Dù có nhiều tiến bộ, trình độ làm phim tiệm cận với chuẩn của thế giới, song phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa thể ra được thị trường.
Phim “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” – tác phẩm đầu tay của Hãng phim Hoạt hình Vintata – thu hút chú ý của công chúng ngay từ khi ra mắt bởi sự chỉn chu trong từng khung hình và cuốn hút, hấp dẫn bởi nội dung câu chuyện. Nhiều người trong giới kỳ vọng đây là tác phẩm đánh dấu bước đi mới của phim hoạt hình Việt.
Tia sáng đơn lẻ
Tuy chỉ mới ra mắt 3 tập đầu nhưng phim “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” được người trong giới nhận định có màu sắc ngôn ngữ hoạt hình quốc tế nhất từ trước đến nay. Nhiều khán giả bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội tin tưởng ê-kíp sản xuất này. Họ cho rằng đây là tác phẩm hoạt hình chất lượng nhất của Việt Nam từng được xem. Ngay từ tên nhân vật cho đến hình ảnh, cốt truyện đều mới lạ so với phim hoạt hình Việt lâu nay, cho thấy nhà sản xuất không chỉ hướng đến khán giả trẻ em Việt Nam. Phần âm nhạc cũng được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng.
Cảnh trong phim “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Để có được tác phẩm như thế này, theo nhà sản xuất, họ bỏ ra chi phí không hề nhỏ. Chỉ tính riêng phần ý tưởng kịch bản, đơn vị sản xuất là hãng phim hoạt hình Vintata thuộc tập đoàn VinGroup, cũng đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng để tổ chức cuộc thi “Tác giả lừng danh”. Cuối cùng, họ tìm thấy sản phẩm ưng ý và phát triển, hoàn thiện nhân vật khỉ Monta. Anh Nguyễn Phi Phi Anh, Giám đốc Vintata, cho biết: “Chúng tôi hiện có 10 tập phim với thời lượng 20 phút/tập, kịch bản đã triển khai đến tập 20. Để làm được các tập phim đúng chuẩn, gần 70 họa sĩ làm việc liên tục, phải hoàn thiện 7.200 bức tranh/tuần”. Hiện tại, Vintata có 2 phòng thu hiện đại ở Hà Nội và TP HCM, trang bị hạ tầng phần cứng và phần mềm được sử dụng ở các phòng thu quốc tế. Khi thực hiện “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”, họ cũng mời nhà biên kịch kỳ cựu Jeffrey Scott, họa sĩ Andy Kelly… vào ê-kíp. Jeffrey Scott là người xây dựng sườn câu chuyện.
Theo người trong giới, Vintata và sản phẩm đầu tay “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” là tia sáng đơn lẻ giải quyết được phần lớn những khó khăn mà công nghệ làm hoạt hình Việt lâu nay mắc phải. Họ có nguồn vốn đầu tư mạnh, có nhân lực giỏi nghề trong và ngoài nước tham gia, phương tiện làm việc hiện đại, kịch bản được sàng lọc cẩn trọng. Họ có thể đi đường dài với hình tượng chú khỉ Monta.
Khó đi đường xa?
Gần đây, phim hoạt hình Việt có một vài gợn sóng nhỏ góp phần khuấy động lĩnh vực vốn tĩnh lặng này. Đó là sự xuất hiện của tác phẩm “Con Rồng cháu Tiên” dài 23 phút trên YouTube. Phim do một nhãn hàng đầu tư kinh phí hơn 2 tỉ đồng, với 100 nhân sự thực hiện ròng rã trong 6 tháng. Ngoài ra, những nhóm bạn trẻ đầy tâm huyết cũng đã thực hiện các đoạn phim hoạt hình ngắn đủ đề tài phát trên YouTube để thỏa mãn niền đam mê và tìm kiếm nhà đầu tư.
Mơ ước thương mại hóa phim hoạt hình của Việt Nam là chuyện xa vời. Nhà sản xuất “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” vẫn đang là tiên phong và rất được kỳ vọng. Tuy nhiên, sau buổi chiếu ra mắt, 3 tập đầu của “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” được chiếu giới hạn ở một số rạp thuộc CGV. Khác với kế hoạch ban đầu là chiếu thương mại, nhà sản xuất quyết định chiếu miễn phí trước khi phát trên các phương tiện công cộng. Lý giải việc này, đại diện truyền thông của nhà sản xuất thổ lộ: “Với chúng tôi, công việc sản xuất phim hoạt hình là một chặng đường dài, trong đó phim Monta 2D nói chung và việc ra mắt miễn phí 3 tập phim đầu mới chỉ là một trong những bước đi đầu tiên. Còn quá sớm để chúng tôi nói về lời, lỗ! Trước hết, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến sự đón nhận của công chúng”.
Giám đốc Nguyễn Phi Phi Anh trước đó cũng cho biết cái khó nhất khi thực hiện dự án này là chưa từng có ê-kíp nào thực hiện trước đó nên bắt đầu từ số 0, vừa học vừa làm. Cũng vì thế, phim vẫn còn những hạn chế, chưa thật hài lòng nên muốn ra mắt trước 3 tập để nghe những nhận xét từ khán giả, từ đó cải thiện các tập về sau. Rõ ràng, ngay khi giải quyết được các vấn đề về vốn, chất lượng tác phẩm, phim hoạt hình Việt vẫn chưa thể tự tin ra rạp chiếu thương mại. Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng dự án phim hoạt hình lịch sử “Việt sử kiêu hùng”, cho biết: “Phim hoạt hình Việt ra rạp thương mại là chuyện rất khó. Với khán giả, phim chiếu miễn phí trên YouTube thì họ ủng hộ nhưng không bảo đảm sẽ bỏ tiền ra rạp xem. Nhiều nhà đầu tư cũng e ngại khi được mời chào hỗ trợ dự án phim hoạt hình vì vốn nhiều mà cầm chắc lỗ do chưa có đầu ra”.
Đầu năm 2018, Hãng phim Hoạt hình Colory bắt đầu tuyển thêm nhân sự để thực hiện dự án phim dài chiếu rạp là “Dưới bóng cây: Hành trình trở về”. Tác phẩm này có sự phối hợp cùng HKFilms và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tuy nhiên, Đoàn Trần Anh Tuấn, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Hãng phim Hoạt hình Colory, thông tin dự án tạm ngừng vô thời hạn. Nhóm Hạc Thần Studio với dự án “Loa Thành rực lửa” thuộc loạt phim hoạt hình lịch sử “Phi thuyền Hạt Thóc và những chuyến du hành xuyên thời gian” dự định ra mắt vào tháng 7 cũng chưa xuất hiện. Nguyên nhân chưa được tiết lộ nhưng điều này cho thấy một tác phẩm hoạt hình dài ra rạp Việt với tinh thần thương mại, thu lợi là giấc mơ xa.
Cần nhà đầu tư có tâm
Việc tìm kiếm nhà đầu tư vì mục tiêu có được tác phẩm tốt hơn là lợi nhuận trước mắt không dễ với hoạt hình Việt. Nhiều người trong giới mong đợi lĩnh vực này được quan tâm nhiều hơn để khán giả có cơ hội thưởng thức tác phẩm dài thuần Việt hơn là xem và tiếp thu văn hóa Nhật, Mỹ. “Chúng tôi rất cần những nhà đầu tư tâm huyết với những hoạt động liên quan đến văn hóa, chấp nhận không có lợi nhuận ở giai đoạn xây nền móng. Trong giai đoạn này, chúng tôi làm các công việc khác để mưu sinh và vẫn duy trì đam mê bằng những bản demo để đi chào mời, tìm kiếm nhà đầu tư” – ông Trần Minh Tuấn cho biết.