Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình TP HCM (HTV) vừa có dự án khôi phục dòng phim một tập trên sóng truyền hình. Đây là dòng phim từng tạo nên thời “hoàng kim” của phim truyền hình Việt thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó hẳn là một tín hiệu vui cho phần đông khán giả đang xem phim truyền hình vốn đã quá nản với những bộ phim dài tập nhạt và nhàm chán. Chưa biết dự án này nên cơm cháo gì không nhưng nó đã là sự can đảm của nhà đài trước áp lực quảng cáo, doanh thu.
Thể loại phim 90 phút từng là “đặc sản” trong thực đơn của phim truyền hình Việt cách đây hơn 20 năm. Có lẽ một lớp khán giả sẽ không thể nào quên những bộ phim một tập đã làm nên thương hiệu của các chương trình: “Điện ảnh chiều thứ Bảy”, “Văn nghệ Chủ nhật”… một thời. Lịch sử của dòng phim một tập cũng nhiều hào quang, ngay khi ra đời cách đây khoảng hơn 20 năm, nó đã từng “làm mưa, làm gió” trên mọi màn ảnh. Và không phải ngẫu nhiên mà dòng phim này được phong là “công thần” của nền điện ảnh Việt, bởi từ trước đến nay chưa có mấy thể loại phim lại tạo được dấu mốc “vàng son” cho phim Việt như thế.
Hồi đó, sau khi bộ phim “Lời nguyền của một dòng sông” lên sóng “Văn nghệ Chủ nhật” của VTV3, phim một tập đột nhiên trở thành một “hiện tượng”. Và 2 năm sau đó, chính bộ phim này đã đoạt giải thưởng Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Brussels (Bỉ). Thể loại phim một tập “lên ngôi”, hàng loạt những tác phẩm xuất sắc được ra đời như: “Mẹ chồng tôi”, “Giữa dòng”, “Tuổi thần tiên”, “Mẹ con đậu đũa”… làm xôn xao làng điện ảnh thời bấy giờ.
Phim “Những tia nắng ấm” (ĐD Hoàng Tích Thiện – Trần Hoài Sơn) và “Tâm bão” (ĐD Nguyễn Võ Duy Ngọc) là hai phim một tập chuẩn bị lên sóng VTV
Tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây, thể loại phim ngắn đã vắng bóng trên sóng truyền hình. Thay vào đó là trào lưu phim dài tập trong nước lẫn nước ngoài ồ ạt chiếm sóng giờ vàng và thói quen thưởng thức của khán giả cũng thay đổi. Để lý giải về sự thống lĩnh của thể loại phim truyền hình dài tập trong thập niên qua, đầu tiên phải nói đến đó là vấn đề nhà sản xuất đang đặt nặng về doanh thu. Với tiêu chí doanh thu thì rõ ràng phim một tập không thể đáp ứng, trong khi đó thì phim dài tập là lựa chọn hợp lý nhất.
Các nhà làm phim lo ngại, ở thời điểm hiện tại thì doanh thu là yếu tố đánh giá sự thành – bại của một bộ phim, tiêu chí cốt lõi để quyết định đầu tư sản xuất. Mà với phim truyền hình thì doanh thu là quảng cáo. Và việc thu hút quảng cáo nhiều là lựa chọn nhiều hơn cả. Nhưng, vì đặt nặng doanh thu đã lý giải là vì sao ngày càng nhiều những bộ phim truyền hình dài lê thê một cách vô duyên và nội dung nhạt dần đều. Có thể các nhà đài đều thừa hiểu được vấn đề nhợt nhạt của phim dài tập trên sóng của mình nhưng sức cám dỗ của quảng cáo để tăng doanh thu là quá lớn.
Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng trên? Đài Truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình TP HCM đã tiên phong đưa ra ý tưởng mang dòng phim một tập trở về thời kỳ hoàng kim như vốn có của nó. Đây thực sự là một vấn đề hết sức khó khăn. Trước tiên, phải thừa nhận rằng, phim một tập là mảnh đất có thể phát huy tư duy sáng tạo của các nhà làm phim, tuy nhiên để làm phim ngắn tập hay, có sức hút… không phải là việc dễ. Và làm phim ngắn là khá mạo hiểm với chuyện doanh thu khi phát sóng nên không có mấy nhà sản xuất phim nào dám dấn thân!
Nói về việc này, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã thẳng thắn chia sẻ với Năng lượng Mới rằng: “Làm phim một tập khó hơn nhiều so với làm phim dài tập vì ít lợi nhuận từ quảng cáo. Phim một tập không nằm trong tầm ngắm của các nhà làm phim”. Đại diện hãng phim tư nhân Quốc Minh, ông Quốc Anh cũng chung quan điểm: “Nhiều diễn viên có tên tuổi không thích đóng phim ngắn trong một hai tuần mà họ chú trọng đến những bộ phim dài hơi, những hợp đồng quay khoảng nửa năm đến cả năm trời để có tiền cát-sê cao hơn. Với những bộ phim ngắn tập, phải đặc biệt cuốn hút thì diễn viên mới hào hứng”.
Ngoài ra, phim ngắn đòi hỏi nhà làm phim phải chuyển tải một cách cô đọng, súc tích song vẫn phải đảm bảo tính hấp dẫn, sáng tạo và thu hút người xem… Đặc thù đó buộc các nhà làm phim phải chắt lọc và sử dụng tình huống sắc sảo, chọn lọc nhất, chuyển tải thông điệp một cách rõ ràng nhất… để đưa vào phim. Trong khi với những bộ phim dài tập thì không như thế, các bộ phim này có chủ trương kéo dài bất tận nhằm “câu” quảng cáo. Thậm chí, có những phim dính nghi án là được làm ra với mục đích quảng cáo như: “Lời thú nhận của Eva”, “Xin thề anh nói thật”, “Váy hồng tầng 24”… Với những phim này, trong khi nhà sản xuất và nhà đài “bắt tay” cùng hưởng lợi thì người chịu trận cuối cùng lại là khán giả!
Với mong muốn làm mới diện mạo của điện ảnh Việt từ sóng truyền hình, VTV và HTV9 vừa cùng đưa ra hai dự án khôi phục lại dòng phim một tập. Đây là hai dự án của hai đài độc lập nhưng gần như được khởi xướng cùng một lúc và cùng một mong muốn đó là làm sống lại thời của những bộ phim ngắn vốn đã từng in sâu trong lòng công chúng yêu điện ảnh Việt. Khẩu hiệu không hướng đến mục đích doanh thu mà phục vụ niềm đam mê nghề nghiệp, VTV và HTV mong muốn đem đến những sản phẩm chất lượng. Là một đạo diễn có hai bộ phim một tập ra mắt đầu tiên trong dự án này, đạo diễn Bùi Huy Thuần chia sẻ: “Dự án quay lại thời làm những bộ phim ngắn, tôi cho rằng đó là sáng kiến hay. Bản thân tôi cũng đã từng làm nhiều phim ngắn nên tôi thấy rằng những phim dạng này mới có “đất” để đạo diễn để sáng tạo và khẳng định mình. Ở dòng phim dài tập, đạo diễn thường bị phụ thuộc quá nhiều vào biên kịch”.
Có thể nói, thành công của dòng phim một tập thì khỏi bàn, điều đó đã được minh chứng rõ ràng, tuy nhiên việc mạo hiểm với doanh thu là đi ngược với dòng chảy của thị trường phim truyền hình hiện tại. Nên dù là rất tâm huyết với dự án khôi phục dòng phim một tập như bà Đỗ Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam vẫn lo ngại kinh phí là một bài toán quá nan giải trong sản xuất phim một tập. Tuy nhiên bà Hương cũng nói lên quyết tâm rằng: “VTV sẽ làm phim với chủ trương “thu đủ bù chi” và hơn nữa là lòng quyết tâm trên mong muốn mang những bộ phim chất lượng nhất đến với công chúng!”.
Sự quyết tâm, vốn là một điều kiện cần thiết để “đổi mới” phim ảnh trên sóng truyền hình xem như đã có. Tuy nhiên, việc làm sao để nuôi dưỡng dự án này thực hiện được lâu dài và làm sao phim làm ra thu hút được khán giả vẫn còn là câu hỏi lớn. Đó là chưa kể, kịch bản của thể loại phim 90 luôn trong tình trạng yếu và thiếu trầm trọng. Vậy nên, không phải quá bi quan khi nói rằng việc VTV và HTV sẽ “trình làng” một loạt phim ngắn truyền hình sắp tới đây chỉ có thể xem đó là một tín hiệu vui, như thổi một luồng sinh khí mới cho dòng phim truyền hình vốn đang ở trạng thái nhàn chán mà thôi. Khôi phục trở lại dòng phim ngắn trên truyền hình sau khoảng 10 năm vắng bóng có thành công, hay bị “sớm nở tối tàn” hay không vẫn là câu hỏi quá khó, còn câu trả lời vẫn ở thì tương lai.
Nguồn: Vân Anh/Báo Năng Lượng Mới