGV Group chính thức khởi động chiến dịch “Ở nhà vẫn vui” (#onhavanvui) kêu gọi người dùng ở nhà để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.

Tên gọi #onhavanvui lấy cảm hứng từ tinh thần “cách ly tự giác”, hạn chế các giao tiếp xã hội, các buổi tụ tập, giảm tốc độ lây lan, tránh quá tải hệ thống y tế, từ đó giúp kiểm soát dịch bệnh. Người người nhà nhà thực hiện lời kêu gọi “ở nhà” với tinh thần lạc quan, vui vẻ và chung tay chiến đấu với dịch bệnh.

“UNICEF rất vui mừng khi hợp tác với TikTok Việt Nam chống dịch Covid-19. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan bắt đầu từ việc giảm giao tiếp xã hội, vì thế bất kỳ việc gì chúng ta có thể làm để bảo đảm trẻ em và các thành viên trong gia đình ở nhà và an toàn đều hết sức quan trọng. Tôi nghĩ rằng với chiến dịch này chúng ta sẽ cùng được thưởng thức sự sáng tạo của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam! Tôi rất biết ơn TikTok Việt Nam đã có các hoạt động trách nhiệm xã hội của mình và là một nguồn động lực khuyến khích những điều tốt đẹp”, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, chia sẻ.

Với chiến dịch #onhavanvui, TikTok kêu gọi người dùng chia sẻ các hoạt động thú vị tại gia của bản thân và gia đình, từ những hoạt động thường ngày như nấu nướng (#onhanoitro), tập thể dục (#onhakhoemanh), học tập (#onhahocbai), đến những hoạt động độc đáo và cá tính hơn, như tự mặc áo quần thật đẹp và trình diễn thời trang (#onhalamdep), ngâm nga theo một điệu nhạc, trình diễn một điệu nhảy tự do để giải trí (#onhagiaitri)… Ngoài ra, người dùng có thể tương tác, kết nối với bạn bè và cộng đồng, xóa nhòa những cảm giác chán chường, tiêu cực khi phải rời xa nơi làm việc, hàng quán thân quen

Nguồn: giaoducthoidai.vn

https://giaoducthoidai.vn/song-co-trach-nhiem-20200413130403844.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc