Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững thuộc Đại học RMIT Việt Nam, phối hợp cùng Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, hân hạnh tổ chức Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024 với chủ đề: “Xã hội số – Dẫn dắt tương lai bền vững của Việt Nam”.
Sự kiện sẽ diễn ra từ 9h00 đến 12h00 ngày 22/11/2024 tại cơ sở Nam Sài Gòn của Đại học RMIT, thu hút hơn 400 đại biểu tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham gia sự kiện có đại diện từ chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, cùng các chuyên gia và nhiều nhà nghiên cứu từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy đối thoại về vai trò của xã hội số và công dân số trong việc phát triển các đô thị thông minh và bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số và xây dựng các thành phố thông minh và bền vững với các chương trình đầy tham vọng. Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chính sách quan trọng, đặc biệt là Quyết định 749/QĐ-TTg, Quyết định 411/QĐ-TTg, Quyết định 942/QĐ-TTg, và Quyết định 950/QĐ-TTg, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số với ba mục tiêu chính: xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các sáng kiến đô thị thông minh, góp phần xây dựng một xã hội số toàn diện, trong đó công dân số đóng vai trò trung tâm. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn mà Việt Nam đang theo đuổi trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững.
Theo PGS Nguyễn Quang Trung – Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, lãnh đạo của Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững (APAC Smart & Sustainable Cities Hub – SSC Hub), Đại học RMIT Việt Nam, để xây dựng một xã hội số lấy con người làm trọng tâm, cần phát triển xã hội số và công dân thông minh – những người có năng lực số, có trách nhiệm trên môi trường mạng và tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển đô thị. Các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và kỳ vọng của cư dân, doanh nghiệp ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các quốc gia trong khu vực. Phát triển xã hội số và công dân thông minh hứa hẹn sẽ là giải pháp quan trọng trong việc xây dựng các thành phố thông minh và bền vững và nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
Mục tiêu tổ chức diễn đàn
Diễn đàn này không chỉ là cơ hội đối thoại mà còn là một phần trong nỗ lực giải quyết các thách thức lớn tại các đô thị đang phát triển nhanh của Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Sự phát triển không ngừng của đô thị dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp như quản lý tài nguyên, giao thông, môi trường và khoảng cách số.
Ban tổ chức diễn đàn mong muốn:
- Thúc đẩy trao đổi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các nước, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tế.
- Định hình nền tảng chính sách và chiến lược nhằm khuyến khích công dân số tham gia tích cực vào các sáng kiến đô thị thông minh.
- Đưa ra những khuyến nghị chính sách hữu ích, góp phần xây dựng một tương lai thông minh và bền vững hơn cho Việt Nam.
Điểm nổi bật của diễn đàn
Diễn đàn sẽ là nơi các đại biểu từ chính phủ, doanh nghiệp và giới nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, bàn về các chiến lược thúc đẩy xã hội số, nhằm hướng tới một tương lai bền vững cho Việt Nam. Các nội dung chính bao gồm:
- Giới thiệu về SSC Hub: Trực thuộc Đại học RMIT Việt Nam, SSC Hub là trung tâm nghiên cứu hợp tác kết nối các nhà lãnh đạo ngành, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia học thuật nhằm thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, phát triển giải pháp đô thị và hướng tới sự phát triển bền vững cho Việt Nam cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
- Ra mắt báo cáo nghiên cứu “Thành phố thông minh và bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Thực trạng, thách thức và các hàm ý chính sách”: Đây là một nghiên cứu chuyên sâu của Đại học RMIT Việt Nam nhằm cung cấp bức tranh tổng quát về các xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững trong khu vực. Báo cáo không chỉ nêu rõ thực trạng và thách thức mà còn đề xuất các hàm ý chính sách quan trọng để hỗ trợ chính phủ các nước trong việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh bền vững.
- Quản trị siêu đô thị và các thách thức phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh: Sự phát triển nhanh chóng của TP. Hồ Chí Minh mang lại nhiều thách thức trong quản lý và phát triển bền vững. Diễn đàn sẽ cung cấp góc nhìn chuyên sâu về những khó khăn hiện tại và đề xuất các phương pháp quản trị hiệu quả cho siêu đô thị này.
- Gắn kết và tham gia của công dân trong thành phố thông minh và bền vững: Công dân số được xem là “nền móng” cho thành phố thông minh. Các phiên thảo luận sẽ tập trung vào cách thức khuyến khích và hỗ trợ công dân tham gia tích cực vào các sáng kiến phát triển bền vững thông qua công nghệ số.
- Vai trò của xã hội số trong phát triển bền vững của Việt Nam: Các diễn giả sẽ thảo luận về cách xã hội số có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và kinh tế. Các khuyến nghị chính sách từ những chuyên gia sẽ giúp định hướng phát triển xã hội số trong tương lai.
Các diễn giả chính gồm nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý và chuyên gia nổi tiếng từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cơ quan nhà nước, và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu. Người tham dự sẽ có cơ hội tiếp cận kiến thức giá trị về các xu hướng quản trị, mở rộng mối quan hệ hợp tác và tìm hiểu phương pháp nâng cao sức cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Đây là sự kiện không thể bỏ lỡ đối với những người quan tâm đến chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững, từ sinh viên, nhà nghiên cứu đến các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp công nghệ.
Quý vị quan tâm có thể đăng ký tham dự qua trang web sự kiện tại đây.
RMIT Việt Nam