Tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Pháp, đi làm được một năm ông đã mắc bệnh nan y. Trong 5 năm, ông phải lên bàn mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Bác sĩ của Pháp tiên đoán ông chỉ sống được 2 năm nữa. Thế nhưng, một điều kỳ diệu đã xảy ra, ông đã sống thêm được 50 năm nữa nhờ bài luyện tập hít thở…
Cãi mệnh trời….
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh. Ông từng học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tu nghiệp. Năm 1941, ông tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble.
Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa. Ông đã hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị xã hội đến văn hóa giáo dục và để lại cho hậu thế nhiều cuốn sách, bài báo có giá trị.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng nói sau này ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học hay hàng ngàn trang viết trên các báo mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu. Ông mong muốn lưu truyền cho mọi người biết…
Bài vè thở với lời lẽ mộc mạc rõ ràng, ai cũng có thể hiểu và làm theo dễ dàng. Nói về bác sĩ Viện và bài vè, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong một bài viết của mình đã tâm sự: “Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lại trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học nay nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông. Trước kia tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngay, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết còn thì chỉ… dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình!”
Thở ra, thở vào….
Cách thở ông hướng dẫn được gọi là thở bụng vì khi thở chỉ dùng bụng, đúng ra chỉ dùng cơ hoành: thót bụng để thở ra, phình bụng để thở vào. Cách thở như này có thể tập bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất kì ở tư thế nào – nằm, ngồi, đứng, đi…
Theo GS BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, phương pháp thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, Tai -chi, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Mặt Phật ung dung
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Êm, chậm, sâu, đều
Ðứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được.
Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn Đông – Tây y, từ đó xây dựng một phương pháp tập luyện để giữ gìn sức khỏe nâng cao tuổi thọ. Theo ông, nếu thường xuyên thở đều, chậm rãi êm nhẹ, ta sẽ điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động sinh lý. Và đây là biện pháp giữ gìn sức khỏe thuận tiện nhất, có hiệu lực nhất; không cần đợi giờ giấc nào, ngồi ở đâu, lúc nào cũng được, ngồi họp, ngồi cắt tóc, xem phim, đợi tàu xe… đều có thể “khí công” vài phút. Mỗi ngày làm như vậy vài lần, vài chục lần. Lúc nào mệt mỏi, bực mình, đầu óc căng thẳng, tăng cường áp dụng bài vè tập thở sẽ rất có lợi.
Cách tập thở:
1. Ngồi ghế, hai tay thả lỏng, vai không nhúc nhích. Nghĩ rằng mình đang cầm một bát cháo nóng thổi nhè nhẹ qua miệng cho cháo nguội dần, thổi rất chậm, thót bụng để thổi ra. Khi bụng thót hết, ngừng thổi, cho bụng phình lại nhẹ nhàng để thở vào. Bụng phình lên hết, ngừng một tí rồi thổi ra. Làm 4-5 phút như vậy rồi nghỉ. Khi quen thì thở ra không qua miệng nữa mà ra vào đều qua mũi. Chú ý người ta dùng từ thở ra, thở vào – chứ không phải thở ra, hít vào. Hàm ý thở ra thở vào phải như nhau – êm, nhẹ, sâu, đều. Thở lúc này chủ yếu ko phải để cung cấp thêm oxi mà để điều hòa nội tạng, ổn định thần kinh. Không nên cố thở thật sâu thật nhiều đưa oxi vào nhiều quá vì khi đó khí carbonic bị khử cũng nhiều làm độ pH của máu tăng quá cao, gây chóng mặt. Nhiều người mới tập thường mắc sai lầm này. Cần thở chậm rãi – êm nhẹ sâu đều. Nếu chỉ tập được chừng ấy, cũng đã giúp cho sức khỏe tốt lên nhiều.
2. Tập thở trong các tư thế: Nằm ngửa (2 chân gấp), nằm sấp, nằm nghiêng một bên, bò bốn chi, quỳ gấp lưng, đứng thõng tay phía trước (người bệnh nặng chỉ tập với động tác ngồi).
3. Tập động tác khó: Cho bụng thót vào phình ra thật nhanh. Thót bụng đến cùng, song dùng các cơ sườn kéo lồng ngực lên nhưng không cho không khí vào phổi, bụng sẽ thót đến mức tối đa. Nhờ một người lấy nắm tay thành quả đấm ấn mạnh vào bụng, giữ mạnh không cho tay người kia ấn sâu vào bụng, như vậy là tập thở nén. Co rút cơ bụng bên phải rồi bên trái thành một động tác xoắn bụng.
Những người còn yếu chỉ tập động tác 1 và 2.
Theo Võ Tuấn (Tạp chí Sức Khoẻ/http://khoe24h.net/ )