Lâu lắm mới trở lại quán Cây Dừa ở gần chân cầu Nguyễn Tri Phương, lại không gặp được cảnh một cô gái ngồi cắt nhỏ một thúng ngầu pín cho khách ghé quán buổi tối.
Cô gái rất mắc cỡ khi chúng tôi nhìn cảnh cô cắt hết cái này tới cái khác một thúng khúc của quý của bò chuẩn bị cho khách ban chiều. Chúng tôi xin chụp hình thì cô giấu mặt… Không có đào hoa y cựu cười gió đông mà nhân diện cô gái vẫn tương ánh hồng.
Không nghe gọi ngầu ngọc
Chẳng hiểu sao trong các thực đơn những quán bán phụ tùng của bò, món của quý của bò – thường được gọi là ngầu pín và… ngầu ngọc (?) – đều ghi là món súng đạn.
Ngầu chắc tiếng Tàu là ngưu; pín tiếng Quảng Đông là “của quý”; tiếng Trung xưa phiên âm sang Hán Việt là tiên – cái roi.
Còn nhớ ông thầy dạy môn Dẫn luận ngôn ngữ học của mình giảng: tiếng Tàu không có từ bò, chỉ có từ ngưu, muốn diễn đạt bò phải gọi là hoàng ngưu. Vậy mà người ta bắt gặp nhiều văn bản ghi ngầu pín bò, ngầu pín dê, chó, lợn, hổ, v.v. Bị dư mất từ “ngầu”.
Trong tiếng Việt khi gọi đích danh cái của quý này thường bị cho là tục. Nên đôi lúc mượn tiếng Chăm gọi là linga lại hết tục, vì đó là totem của người dân này mà. Súng đạn càng không dung tục.
Những quán bán chuyên loại phụ tùng bò thường dọn sẵn một cái lẩu “chay”, chỉ là nước lèo nấu xương, hoặc nước lèo nấu xương và một bài thuốc bắc. Một trong những thứ không thể thiếu trong công thức này là câu kỷ tử.
Các bí kíp Bản Thảo Kinh Tập Chú, Dược Tính Bản Thảo, Thực Liệu Bản Thảo, Bản Thảo Cương Mục, đều xác nhận câu kỷ tử ăn vào ông bà đều khen lẫn nhau. Nước lèo ở Cây Dừa đặc biệt nâu đen, câu kỷ tử nổi lềnh bềnh màu đỏ gạch, chứ không trong như các nơi khác.
Sau đó, tiếp viên quán sẽ đem ra một mâm “tuỳ chọn” cho khách hàng gồm súng đạn “sinh học” (gọi vậy vì nó là súng đạn của con bò, không gây sát thương), tuỷ, óc, móng, trứng lộn, trứng gà non, gân, thịt, sách – được tẩy trắng tinh thường thấy ở Sài Gòn, người sành không dám ăn. Đặc biệt ở Cây Dừa còn có chả cá thác lác. Rau thường là cresson và mồng tơi.
Lễ hội đạn thế giới hàng năm
Món lẩu này tuyệt diệu ở chỗ, khi đã cạn những thứ trong nồi, có thể tuỳ ý kêu thêm một hoặc hai, hoặc “en nờ” thứ trong danh mục vừa nêu.
Những tín đồ của “chủ nghĩa” ăn gì bổ nấy thường gọi thêm súng đạn. Súng ăn dòn dòn. Đạn dai dai, beo béo, cholesterol trong 100g là 375mg, theo tạp chí của hiệp hội các nhà bán dầu Mỹ (American Oil Chemists Society). Chẳng thấy nói gì đến lượng testosterone trong đạn.
Dân phương Tây quan tâm tới đạn hơn là súng. Bởi vậy nên giải vô địch nấu món đạn và bồi dưỡng libido hàng năm trên thế giới được lập ra có tên là “World Championship in Cooking Aphrodisiacs and Testicle Specialites”.
Lễ hội lần thứ 13 diễn ra từ ngày 2 – 4/9 vừa rồi ở làng Lipovica, Despotovac, Serbia. Tây họ cũng tin đạn có tác dụng tăng cường libido.
Người sáng lập và tổ chức lễ hội này là Ljubomir R. Erovic. Các món ăn từ đạn được cho là cực kỳ “Lâm Sung”, “cải tạo” libido, đánh thức các bản năng nguyên thuỷ, tăng cường sức mạnh đàn ông, theo ballcup.com.
Vẫn theo trang này, phụ nữ cũng có thể ăn… đạn mà không phải e dè vì món ăn tạo ra cơ mông (gluteus). Sau khi ăn cần phải hoạt động thể lực nhằm tiêu hao năng lượng tích cực.
Ban tổ chức lễ hội cho biết họ đã phỏng vấn những người tham dự, những thí sinh, và những người đã sử dụng các công thức nấu từ cuốn The Testicle Cookbook của Erovic.
Những người trả lời, tuổi từ 28 – 76, ghi nhận là có sự thành công trên giường sau khi dùng món đạn. Những cộng sự phụ nữ của ban tổ chức đã thảo luận đàng hoàng. Trước khi lên giường với “đối tác”, phụ nữ biết người ấy ăn gì. Câu trả lời: “Có khác”.
Ba giải được lập ra trong lễ hội này gồm:
– Món đạn ngon nhất.
– Món gây sung nhất – có một ban giám khảo kiểm tra kết quả sung trong một căn lều tách biệt chỉ sử dụng cho mục tiêu này. Nếu bạn có can đảm có thể một mình qua đêm trong lều.
– Người đàn ông bản lĩnh (ballsiest) nhất thế giới.
Ngữ Yên
Theo TGTT