(Phunuhiendai.vn)-Hàng trăm gói bột ngọt, hạt nêm giả cùng nhiều dụng cụ sản xuất đã bị phát hiện tại nơi ở của bị cáo Đ.V.X (SN 1984) tại quận 12. Bị cáo X sau đó đã bị tuyên án 2 năm tù với tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.
Hàng trăm gói bột ngọt bị làm giả
Vừa qua, tổ công tác Công an Quận 12 đã bắt quả tang bị cáo Đ.V.X đang vận chuyển hơn 150 gói bột ngọt, hạt nêm giả chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Tiến hành điều tra tại nơi ở của bị cáo, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 25 gói bột ngọt, hạt nêm thành phẩm và các dụng cụ sử dụng cho việc sản xuất các mặt hàng trên.
X khai nhận số đã mua bột ngọt xá hiệu 2 con tôm nhập lậu từ Trung Quốc với giá rất rẻ, có trọng lượng 25kg/bao và hạt nêm Việt tại các chợ, tạp hóa loại 10kg/bao. Sau đó, X sang chiết và đóng gói vào vỏ bao bì đã được in sẵn các nhãn hiệu nổi tiếng.
Bột ngọt, hạt nêm không rõ nguồn gốc và chất lượng thường được các đối tượng sử dụng để sang chiết thành các gói nhỏ với bao bì của các thương hiệu nổi tiếng
Với hành vi và tang vật vi phạm này, Tòa án Nhân dân Quận 12, TP. HCM quyết định tuyên phạt bị cáo Đ.V.X mức án 2 năm tù giam về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 và tiêu hủy toàn bộ số hàng giả.
Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực
Để hạn chế mối nguy cho sức khỏe con người và ổn định trật tự xã hội, nhiều biện pháp mạnh đã được chính phủ, và các lực lượng chức năng đưa ra. Điều 193, Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định rõ ràng về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”: các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù từ 02 đến 05 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,… thì mức án tù cũng tăng tương ứng từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án chung thân. Cá nhân phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hay tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Các cơ quan chức năng đang tuân thủ tuyệt đối, và thực hiện nghiêm minh những quy định của pháp luật, nhằm loại bỏ các thực phẩm, chất phụ gia giả trên thị trường cả nước. Như vậy, những đối tượng như Quân, khi thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán phụ gia thực phẩm giả như chất tạo hương, chất tạo vị (bột ngọt / mì chính)…sẽ phải đối mặt với án phạt tù lên đến 20 năm và cao nhất là tù chung thân, kèm theo đó là xử phạt hành chính từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu tài sản.
Bên cạnh đó, Điều 76 của Bộ luật này còn quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, nếu pháp nhân phạm tội quy định tại Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm) thì bị xử phạt thấp nhất là 01 tỷ đồng và cao nhất lên đến 18 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây ra sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.
Với những mức xử phạt hình sự mang tính răn đe mạnh mẽ được bổ sung, BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 sẽ đẩy lùi những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả, đặc biệt là bột ngọt giả; góp phần ngăn chặn những nguy cơ, hiểm họa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ những nhà sản xuất và kinh doanh chân chính.
Thu Thu
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media