(Phụ Nữ Hiện Đại) – Thế hệ Z, những người sinh năm 1998 và 2010, ước tính sẽ chiếm 1/5 lực lượng lao động trong nước tương đương với khoảng 15 triệu người vào năm 2025 theo báo cáo “Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai” mới được giới thiệu của Nielsen, một công ty thông tin và nghiên cứu toàn cầu. Báo cáo này cũng khai phá các khía cạnh quan trọng của thế hệ này như thông tin nhân khẩu học và phân tích sức ảnh hưởng của họ khi mua sản phẩm ngành hàng tiêu dùng nhanh, về phong cách sống và công nghệ là những điểm cần thiết để tiếp cận thế hệ này.
Mặc dù thế hệ Z vẫn còn trẻ, nhưng sức ảnh hưởng của họ rất đáng chú ý. 70% đáp viên thế hệ Z trong khảo sát cho biết họ có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của gia đình khi mua các sản phẩm sử dụng trong nhà, thực phẩm và thức uống. Theo như số liệu đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, nhóm thực phẩm ngẫu hứng và thức uống, hai trong số các nhóm sản phẩm chịu tác động bởi sự tham gia mua hàng thế hệ Z, có tổng thị phần trị giá 6,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017. Không chỉ giới hạn ở các loại sản phẩm trên, thế hệ trẻ này nói rằng họ là người ra quyết định cho các hoạt động giải trí bên ngoài, ăn tối và các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và đồng hồ thông minh. Với các số liệu trên cho thấy thế hệ Z đang mang lại ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nói chung và một vài ngành hàng nói riêng. (Xem biểu đồ 1)
“Không thể phủ nhận rằng trẻ em có sức ảnh hưởng lớn đến trong việc ra quyết định mua hàng của người lớn. Các bạn trẻ ngày này có thể quan sát, yêu cầu và lựa chọn hàng hóa với sự cho phép trong khi đi mua sắm cùng với người lớn, cũng như khi mua hàng một mình tại các cửa hàng. Sự gia tăng các hộ gia đình có thu nhập kép ở Việt Nam đã tiếp tục trao quyền cho những bạn trẻ, để họ có thể tham gia sâu sắc hơn vào việc mua sắm của gia đình từ khi còn nhỏ” theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam cho biết. “Khi sức mua của những người trẻ tuổi này tiếp tục tăng lên, thì các nhà tiếp thị và quảng cáo nên quan tâm nhiều hơn đến việc đưa ra các phương pháp hiệu quả để tiếp cận những người tiêu dùng trong tương lai này.”
Một số điểm nổi bật chính từ báo cáo bao gồm: Mạng xã hội trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, nhưng phương tiện truyền thông truyền thống cũng không kém phần quan trọng. Giống như Millennials, thế hệ này dành một lượng thời gian đáng kể trên các trang mạng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và YouTube. Và tương tác đa kênh dường như quan trọng hơn với thế hệ này. 99% đáp viên thế hệ Z có tài khoản trên Facebook, 77% đáp viên có tài khoản Zalo và 64% có tài khoản Youtube. Thế nhưng, khi hỏi về việc xem chương trình truyền hình trên tivi thì 90% đáp viên có trả lời họ xem ti vi hằng ngày trong vòng 1 tháng qua.
Cuộc sống ảo và thực đều quan trọng với thế hệ Z.
Thế hệ Z chưa bao giờ biết đến một thế giới mà không có sự tồn tại của internet hoặc điện thoại di động. Vì họ được lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin, những thứ mà họ không thể sống thiếu được cho là điện thoại di động (45%) và Internet (21%). Khi các phương tiện truyền thông xã hội trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ, họ sử dụng các công cụ này cho các mục đích khác nhau như kết nối với bạn bè và gia đình (93%) và cập nhật những gì đang xảy ra xung quanh (73%).
Đáng chú ý hơn, họ còn sử dụng các kênh truyền thông xã hội để thể hiện ý kiến và niềm tin của mình (55%) và thể hiện các hoạt động hàng ngày (42%). Tuy nhiên, các hoạt động giải trí bao gồm đi uống trà sữa hoặc gặp bạn bè tại các quán cà phê, đi xem phim, đi siêu thị, tụ tập tại cửa hàng tiện lợi hoặc ghé thăm nhà bạn bè cũng là những hoạt động tiêu biểu mà họ yêu thích. (Xem biểu đồ 2, 3 & 4)
Bà Quỳnh nhấn mạnh: “Các đặc điểm đã nêu cho thấy rằng thế hệ Z đang tiếp cận và tương tác với các thương hiệu ở rất nhiều kênh. Do vậy, khi muốn tiếp cận thế hệ này, chiến lược tiếp cận đa kênh là chiến lược thích hợp nhất. Các thương hiệu đừng quá chú trọng vào kênh trực truyến mà bỏ quên kênh truyền thông truyền thống hay các cửa hàng vật lý. Việc nhận đúng thông điệp thông qua những nền tảng phù hợp vào đúng thời điểm là điều quan trọng nhất để làm cho thế hệ Z chú ý đến thương hiệu nào đó.”
Thế hệ Z ít trung thành với một thương hiệu và sẵn sàng để có những trải nghiệm mới
Gần bốn trong số mười người được hỏi phản hồi rằng họ rất sẵn lòng để tiếp nhận hoặc thử các thương hiệu mới nếu họ cảm thấy thương hiệu đó thú vị mặc dù họ đã có một số thương hiệu yêu thích và thường xuyên sử dụng. Và chỉ có khoảng 16% trong số này rất cẩn thận lựa chọn thương hiệu nào đó trước khi mua và không có xu hướng thay đổi. “Mong muốn thử hoặc trải nghiệm những điều mới mẻ là điểm nổi bật ở thế hệ Z. Và đây cũng được xem là cơ hội tốt để các thương hiệu thu hút sự chú ý của họ đối với các sản phẩm mới ra mắt. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp cận những người tiêu dùng tương lai một cách hiệu quả đòi hỏi nỗ lực lớn hơn và hiểu biết nhóm người tiêu dùng này sâu sắc hơn” – bà Nguyễn Hương Quỳnh giải thích.
Biểu Đồ 1: Mức độ tham gia trong việc mua hàng theo từng ngành hàng
Biểu Đồ 2: Một vài đặc tính khác biệt giữa thế hệ gen Z và Millennials
Biểu Đồ 3: Hành vi tiêu thụ nội dung số của thế hệ Z
Biểu Đồ 4: Các hoạt động giải trí phổ biến
(Nguồn: Nielsen VietNam)
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media