Nhìn lại mỹ thuật hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu (trước 1945), chủ đề nữ giới giữ một vị thế cực kỳ quan trọng, thậm chí đã thành bản sắc và niềm kiêu hãnh khi đi ra thế giới. Mà lạ thiệt, trên thế giới cũng vậy, chủ đề này chưa bao giờ bị ngưng nghỉ với các danh họa, và cũng làm nên cơn bão giá tại các phiên chợ nghệ thuật xa xỉ bậc nhất.
Ngày Xuân, Phụ Nữ Ngày Nay trân trọng giới thiệu một vài trong vô vàn họa phẩm về phụ nữ Việt của danh họa Lê Phổ (1907-2001). Ông được mệnh danh là người có hiểu biết bẩm sinh về vẻ đẹp nữ tính. Những họa phẩm này đã để lại dấu ấn lớn trong lòng giới thưởng ngoạn nghệ thuật năm châu, và đang được giới sưu tập chờ lên sàn để tiếp tục đấu giá.
Bằng các phiên đấu uy tín và chính thức, Lê Phổ đang là danh họa có giá tranh cao nhất của Việt Nam. Cuối năm 2014, tác phẩm Nhìn từ đỉnh đồi (sơn dầu trên bố, 113 x 192 cm, 1937) của ông đã được nhà Christie’s tại London bán với giá 844.697 USD.
+ Tác phẩm Giáng sinh (mực và bột màu trên lụa, 69 x 54,5cm, năm 1941) đã nhiều lần lên nhà đấu giá quốc tế. Tại phiến đấu cuối tháng 11/2015 của nhà Christie’s tại Hong Kong, tác phẩm này đã bán được 549.636 USD (tương đương 12 tỷ đồng).
+ Điểm đặc sắc: Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Lê Phổ đã lấy hình tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương để tái hiện sự thiêng liêng của đêm Giáng sinh với bối cảnh rất thuần Việt. Người phụ nữ Việt cũng có thể trở thành thánh Madonna là cái nhìn rất táo bạo.
+ Tác phẩm Sắp Tết (mực và bột màu lụa, 60 x 47cm, 1937) đã từng bán hơn 208.000 USD tại nhà Christie’s Hong Kong năm 2005. Giới sưu tập quốc tế dự đoán nếu tác phẩm này trở lại sàn đấu giá, nó hoàn toàn có thể đạt mức 400.000 USD (tương đương 8,8 tỷ đồng).
+ Điểm đặc sắc: Chỉ bằng vài họa tiết rất Việt Nam, nhưng tác phẩm đã xuất sắc khơi gợi sự nghĩ ngợi về năm mới ở khắp mọi nơi. Kết hợp kỹ thuật lụa của Đông phương với kỹ thuật hình họa Tây phương để tạo nên một bố cục giản dị, nhưng bậc thầy. Người thiếu nữ trong tranh cũng đại diện cho vẻ đẹp hoàn mỹ của thiếu nữ Việt (khu vực Bắc kỳ) thời bấy giờ.
+ Tác phẩm Hoài cố hương (mực và bột màu lụa, 60,5 x 46cm, 1938) từng được nhà Sotheby’s tại Singapore bán hơn 303.000 USD vào năm 2006. Kiệt tác này từng được xem là món hàng hiệu đắt giá nhất của Việt Nam (?) trên thị trường quốc tế. Nếu nó trở lại sàn đấu, giá bán được dự đoán vào mức 650.000 USD.
+ Điểm đặc sắc: Cùng mô-típ, chất liệu và giai đoạn sáng tác với Sắp Tết, nhưng vì nỗi nhớ quê hương mà người thiếu nữ đượm một vẻ buồn sâu. Và bối cảnh trang trọng xung quanh cũng buồn y như vậy. Vì đâu mà một vẻ đẹp hoa khôi lại mang nỗi buồn lớn như vậy? Chỉ nhớ quê nhà thôi ư?
+ Tác phẩm Thiếu nữ với hoa sen (mực và bột màu lụa bọc ván, 44,5 x 35,5 cm, 1939) được nhà Sotheby’s tại Hong Kong bán hơn 159.000 USD vào năm 2013.
+ Điểm đặc sắc: Tác phẩm này từng xuất hiện ở triển lãm đầu tiên của Lê Phổ tại Paris năm 1939, qua tay nhiều nhà sưu tập, mà gần nhất là một người Mỹ. Nó diễn tả tinh tế sự thuần khiết và trần tục, đức tin và hoài nghi, nghiêm trang và gợi cảm…
+ Tác phẩm Bức màn tía (mực và bột màu lụa, 59 x 37cm, khoảng 1942-1945) được nhà Sotheby’s tại Hong Kong bán hơn 374.000 USD vào năm 2012.
+ Điểm đặc sắc: Xem kiệt tác này làm chúng ta nhớ đến Thúy Kiều thời còn “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai”. Màu tía thường được liên hệ tới hoàng gia và lòng sùng tín, dù vậy, nhưng vẫn dự cảm về một tương lai bấp bênh, lận đận của người thiếu nữ. Tác phẩm này diễn tả chốn phòng riêng của người thiếu nữ Việt thời bấy giờ.
Theo Như Hà (Phụ Nữ Ngày Nay)