Chuyện xảy ra từ năm 2000, một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với các tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines. Chiếc xe tải di chuyển trên địa phận Đông Anh (Hà Nội) đã đâm phải xe ôtô chở các nữ tiếp viên đang trên đường ra sân bay làm nhiệm vụ. 9 người trên xe, có lái xe và 2 tiếp viên chết tại chỗ, số còn lại đều bị thương. Nặng nhất là Hoàng Thị Thu Hằng trong tình trạng: mặt nát nhừ, vỡ xương chậu, sụp xương lồng ngực, gãy chân trái…
Hành trình trở về từ cõi chết
Gần một thập niên trước, những thông tin về tai nạn xảy ra với “Hằng 12” đã được giới truyền thông trong nước đưa tin. Hành trình “trở về từ cõi chết” của Hằng đã lấy đi biết bao nước mắt của nhiều người theo dõi hình ảnh của cô trên báo chí, truyền hình. Tất cả đều cảm phục trước nghị lực vươn lên của cô gái này.
“Hằng 12” đã từng viết gửi cho báo chí, kể về toàn bộ những gì đã xảy ra với cuộc đời mình, kèm theo lời nhắn nhủ: “Những người may mắn được khỏe mạnh và lành lặn hãy dành chút thời gian nghĩ đến những người tàn tật” và “những người tàn tật như tôi hãy lạc quan và nếu cố gắng hết mình thì cuối cùng vẫn làm được việc gì đó có ích”… Lời nhắn ấy đã thôi thúc người viết bài muốn nhìn thấy “Hằng 12” bằng xương, bằng thịt của ngày hôm nay.
Chị Hoàng Thị Thu Hằng
Tròn 15 năm kể từ cái ngày định mệnh đến với chị, “Hằng 12” giờ đây không còn là một nữ tiếp viên trẻ trung, xinh đẹp như ngày nào nhưng điều mà người viết cảm nhận ở chị vẫn còn đó phong thái đĩnh đạc, chỉn chu… toát lên từ lời nói. Hiện đang công tác ở Thư viện Đoàn Tiếp viên hàng không Vietnam Arilines, chị Hằng tâm sự: “Vì được cấp trên và đồng nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ nên công việc của chị cũng không quá vất vả”.
Cầm cuốn sổ lưu những đầu sách có trong thư viện, ai mượn cuốn sách nào chị lại cần mẫn ghi chú lại, điều lạ là chị phải viết bằng tay trái nhưng khá thành thục. Sở dĩ chị phải viết bằng tay trái là vì di chứng của vụ tai nạn ngày nào đã khiến chị bị liệt nửa người bên phải. Trải qua rất nhiều lần chữa trị và tập luyện, mới có Hằng của ngày hôm nay.
Đã 15 năm trôi qua, nhưng chị vẫn chưa một lần quên cái ngày định mệnh đến với cuộc đời mình. Chị bảo rằng: “Tưởng chừng số phận đã quá nghiệt ngã với mình nhưng nhìn lại thì vẫn còn đó những may mắn. Bởi, số phận cướp đi của chị nhiều thứ nhưng bù lại chị có những người thân tuyệt vời”.
Năm 2000, sau hơn 3 tháng nằm viện trong tình trạng mong manh giữa sự sống và cái chết, Hoàng Thị Thu Hằng trở về nhà với 154 mũi khâu trên mặt, liệt nửa người, tinh thần hoảng loạn… Hồi đó, người được mệnh danh là bác sĩ có “bàn tay vàng” đã cẩn thận khâu lại cho chị, mỗi vết khâu lặp lại 2 mũi để “khi liệm trang điểm cho đẹp”. Đó dường như là điều duy nhất mà vị bác sĩ có thể làm được cho chị và ai cũng nghĩ: “Hằng 12” sẽ không thể vượt qua.
Khi ấy, các bác sĩ khuyên gia đình chị nên cho bệnh nhân về nhà, nằm ở đây chỉ thêm tốn tiền viện phí, thôi đành trông chờ vào phúc phận của bệnh nhân… Thế nhưng, những người thân trong gia đình chị thì lại không ngừng nuôi hy vọng. Mặc dù, ở thời điểm đó chị không thể điều khiển được hệ thần kinh, thường xuyên la hét, ngay cả hệ bài tiết cũng không kiểm soát nổi nên phải đóng bỉm… Trước tình cảnh ấy, bố chị đã phải họp gia đình để đi đến quyết định: Trong nhà có gì bán hết, lấy tiền chữa bệnh cho con.
Quyết định này được cả nhà hưởng ứng, anh chị em trong nhà đều nhất trí cần thiết thì bán nhà ở Hà Nội, về quê sống để lấy tiền chữa bệnh cho Hằng.
Hành trình chữa chạy cho chị đằng đẵng suốt nhiều năm. Các thầy thuốc từ Đông đến Tây y đều đủ cả, có khi mời thầy ở nước ngoài về thăm khám… nhưng đều không kết quả. Mãi sau này, khi được một người quen giới thiệu, bố chị Hằng đã đến gặp bác sĩ Nguyễn Viết Thiêm, chuyên chữa bệnh Thần kinh thực vật ở Hàng Cót. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến bác sĩ Thiêm, chị Hằng đều không quên nói rằng: “Đây chính là người đã sinh ra chị lần thứ 2”.
Nhờ sự cứu chữa của bác sĩ Thiêm mà tinh thần của chị Hằng dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, chân tay chị thì vẫn không thể cử động, cơm phải có người bón, vệ sinh cá nhân đều phải có người giúp… Đau đớn nhất là trong một lần tình cờ nhìn thấy mình trong gương, chị đã không còn nhận ra mình khi khuôn mặt đã chi chít những vết sẹo.
Tuyệt vọng, thêm suy nghĩ mình đang là gánh nặng cho gia đình nên chị đã nghĩ đến chuyện quyên sinh. Như hiểu được ý định của chị nên gia đình cử người túc trực 24/24, khiến chị không thể thực hiện được ý định của mình. Từ đó trong nhà chị không còn treo một tấm gương nào nữa. Rồi một ngày bố mẹ chị nói: “Nếu đánh đổi được cuộc sống của bố mẹ cho con, thì bố mẹ đổi ngay”. Quá thương bố mẹ đã phải khổ và hy sinh nhiều vì mình, sau nhiều đêm thức trắng, chị Hằng quyết định: Mình phải tự đứng lên.
Tiếp sau là những chuỗi ngày nỗ lực mà giờ nhớ lại chị vẫn phải rùng mình. Ngày đầu để đứng dậy được, chị Hằng phải cần tới 4 người giúp đỡ: Tôi cảm thấy bất lực khi người không còn chút sức lực, cơ thể mềm nhũn, mọi người cho tôi tập đi mà không khác gì đang… kéo lê thân xác mình. Khi ấy, tôi thực sự tuyệt vọng, nhưng rồi mẹ tôi nựng rằng “cố lên nào con gái lên 3 của mẹ”… tôi đã trào nước mắt. Cứ khi nào tuyệt vọng, tôi lại nhớ đến câu nói của mẹ. Đến tận bây giờ, khi mẹ mất rồi, những lúc khó khăn tôi lại nhớ đến câu nói ấy để vươn lên”.
Hơn một năm bền bỉ tập luyện, không kể mưa gió, cả việc tìm đến các phòng tập cho người khuyết tật… chị Hằng đã chống nạng đi lại được. Suốt thời gian ấy, chị tự nhủ trong lòng rằng, vì gia đình mình không được lùi bước… Rồi đến một ngày, sự kỳ diệu đến khi chị tự đi được bằng đôi chân của mình mà không cần chống nạng.
Thấy con gái đã mạnh mẽ trở lại, bố chị đã nói: “Bây giờ con đi lại đã khá hơn, nhà mình không thể lo tiền thuốc thang cho con mãi được, bố sẽ đưa con lên chỗ Tổng giám đốc, xin cho con đi làm lại…”. Mãi sau này, chị Hằng mới biết dù thương con rất nhiều, nhưng bố chị vẫn phải nói vậy nhằm khích vào lòng tự trọng để chị đi làm. Theo suy nghĩ của ông thì đó là cách duy nhất để con có thể tái hòa nhập với xã hội.
Thế là bố của chị đã cất công đến gặp trực tiếp Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines thời đó là ông Nguyễn Xuân Hiển. Lúc đó, trực tiếp tổng giám đốc phỏng vấn chị. Sau khi nghe nguyện vọng và phỏng vấn trả lời bằng tiếng Anh và tiếng Hoa, ông đã phê vào đơn xin việc của chị Hằng: “Lưu ý trường hợp này để bố trí việc thích hợp. Xong báo cáo lại cho tôi”.
Ở thời điểm đó, y tế hàng không kiểm tra, tỉ lệ thương tật của chị Hằng là 71%, sức khỏe loại 5. Trong khi đó chỉ xếp loại 3 trong ngành đã bị loại. Cuối cùng chị được phân về công tác tại Thư viện Đoàn tiếp viên đến bây giờ.
Hạnh phúc bất ngờ
Nói vụ tai nạn thảm khốc năm 2000 đến đã cướp đi toàn bộ tương lai, hạnh phúc của Hằng 12 không sai. Bởi ngoài việc phải đối mặt với tử thần, mất việc khi đang ở độ chín, chị còn mất luôn cả hạnh phúc riêng khi người chồng mới cưới thấy thảm cảnh của chị như vậy đã “quất ngựa truy phong”. Nhưng rồi, số phận cũng bù đắp cho chị khi câu chuyện về cuộc đời của nữ tiếp viên này được truyền thông trong nước biết đến. Ở thời điểm đó chị đã trở thành tấm gương vươn lên số phận cho biết bao con người và cũng từ chương trình truyền hình này đã mở ra cánh cửa hạnh phúc mới cho chị.
Đám cưới cổ tích của chị Hoàng Thị Thu Hằng và chồng Nguyễn Kim Tiến năm 2007
Nhớ lại vào thời điểm năm 2007, khi chương trình về cuộc đời chị được phát trên sóng truyền hình cả nước, chị Hằng kể: “Mình khuyên mọi người hãy vươn lên nhưng thực sự là trong mình vẫn còn mặc cảm tự ti, thêm chuyện tình riêng mất mát nên trái tim mình đã đóng khép. Khi chương trình lên sóng đã rất nhiều người muốn đến với mình, chia sẻ với mình… Thế nhưng không tránh khỏi những lúc hoang mang, mất phương hướng mình thực sự sợ cảm giác phải đối diện với hình ảnh của mình trong gương và đối diện với những người quen cũ. Nên mình tự nhủ rằng hãy tự mình đi bằng đôi chân của mình thôi”.
Dường như số phận đã an bài, chồng của chị bây giờ, cũng là bạn học văn bằng 2 với chị tại một trường Ngoại ngữ tại TP HCM khi xem chương trình. Nhận ra cô gái năm xưa mà anh thầm yêu, trộm nhớ. Những tưởng Hằng đã có mái ấm gia đình riêng, đã được hạnh phúc… nhưng anh không thể ngờ số phận đã trớ trêu với chị Hằng.
Ngay ngày hôm sau, anh đã gọi điện đến Đoàn Tiếp viên để hỏi thông tin về chị. Và rồi, hạnh phúc một lần nữa đến với chị vào cuối năm 2007. Đám cưới của anh chị được xem như một “Đám cưới cổ tích” giữa đời thường. Đến nay đã gần 8 năm chung sống, khi nhắc về gia đình nhỏ của mình, đôi mắt chị Hằng vẫn ánh lên niềm hạnh phúc.
Chị nhớ lại ngày đầu tiên anh đến tìm chị, mặc dù luôn khát khao cuộc sống gia đình bình thường như bao người phụ nữ khác, nhưng thực sự chị chưa sẵn sàng vì sợ trở thành gánh nặng cho người khác. Thế nhưng chính vì tình yêu chân thành của anh đã khiến chị rung động. Điều làm chị nhớ nhất là lần đầu tiên khi gặp lại, anh đã nói với chị rằng: “Anh vẫn luôn yêu em cho dù là em của ngày xưa hay bây giờ”.
Mỗi lần nhắc đến chồng, chị Hằng đều mỉm cười rạng rỡ. Chị tâm sự: “Điều chị quý nhất ở chồng là sự quyết đoán. Có một điều chị không bao giờ quên, đó là khi anh ngỏ ý muốn cưới chị, chị hỏi anh rằng “anh có kể về tai nạn của em cho gia đình anh không? Anh trả lời: “Anh không kể. Bởi anh biết, anh mới là người quyết định. Anh lấy vợ cho chính anh chứ chẳng cho ai khác!”.
Lấy nhau rồi, anh chị vẫn chưa được đoàn tụ ngay vì anh là bộ đội, đóng quân ở dưới Hải Phòng. Cuộc sống lúc mới đầu còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nhưng chị luôn tâm niệm “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nên mọi chuyện đều suôn sẻ .
Hiện tại, anh đã được chuyển công tác về Hà Nội để được ở bên cạnh chị. Và “trái ngọt” cho vợ chồng chị là hai nhóc tỳ đáng yêu, một bé gái 7 tuổi và bé trai 3 tuổi.
Vẫn còn giữ mãi giấc mơ… “bay”
Hiện tại, có một cuộc sống được coi là viên mãn so với mong ước. Tuy nhiên chị Hằng nói rằng: “Cuộc sống thì không nên ngừng những ước mơ”. Chính vì những mơ ước nên cuộc sống của chị cũng thi vị hơn.
Cuộc sống của chị là một chuỗi dài nỗ lực. Bởi sau khi bị tai nạn, cơ thể chị dường như là sự chắp vá, thường xuyên bị những vết thương cũ hành hạ. Nhưng nhiều khi đau quá chị chỉ biết nghiến răng chịu đựng một mình, bởi chị nghĩ chồng và gia đình đã lo lắng cho chị quá nhiều. Hiện, do di chứng nên chị vẫn bị liệt nửa người bên phải, tụ máu não… nên làm gì cũng chậm hơn người khác. Những lúc bị vết thương hành hạ thì liều thuốc duy nhất là tự xoa dịu bằng cách nhớ về những ngày tháng tươi đẹp khi được “bay”.
Chị bảo, tuy đến với nghề tiếp viên là do tình cờ nhưng 5 năm gắn bó với nghề đã khiến nó trở thành máu thịt. Khi tâm trí được phục hồi, đủ để nhớ về những ngày tháng cũ, chị nhớ quay quắt những lần bay, nhớ những gương mặt thân quen đã từng gắn bó.
Chị bảo: “Nghề tiếp viên với tôi là một nghề cao quý, đòi hỏi sự chỉn chu đến từng chi tiết. Bên cạnh đó thì làm nghề cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Thế nên tiếp viên chúng tôi thương nhau bằng một tình thương đặc biệt. Các bạn cứ thử nghĩ khi bay lên trời cao, mọi ranh giới đều trở nên mong manh nên chúng tôi phải đoàn kết, gắn bó với nhau như những người cùng vào sinh ra tử”.
Yêu nghề là thế nên khi không được làm nghề nữa, đôi khi chị cũng thấy chạnh lòng. Để tìm lại cảm giác được bay, nhiều lúc chị đã tự đặt vé đi du lịch để được bước lên máy bay, cái cảm giác đó thật là khó tả. Chị bảo: “Nhiều khi mình vẫn phải “ru ngủ” mình bằng những giấc mơ như thế”.
Trở về thực tại chị nói rằng: “Cuộc sống vẫn còn ưu ái với chị, hiện chị có một gia đình hạnh phúc và may mắn là vẫn được phục vụ trong ngành hàng không. Như vậy đã là quá đủ…”.
Vậy nên, khi chúng tôi hỏi, chị có muốn nhắn nhủ điều gì với những số phận kém may mắn trong cuộc sống, chị nói rằng: “Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy luôn nghĩ rằng mình phải sống và sống sao cho thật có ích. Riêng bản thân tôi, không thể phụ lòng những người đã cho tôi được sống. Đặc biệt là người bố tuyệt vời của mình”.
Huyền Anh – Ngọc Dung
Theo báo Năng Lượng Mới/ Petrotimes.vn