Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng nữ trang, đồng thời ra điều kiện nghiêm ngặt cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này.


Tới đây, sai phạm về quy định đo lường, kinh doanh, sản xuất vàng trang sức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Đây được đánh giá là “bộ quy chuẩn” chi tiết nhất từ trước tới nay về đo lường và chất lượng vàng trang sức.

Theo đó, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định.

Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, nếu có sử dụng vật liệu nhồi hoặc làm đầy chỗ trống, vàng trang sức, mỹ nghệ phải được công bố cụ thể và công bố rõ sản phẩm không được làm toàn bộ từ hợp kim vàng. Tất cả các thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ (bao gồm cả kim loại nền, vật liệu phủ, vật liệu hàn, vật liệu gắn kết…) không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo các quy định hiện hành có liên quan.

Về cơ chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang còn phải tuân thủ các điều kiện và chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Và nếu theo quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ, một đầu mối quản lý khác là Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu về các chính sách thuế liên quan.

Ngoài ra, Thông tư 22 cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các quy định về đo lường. Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán vàng miếng vi phạm các quy định sẽ bị xử lý vi phạm về chất lượng và đo lường theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tới đây, nếu những quy định trong Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ được thực thi đúng quy định trên thực tế sẽ là một cơ sở pháp lý để tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng như góp phần đưa thị trường vàng nữ trang từng bước vào khuôn khổ.

Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2014.

Theo Minh An – Báo Petrotimes.vn  

 

Bệnh viện Hạnh Phúc