“Chị bán thôi chứ chị đừng có ăn. Người ta đến đây mua cũng chỉ để bán chứ có ai ăn đâu!”, đó là lời của một tiểu thương ở chợ Kim Biên động viên tôi mua hàng của họ. Từ nhiều năm nay ở chợ này vẫn tồn tại thực trạng buôn bán tấp nập các loại hương liệu độc hại, người bán cứ bán, người mua cứ mua, người ăn vẫn cứ ăn.
Người tiêu dùng ở TP.HCM mong Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng sớm vi hành đến chợ “tử thần” này để có giải pháp cứu nguy cho người dân.
Sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Mai Thoa |
Một ngày trung tuần tháng 3, trong vai một người chuẩn bị mở quán bún, PV Báo Người Tiêu Dùng tìm đến chợ Kim Biên ở Q.5, TP.HCM – nơi từ lâu được mệnh danh là chợ “tử thần” hay là “kho bom giữa lòng thành phố”. Có đến cả trăm cửa hàng kinh doanh hóa chất, phụ gia, hương liệu chế biến thực phẩm mà bất kỳ ai nấu món gì cũng được đáp ứng. Đi trong chợ chúng tôi không khỏi rùng mình khi mùi hóa chất xộc thẳng vào mũi.
Hương vị bò. Ảnh: Mai Thoa |
Trà sữa – một gói pha được 70 ly
Khi chúng tôi nói là muốn mua một vài thứ, một chị bán hàng kéo tôi vào sạp tươi cười nói: “Cái gì chúng em cũng có, phục vụ từ trẻ em cho tới người già”. Vừa nói tay chị vừa chỉ vào các sản phẩm: “Này nhé, ở đây có bán sữa béo, sữa bột dành cho trẻ em. Sữa này mà về đóng hộp, bán lại thì lợi nhuận không tưởng đâu. Với nhiều ông bố, bà mẹ cứ cái gì đắt là tốt thì sẽ không tiếc tiền mua cho con em họ”.
Chị chủ cửa hàng cũng nhiệt tình tư vấn thêm: “Kinh doanh trà sữa bây giờ cũng được lắm. Một gói bột trà sữa Thái xanh giá 60.000 đồng có thể pha được hơn 70 ly. Ngoài ra, các hương liệu như ca cao, dâu, cam… đều có giá rẻ bèo từ 18.000-20.000 đồng/lạng, với liều lượng pha chế là một muỗng cà phê có thể cho ra từ 1,5-2 lít thành phẩm. Bán như thế này thì có mà siêu lãi, chị cứ nhằm các khu trường học mà bán. Học sinh bây giờ rất thích uống thứ này”.
Hết thức uống chị quay sang giới thiệu hương liệu dành cho các món ăn. Nào là chất tạo giòn dai cho bún, mì; nào là bột rục xương, bột nở, bột béo… Bên cạnh đó cửa hàng của chị còn có các loại mùi khác nhau, nếu muốn thức ăn, thực phẩm đó mùi gì thì sẽ có mùi đó.
Huyên thuyên một hồi, người bán hỏi bây giờ chúng tôi muốn mua gì nào. Lúc này chúng tôi mới nói lí nhí: “Em muốn mở quán phở, bún bò buổi sáng. Nghe dân kinh doanh rỉ tai nhau đến đây cái gì cũng có. Nhưng sợ nên chúng em phải quan sát đây đó”. Nghe đến đây, người phụ nữ trung tuổi này bật cười: “Ôi giời, có gì phải sợ. Sạp hàng của em toàn bán công khai mỗi ngày. Biết bao nhiêu quán đến đây mua hàng của chúng em”.
Chị bán hàng vừa dứt lời thì có khách quen là hai vợ chồng ngoài 50 tuổi đi xe máy dừng trước sạp, hất hàm nói với bà chủ: “Cho hàng và số lượng như cũ”. Chị bán hàng nhanh chóng lấy hàng và nhận tiền. Khi họ vừa đi khỏi, chị đã khoe: “Khách quen mấy chục năm nay của em rồi đó. Họ cũng mở quán phở bò”.
Quay sang chúng tôi, chủ cửa hàng dúi vào tay tôi một chai nhựa màu trắng bảo đây là hương vị bò. Chỉ cần cho 1 ít vào thì sẽ có ngay mùi bò thơm nức. Chị muốn nấu bún bò hay phở bò đều được. Giá là 250.000 đồng một chai này.
Sang một sạp khác, chúng tôi hỏi một thanh niên bán hàng: “Mở quán cà phê sáng thì cần mua những gì?”. Người thanh niên dẫn chúng tôi đến dãy các can nhựa, ngoài can ghi rõ từng vị cà phê một như: hương chồn, hương Trung Nguyên, robusta, moka…
Nhìn kỹ thì can nhựa đó có màu đen đậm đặc, mở ra ngửi là mùi cà phê, theo người thanh niên thì dù là bắp rang, đậu rang hay bất kỳ thứ gì chỉ cần nhỏ 1 giọt này vào ly thì đã có mùi cà phê theo ý mình muốn. Anh ta chào giá, mua nguyên lít 350.000 đồng, còn mua lẻ 35.000 đồng/100 g.
“Ở đây toàn bán loại nguyên chất, 1 lít pha được dăm chục lít cà phê nước. Em lấy nguyên lít cho lợi, bán cả mấy tháng cũng chưa hết. Người ta toàn mua mấy chục lít, chứ vài lít nhằm nhò gì. Chỉ cần một giọt là có ly cà phê thơm lừng rồi. Mấy quán cà phê toàn lấy hàng ở đây chứ đâu, có mùi hương cà phê thật mà lãi thì nhiều”, anh ta nói thêm.
Kẻ đến người đi, luôn tấp nập người mua từ các tỉnh thành. |
“Bán thôi, đừng ăn”
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này, các chủ cửa hàng cũng chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Như chị chủ sạp hàng bán hương vị bò cho chúng tôi nói: “Có nguồn gốc cả đấy. Chị cứ yên tâm. Một số chúng em nhập từ Trung Quốc. Còn lại đều là hàng của công ty hết”.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các mặt hàng ở đây đều nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ, hoặc không có nơi sản xuất. Cụ thể, một số mặt hàng các chủ sạp đều ghi là nhập ở Trung Quốc. Còn các loại hương vị cà phê nêu trên thì hầu như không có bất kỳ thông tin nào. Chỉ là can nhựa, mua bao nhiêu thì được sang ra các chai nhựa nhỏ hơn.
Những chai nhựa chứa hương vị bò thì được ghi tên công ty đầy đủ nhưng lại không có địa chỉ, hay bất cứ thông tin gì về công ty đó. Không chỉ ở mặt hàng này mà ở các mặt hàng khác được bày bán ở đây như trà sữa, bột béo, chất tạo dai, giòn… cũng chỉ “hờ hững” ghi tên công ty cho… vui vậy thôi.
Thấy tôi đề cập nhiều đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ, anh thanh niên bán cà phê đã “tâm sự” thật: “Chị đừng quá lo lắng, chị bán thôi, chứ chị đừng có ăn. Người ta đến đây mua cũng chỉ để bán chứ có ai ăn đâu. Em chưa thấy có ai đến đây mua mà lại hỏi nhiều thông tin về công ty, địa điểm này kia như chị”.
Cũng theo thanh niên này, anh chỉ là người bán thuê ở đây mới được mấy tháng thôi. Anh cho biết, người bán ở đây người ta chỉ mong bán được hàng thôi chứ ai quan tâm đến tốt xấu. “Chị tính xem ở đây các chủ sạp phải thuê mặt bằng khá cao thì họ cũng sẽ bán để làm sao có lãi chứ”, anh ta nói.
Chợ Kim Biên nơi tập trung bán các loại hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm, hương liệu có nhãn mác và không nhãn mác xuất xứ. |
Những kẻ giết người âm thầm
Đạo đức kinh doanh ở đâu khi người bán biết rõ đó là độc hại nhưng vẫn nhắm mắt bán theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”? Người bán thực phẩm độc hại chẳng khác nào những “kẻ giết người âm thầm”, thậm chí không chỉ “giết” một người mà có khi cả một thế hệ.
Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam đã thực sự sợ hãi khi hằng ngày phải đối diện với những thông tin về thực phẩm độc hại. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Việt Nam, mỗi năm số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân chủ yếu là các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hằng ngày.
Hồi chuông cảnh báo đã reo lên nhiều lần nhưng dường như mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, người bán cứ bán, người mua cứ mua và người ăn chất độc hại thì vẫn cứ ăn. Và một trong những điểm luôn luôn nóng khi nói đến việc đầu độc thực phẩm, đồ uống bẩn là chợ Kim Biên thì vẫn hoạt động và tồn tại nhiều năm qua.
Hương vị cà phê chồn được bày bán tràn lan ở chợ Kim Biên. Ảnh: Mai Thoa |
Người tiêu dùng phản đối việc bán các hương liệu độc hại tại chợ Kim Biên
Anh Trần Đình Quân – Phú Nhuận, TP.HCM: Cần phải có sự quản lý chặt chẽ và quyết liệt. Không thể để những hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan như vậy được. Những loại thuốc thần kỳ giúp rau xanh tốt, bột giúp cơm nở bung gấp 2 lần, hương cà phê, hương gà, hương bò… phải chăng là nguyên nhân gây ung thư? Chị Lan Hương – Q.3, TP.HCM Tôi nghe thông tin về chợ này bán nhiều thứ độc hại rồi. Tôi cảm thấy rất lo sợ. Lo sợ hơn nữa, khi chính những người cùng dân tộc lại đang hại nhau. Nên tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để ngăn chặn tình trạng bán tràn lan các chất độc hại ra thị trường. Tôi nghĩ việc này không khó với các cơ quan có thẩm quyền, chỉ có điều, họ có làm hay không thôi. Chị Hương Nguyễn – Tân Bình, TP.HCM Tôi có một câu hỏi thế này và mong muốn nhận được câu trả lời từ phía các các cơ quan có thẩm quyền. Rõ ràng chợ Kim Biên bán những thứ hương liệu độc hại. Nếu bán giấu giếm thì các cơ quan quản lý còn mất công theo dõi điều tra nhưng đây họ bán công khai, ai mua cũng được mà tại sao vẫn để cho chợ hoạt động biết bao nhiêu năm nay? Và tôi cũng đọc được thông tin UBND TP.HCM đã có ý muốn di dời chợ Kim Biên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo tôi, dù di dời đi đâu nhưng vẫn bán mặt hàng cũ thì vẫn nguy hiểm. Tôi mong Thành phố siết chặt hơn nữa để chợ không còn bán những hương liệu độc hại cho người tiêu dùng. |
Bao giờ chợ Kim Biên được di dời? Trong tháng 7/2015, UBND TP.HCM vừa ra quy chế phối hợp quản lý hoạt động buôn bán hóa chất trên địa bàn và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Y tế chủ trì thực hiện. Các đơn vị này cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng đề án thành lập trung tâm kinh doanh hóa chất để lên phương án di dời các cơ sở sản xuất, buôn bán nguy hiểm ra khỏi khu dân cư. Trong đó, chợ hóa chất Kim Biên được chú trọng hơn cả. Khu chợ “tử thần” này tồn tại hơn 50 năm và nằm ngay trung tâm thành phố. Cuối năm ngoái, UBND Q.5 đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh tại chợ Kim Biên dời về Trung tâm thương mại Đông Phương cũng thuộc địa bàn Q.5. Địa điểm mới là nơi buôn bán hóa chất, phụ gia công nghiệp của Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Tuy nhiên, việc di dời không được các tiểu thương hưởng ứng vì địa điểm mới được cho là không thuận lợi trong việc kinh doanh và giá thuê mặt bằng cao. |
Theo Mai Trinh/ báo Người Tiêu Dùng
http://www.nguoitieudung.com.vn/phat-bieu-dong-troi-cua-tieu-thuong-cho-kim-bien-nguoi-ta-den-day-mua-cung-chi-de-ban-chu-co-ai-an-dau-d41045.html