Đây là nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức Plan International đưa ra các chỉ số lãnh đạo trong 6 lĩnh vực: Giáo dục, Sức khỏe, Cơ hội kinh tế, Đảm bảo an toàn, Khả năng tham gia chính trị và Tính đại diện (Education, Health, Economic Opportunities, Protection, Political Voice & Representation) thống kê hóa thực trạng cuộc sống của trẻ em gái trên toàn khu vực châu Á, vẽ lên bức tranh toàn cảnh mà các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) còn bỏ sót, tìm ra những trọng điểm cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ thúc đẩy cải thiện đời sống của em gái.
Đây là một bộ chỉ số mới, lần đầu tiên được nghiên cứu, phát triển và áp dụng dành riêng cho khu vực với hy vọng sẽ tạo ra được một góc nhìn chung về đời sống của trẻ em gái trên toàn Châu Á. “Tôi hy vọng rằng dựa trên những chỉ số trong báo cáo này, các nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có cái nhìn toàn diện hơn về tiến độ phát triển của cả vùng trong công cuộc thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái, hướng tới sự hợp tác đa ngành, đa quốc gia”, bà Bhagyashri Dengle, Giám đốc Vùng của tổ chức Plan International khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát biểu.
Trên thế giới hiện có hơn 1,1 tỷ trẻ em gái dưới 18 tuổi, và hơn một nửa trong số đó hiện đang sinh sống tại khu vực Châu Á. Bản báo cáo chỉ ra rằng, giai đoạn chuyển tiếp của các em từ khi còn nhỏ tới giai đoạn vị thành niên, cho tới trưởng thành, là những bước ngoặt có thể thay đổi toàn bộ con người cũng như tương lai của các em.
Bà Laura Hwang Cheng Lin, đương Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Phụ nữ và Trẻ em gái (ACWC) cho biết: “Trong những năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi vô cùng tích cực trong nhận thức chung của toàn xã hội về vấn đề bình đẳng giới. Ví dụ như ở Singapore, giờ đây tỉ lệ các em gái theo học ở mọi cấp đều đã tăng vượt bậc, các em trai và em gái đều được học ở môi trường giáo dục chất lượng cao tương tự với nhau và không có sự phân biệt giới, dù là ngành khoa học tự nhiên hay văn hóa xã hội. Không chỉ ở Singapore, mà rất nhiều quốc gia khác trong khu vực như Philipines, Việt Nam, Thái Lan đều đạt được xếp hạng rất cao về chỉ số này trong bản báo cáo. Đây là một thành tựu thật đáng khen vì nó chỉ ra rằng nhận thức chung của xã hội đang dần ghi nhận rằng, đầu tư vào sự phát triển của trẻ em gái cũng chính là đầu tư vào sự phát triển toàn diện và bền vững cho cả xã hội.”
Em Minh Thư – đại diện cho thanh niên Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Tại Châu Á, tuy rằng đã có những tiến bộ vượt bậc nhằm bảo vệ và trao quyền cho trẻ em gái nhưng trên thực tế, các em vẫn phải đối mặt với những rào cản liên quan tới giới hàng ngày. Trong diễn đàn, em Minh Thư 22 tuổi, đại diện cho tiếng nói của trẻ em gái và nữ thanh niên trên toàn khu vực Đông Nam Á chia sẻ về trải nghiệm sống của mình: “…Thường thì con gái chúng em bị xếp vào vai yếu thế. Chúng em sẽ đóng vai trò hậu cần, sẽ hỗ trợ để các bạn nam theo đuổi hoài bão và đam mê. Em biết rằng con gái hoàn toàn có khả năng làm được những điều phi thường, nhưng lại thường không được trao cơ hội để làm vậy. Em nghĩ, thứ nhất là do yếu tố xã hội. Nhìn chung, dù đang sinh sống trong bối cảnh hiện đại và hội nhập toàn cầu, người Châu Á chúng ta còn nhiều định kiến giới, và thường phụ nữ sẽ không được đề cao như nam giới. Thứ hai, là do chính các bạn gái thiếu đi sự tự tin vào chính mình, để có thể bứt phá ra khỏi những rào cản các bạn ấy tự đặt cho bản thân…”
Được vinh dự góp mặt trong buổi ra mắt trọng đại này, Thư cảm thấy rất tự hào khi đứng trước những đại biểu cấp cao của toàn khu vực, ý kiến của em vẫn được lắng nghe, ghi nhận và coi trọng. Nhân cơ hội này, Thư muốn gửi lời đến các bạn trẻ rằng hãy đừng ngần ngại để bước ra ngoài giới hạn của chính mình, để tìm lấy con đường cho riêng mình và cùng nhau cải thiện đời sống của trẻ em gái và nữ thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
Nguồn: Vân Nhi
http://gopfp.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ra-mat-bao-cao-vi-the-tre-em-gai-khu-vuc-chau-a-2020-chi-so-em-gai-lanh-%C4%91ao-10606-1.html