Cặp đôi NSƯT Quốc Trượng – Lâm Thanh nổi tiếng là gia đình hạnh phúc trong làng chèo. Nhưng ít ai biết rằng, cuộc hôn nhân viên mãn đó lại bắt đầu từ một đêm tân hôn mà Quốc Trượng gọi là “đêm kinh hoàng”…
NSƯT Quốc Trượng sinh ra và lớn lên ở miền quan họ Bắc Ninh, nên ngay từ nhỏ anh đã có khả năng hát chèo rất ngọt. Và giọng chèo ngọt này được tỏa sáng dưới bàn tay đào tạo của “biểu tượng chèo” Mạnh Tuấn. Quốc Trượng cùng với Xuân Hinh là cặp học trò cưng của thầy Mạnh Tuấn, cùng lớn lên trong một “nôi chèo” nên cặp đôi nghệ sĩ này có nhiều điểm chung.
Nhất là trong cuộc sống hôn nhân, cả hai đều mãn nguyện với “mô hình” vợ đẹp, con xinh. Quốc Trượng bảo, cũng nhờ “duyên chèo” mà anh cưới được cô vợ cùng nghề. Năm 1997, Lâm Thanh đang là sinh viên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, còn anh đang ở Nhà hát Chèo quân đội. Khi đó, đài truyền hình mời cả hai tham gia vào vở chèo “Cá mè đè cá chép”. Lâm Thanh vào vai nữ chính còn Quốc Trượng sắm một vai hề. Cái chất hề chèo dí dỏm không ngờ khiến cho cô nữ sinh mang vẻ đẹp hao hao nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền “mê” luôn anh hề.
Khoảng cách 13 tuổi khiến cho nhiều người lo ngại về sự hòa hợp hôn nhân, nhưng với cặp đôi này, đó lại là bí quyết để gia đình họ tìm được sự “thuận vợ, thuận chồng”. Anh tự nhận, mình có số lấy vợ trẻ. Bởi ngay từ khi khởi nghiệp, Quốc Trượng đã đặt ra cho mình chỉ tiêu phải đạt được danh hiệu NSƯT rồi mới lấy vợ. Thế mà thật, mãi tới năm 2001, khi Quốc Trượng được Nhà nước phong tặng NSƯT thì cuối năm đó, anh quyết định giã từ cuộc sống độc thân. Nhưng đặc biệt hơn, anh lấy chính “cô cháu” thường ngày vẫn gọi anh là “chú” khiến mọi người trong đoàn chèo ngã ngửa vì bất ngờ. “Nhìn nhiều gia đình nghệ sĩ tan vỡ, tôi thấy xót xa lắm. Với một người nghệ sĩ thì không gì bằng được đứng trên sân khấu. Tuy nhiên, người nghệ sĩ chỉ nên “say” ở trên sân khấu thôi để biết phân biệt, lúc nào làm nghề, lúc nào là đời thực.
Nhiều người làm nghề thế nào thì ra đời cũng “diễn” lại như thế, đem điều này vào hôn nhân thì rất nguy”, NSƯT Quốc Trượng tâm sự. Anh kể lại đám cưới của mình bằng chất hài hước của một “vua hề chèo”: “Cả đời đi làm trò cho thiên hạ, mua tiếng cười thiên hạ nhưng tới chuyện lấy vợ thì chính mình lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Số là, trước khi lấy vợ 2 ngày thì đùng một cái, cô dâu đi viện để mổ ruột thừa. Đám cưới không thể hoãn vì mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi tất cả, giấy mời đã tới tay từng người.
Tôi đành đến xin các bác sĩ cho vợ tôi về nhà chừng 15 phút. Hồi đó, chưa mổ nội soi như bây giờ nên tới ngày cưới, cô dâu được ngồi xe lăn, mặt nhăn nhó ra chào quan khách, hết một vòng, cô dâu lại được áp tải về bệnh viện. Chỉ trơ cái thân chú rể là tôi ở lại tiếp khách. Đúng là “cười ra nước mắt”! Tôi vẫn đùa vợ là người ta lên xe hoa, còn cô ấy thì lên… xe lăn về nhà chồng”. Tới đêm tân hôn, cô dâu thì ở viện, bà nội bà ngoại thì nhất định bắt chú rể ở nhà nghỉ ngơi. “Nhưng tôi nghĩ là có lí do khác nữa…”, anh cười hóm hỉnh. Nhưng cả đêm buồn quá, lăn qua lăn lại không ngủ được, chú rể buồn tình mới đem phong bì ra đếm để… giết thời gian.
Anh bảo: “Tuổi trẻ yêu đời, tưởng tượng đủ thứ lãng mạn về đêm hoa chúc. Vậy mà khi nó đến chỉ thiếu nước là khóc nữa thôi. Rõ ràng là mình có vợ hẳn hoi, vậy mà phải động phòng… một mình. Đây có lẽ là đêm cô đơn nhất trong cuộc đời tôi. Vợ tôi vừa đau lại vừa thương chồng nên lặng lẽ khóc một mình tại bệnh viện. May mà chúng tôi chỉ “đóng vai” Ngưu Lang – Chức Nữ có lần đó”. 13 năm sau cái đêm “kinh hoàng” đó, “cặp đũa lệch” làng chèo đã có hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, xinh như thiên thần.
Hỏi về bí quyết “giữ” vợ trẻ, anh bật mí: “Mãi sau này, vợ tâm sự thì tôi mới biết, cô ấy cũng tâm niệm sẽ lấy người hơn ít nhất là 10 tuổi. Hỏi tại sao, cô ấy bảo không muốn nuôi quá nhiều “con”. Nhiều người bảo vợ tôi trẻ người mà không hề non dạ, vì rõ ràng lấy người lớn tuổi hơn thì suy nghĩ cũng chín chắn hơn. Theo logic, với người ít tuổi bao giờ người ta cũng nảy sinh tâm lý nhường nhịn và che chở chứ hiếm khi ăn thua lắm.
Còn trong quá trình chung sống, vợ chồng nhà nào cũng không tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm chứ không phải chỉ chênh lệch tuổi tác mới có. Những lúc đó, vì mình nhiều tuổi hơn nên nói vợ cũng dễ “phục” hơn thì phải”. Nếu có thứ gọi là “bí quyết” để giữ gìn hạnh phúc, thì anh bảo thứ đó đến từ những điều giản dị. Mang danh “vua hề chèo” tiếng tăm, đêm đêm đứng trước hàng trăm khán giả nhưng anh tự nhận, đứng trước vợ là “run”. Nhất là mỗi khi đứng ra “phát biểu” tặng quà vợ ngày lễ thì anh ngượng nghịu lắm. Có khi hai đứa con phải đứng ra nói hộ: “Đây là hoa con và bố mua tặng mẹ đấy”. Giản dị vậy thôi, nhưng bền lắm!
LÊ MINH HUỆ
Theo Nông Nghiệp online
Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/quoc-truong-va-dem-tan-hon-kinh-hoang-post135252.html | NongNghiep.vn