Sáng 10/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI) tổ chức Tọa đàm phòng, chống đuối nước cho trẻ em với chủ đề “Quan tâm của bạn, sinh mạng của trẻ”.
Tọa đàm trực tuyến phòng, chống đuối nước cho trẻ em với chủ đề ‘Quan tâm của bạn, sinh mạng của trẻ’. (Nguồn: Bộ LĐ-TBXH) |
Tọa đàm cũng được phát trực tuyến trên mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tai nạn đuối nước và bảo vệ mạng sống cho trẻ em, thông qua đó kêu gọi cha mẹ, gia đình và cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn đuối nước ở trẻ.
Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; ông Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam; bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của tổ chức GHAI; đại diện các bộ, ban, ngành và các cơ quan Trung ương liên quan, đại diện các bậc phụ huynh và đại diện các tổ chức quốc tế về lĩnh vực trẻ em…
Đuối nước đã âm thầm cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó, 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam hiện là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Chia sẻ một số thông tin sơ lược về tình trạng đuối nước trẻ em tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, tình trạng đuối nước của trẻ em Việt Nam diễn ra ở cả trẻ không biết bơi và trẻ đã biết bơi, bơi giỏi vẫn có trường hợp tử vong do thiếu kỹ năng về cứu nạn khi bạn bè hoặc người thân bị đuối nước.
Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình, những người chăm sóc trẻ và chính bản thân các em còn rất hạn chế về các kỹ năng và kiến thức hiểu biết để tự bảo vệ mình, bố mẹ người thân bảo vệ các con. Quá trình giám sát trông trẻ ở gia đình, hoặc trong quá trình, du lịch vui chơi cần được quan tâm hơn nữa.
Từ những nguyên nhân chính gây ra đuối nước ở trẻ em, Thứ trưởng chia sẻ một số giải pháp như tăng cường những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng cứu nạn gián tiếp, hướng dẫn những phụ huynh, những người yêu trẻ, những người muốn làm từ thiện bằng cách dạy bơi cho trẻ sử dụng những vật chất tại chỗ ở các địa phương để hỗ trợ các em…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng mong muốn các bộ, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể xã hội liên quan phối hợp làm tốt những giải pháp đối với việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng chống thương tích trong tham gia giao thông, cả đường thủy, đường bộ… thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật để người dân thực hiện tốt những quy định đó nhằm giảm những nguy cơ tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cảm ơn sự hỗ trợ của WHO, GHAI và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ để cùng triển khai chương trình phòng chống đuối nước tại 8 tỉnh trong thời gian qua.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình, Thứ trưởng chia sẻ thêm khi tổng kết chương trình với sự tham gia của gần 200 đại biểu tham dự, với nhiều đại biểu tới từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thông qua đó, họ có thể rút ra được những giải pháp riêng đặc thù dành cho địa phương mình, đây là những hướng đi để thu hút nguồn lực…
Tại Tọa đàm, ông Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả của chương trình phối hợp trong thời gian qua. Ông cũng cho rằng, cần thực hiện tốt những biện pháp như dạy cho trẻ những kỹ năng bơi an toàn, xây dựng những biện pháp để giảm thiểu rủi ro, dạy cho trẻ em những kỹ năng để cứu nạn nhân và tăng cường triển khai các quy định về giao thông đường thủy,…
Bên cạnh đó, cần sự tham gia của các ngành, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống đuối nước và có các chương trình dạy về kỹ năng sinh tồn trong trường học.
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của tổ chức GHAI cho biết, trong 2 năm qua, chương trình đã đào tạo được 5.000 cha mẹ của trẻ và giáo viên của các trường mầm non trong 8 tỉnh. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên thì giải pháp tự trang bị cho trẻ những kỹ năng sống còn, cả nhận thức và thực hành khi gặp nguy cơ trong môi trường nước là rất quan trọng. Điều đó cần những giải pháp hài hòa và hiệu quả để phòng chống đuối nước cho trẻ em…
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết thêm, thời gian tới, chương trình sẽ được triển khai mở rộng tại 4 tỉnh tiếp theo, đây là sự lan tỏa hiệu quả sau khi chương trình được triển khai tại 8 tỉnh. Thứ trưởng hy vọng các đơn vị sẽ tiếp tục phát hiện những nội dung thích hợp cho triển khai chương trình tại 8 tỉnh trong thời gian tới, cũng như tại 4 tỉnh tiếp theo đối với công cuộc phòng chống đuối nước trẻ em trên toàn quốc.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng kêu gọi các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn đuối nước và bảo vệ mạng sống cho trẻ em.
Tháng 6/2018, Chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn từ năm 2018-2022 do Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ thông qua GHAI và sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO, trong đó, Bộ LĐ-TBXH là đơn vị chủ quản, phối hợp với các bộ, ban, ngành địa phương thực hiện.
Chương trình đã triển khai 3 cấu phần chính là: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi. Trong giai đoạn 2018-2019, Chương trình đã triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh. Đây là những địa phương có tình trạng tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước. Sau giai đoạn đầu tiên, có thể ghi nhận một số thành công cũng như hiệu quả ban đầu mà chương trình đã đem lại. Đó là chương trình được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, với ban quản lý chương trình các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã để điều phối triển khai các hoạt động nhanh chóng, kịp tiến độ với hiệu quả cao. Phương pháp, tài liệu và cách tiếp cận của chương trình được xây dựng bài bản, phù hợp với khuyến nghị của quốc tế và tình hình địa phương. |
Nguồn: baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-quan-tam-cua-ban-sinh-mang-cua-tre-121369.html