Từ xưa, các cụ đã dặn dò con cháu: “Dù nghèo mỗi ngày cũng cố đỏ lửa lấy một lần”. Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển nhưng sao vẫn rất nhiều gia đình không thực hiện được việc “đỏ lửa” dù chỉ một lần trong ngày?

1001 lý do

Bữa cơm gia đình ngày càng nhạt nhòa trong những gia đình trẻ hiện nay. Có đến 1001 lý do rất hợp tình hợp lý mà họ đưa ra. Phần đông ai cũng than đi làm bù đầu, thời gian đâu để quan tâm bếp núc. Mà nấu ăn, nói đơn giản chứ không hề đơn giản, đặc biệt với những nhân viên làm viên làm việc văn phòng thường phải đi về theo thời gian quy định thì việc có một bữa cơm gia đình hoàn toàn không dễ thực hiện.

bua-com-gia-dinh

Chị Mai Anh (nhân viên ngân hàng Á Châu) than: “Cả mình và ông xã trước đây đều rất thích ăn cơm ở nhà. Lúc mới cưới cũng tranh thủ thời gian nấu ăn nhưng sau khi bị cuốn vào guồng công việc nên mạnh ai nấy ăn ngoài. Bữa nào hẹn nhau cùng ăn ngoài tiệm được thì đã là may mắn lắm rồi. Ngày chủ nhật thì phải tranh thủ làm nốt những việc dở dang nên cũng chẳng có ngày nghỉ cho ra hồn. Cuối tuần nào rảnh rỗi chỉ nghĩ đến mỗi việc: ngủ. Thế là ngày qua ngày bếp núc cứ lạnh tanh”.

Khi người viết phỏng vấn một “anh” xã cũng nhận được sự đồng cảm như trên: “Ăn ở ngoài, nhanh gọn lẹ mà còn đỡ cực cho vợ nữa. Tranh thủ thời gian ít ỏi để nghỉ ngơi. Chẳng có gì là ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình cả. Chỉ bữa nào mẹ vợ hoặc mẹ chồng lên mới tranh thủ vào bếp. Mà lâu lâu mới nấu ăn nên thiếu đủ thứ, chạy mấy lần ra chợ mới xong được bữa ăn. Nghĩ mà thương vợ. Chưa kể đến việc quên hết công thức, nấu dở tệ. Người lớn còn ráng nuốt chứ mấy đứa nhóc phản ứng ngay. Chúng thích ăn cơm tiệm hơn cơm nhà”.

Kết nối các thành viên

Sống chung với gia đình chồng nên từ ngày cưới, cả hai anh chị Quang, Ngân không thể vắng trong mỗi bữa ăn. Đây còn là nét văn hóa truyền từ đời cha ông mà gia đình chồng Ngân vẫn giữ nguyên. Cứ đến 6 giờ chiều là các thành viên có mặt đầy đủ tại mâm cơm ở nhà. Ban đầu, đây là trở ngại lớn nhất đối với cô dâu mới. Ngân sống theo phong cách dân thành phố, chẳng có quan niệm gì về bữa ăn gia đình. Nếu các thành viên có mặt ở nhà đầu đủ thì cũng vẫn mạnh ai nấy ăn. Mỗi người một tô, một đĩa ngồi đâu thì ngồi. Vì vậy, việc ngồi ăn cơm, mời mọc, gắp thức ăn mời nhau trong bữa ăn như gia đình chồng cô là khái niệm hoàn toàn xa lạ.

bua-com-gia-dinh
Sau một năm như thế, chính Ngân là người yêu thích bữa cơm gia đình nhất. Cô chia sẻ:“Tưởng không mang ý nghĩa gì nhưng thực sự bữa cơm gia đình rất cần thiết. Nhất là ở cuộc sống bận rộn như ngày nay. Khi con người rất dễ co hẹp mình lại thì bữa ăn gia đình là cơ hội để chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn. Giờ, cứ đến 6 giờ chiều là dù làm gì tôi cũng gác hết mọi việc để có mặt ở nhà”.

Bữa cơm gia đình cũng chính là nơi kết nối các thành viên lại với nhau một cách hiệu quả nhất. Có những nàng dâu mới tâm sự, về nhà chồng đến mấy tháng mà vẫn chưa nhớ tên, nhớ mặt mấy đứa em chồng. Chỉ vì ít gặp nhau quá! Mỗi người mỗi việc, mỗi cách sống cách nghĩ khác nhau nên nếu không có gì “kết nối” lại thì chẳng khác gì người xa lạ mấy!

Giữ lửa hạnh phúc gia đình

Để không mang tiếng là gia trưởng nên Thắng không gò bó vợ bất cứ việc gì, kể cả khi vợ hỏi có muốn ăn cơm nhà không để vợ nấu. Hiểu được vợ là người của công việc, của xã hội nhiều hơn của gia đình, bếp núc nên Thắng chọn ăn cơm ngoài. Thực ra, tận sâu trong lòng, Thắng vẫn ao ước người phụ nữ của mình phải là người biết chăm chút cho gia đình, như chính mẹ anh. Thắng vẫn cặm cụi ăn cơm bụi sau mỗi buổi đi làm về. Cái vị nhạt nhẽo của cơm đường khiến niềm khát khao một bữa cơm gia đình với công sức tình cảm của vợ ngày càng mạnh mẽ. Nhưng không thể chia sẻ với vợ. Vợ anh ngày nào  cũng đầu tắt mặt tối, có khi đến tận 9 giờ mới về đến nhà. Làm sao dám nghĩ đến bữa ăn gia đình?

bua-com-gia-dinh

Chuyện gì đến cũng đến. Sinh nhật cô bạn đồng nghiệp diễn ra chính tại nhà riêng của cô ấy. Trong số những vị khách mời ít ỏi, có Thắng. Từ đó, dù không muốn phản bội vợ, nhưng anh không cưỡng lại được những bữa cơm do chính cô bạn đồng nghiệp nấu. Tình yêu đến với họ từ đó. Những trường hợp như trên không phải là hiếm.

Theo chuyên viên tư vấn Đặng Thị Tuyết Mai (tổng đài 1088) thì: “Bất cứ người đàn ông nào lập gia đình cũng đều khát khao hạnh phúc gia đình mà không ai khác, chính người phụ nữ của mình vun đắp. Từ việc dạy dỗ con cái đến bữa ăn trong gia đình. Trong đó, bữa cơm gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính bữa cơm gia đình là cách tốt nhất để giữ lửa cho mái ấm gia đình luôn thực sự ấm áp. Vì vậy, người phụ nữ dù có bận rộn đến đâu cũng đừng để bếp núc lạnh tanh. Đừng để đến khi tình cảm vợ chồng “lạnh” rồi mới phát hiện ra thì quá muộn”.

 

Theo  Mẹ & Con/mevacon.com.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc