Dù thời tiết khắc nghiệt, người Phần Lan vẫn hạnh phúc bởi môi trường an toàn, không khí trong sạch, hệ thống y tế miễn phí. Dễ nhận thấy lý do quốc gia này luôn đứng trong top đầu những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Người Phần Lan luôn sống vui vẻ, an toàn và hạnh phúc. (Getty).
Tính đến thời điểm này, Phần Lan vẫn là nước đứng đầu trong số 156 quốc gia trên thế giới về chỉ số hạnh phúc, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố trong năm 2018, dù người dân ở đây được tận hưởng rất ít ánh nắng mặt trời và phải sống trong nền nhiệt thấp.
Ở Bắc Cực thường diễn ra nhiều hoạt động kỳ thú như những chuyến đi bằng xe tuần lộc kéo hay xe trượt tuyết tự bạn lái đã khiến cho mùa đông trở thành mùa thu hút nhiều khách nước ngoài nhất. Nhiều đoàn người kéo về vùng phía Bắc và phía Đông của Phần Lan vào những đêm mùa Đông quang trời, hy vọng được chiêm ngưỡng sự thoáng hiện của Vừng sáng Bắc Cực tuyệt đẹp.
Mùa hè thường bắt đầu vào cuối tháng Năm ở miền Nam Phần Lan và kéo dài đến giữa tháng 9. Những vùng nằm ở phía Bắc vòng Bắc Cực có những này địa cực đặc trưng, gọi một cách lãng mạn là mặt trời nửa đêm, những ngày này mặt trời không hề lặn.
Có nhiều lý do khiến quốc gia Bắc Âu này trở thành một nơi lý tưởng để sinh sống. Theo Bản đồ Nguy cơ Du lịch 2018, Phần Lan có mức độ đe dọa thấp nhất cả ở 3 hạng mục y tế, an ninh và giao thông. Mọi người có thể an toàn đi lại một mình trong các công viên hay phương tiện công cộng vào bất cứ giờ nào. Cứ 12 chiếc ví bị cố tình bỏ quên ở thủ đô Helsinki thì có 11 chiếc được trả lại cho chủ nhân, theo một cuộc thử nghiệm về tính trung thực toàn cầu.
Phần Lan cũng là nước có chỉ số môi trường đứng đầu thế giới năm 2016, theo báo cáo của Trung tâm về Luật và Chính sách Môi trường Yale. Quốc gia này có tỷ lệ rừng cao hơn bất kỳ nước nào ở châu Âu và đứng thứ 11 trên thế giới. Thủ đô Helsinki có nguồn nước máy sạch nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.
Khung cảnh như trong cổ tích của xứ sở Phần Lan. (Getty).
Gần 2/3 lượng điện của nước này được sản xuất từ các năng lượng tái tạo hoặc năng lượng hạt nhân. Mục tiêu của Phần Lan là đến năm 2020, 38% nguồn năng lượng của nước này đến từ nhiên liệu tái chế.
Theo Báo cáo về Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan nằm trong top 3 những nước bình đẳng giới, chỉ sau Iceland và Na Uy, và là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường cao nhất.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Phần Lan rất thấp, chỉ 2,1 trên 1.000 ca sơ sinh, bằng một phần tư so với tỷ lệ trung bình ở châu Âu và một phần ba so với Mỹ. Tuổi thọ trung bình của người dân Phần Lan rất cao, 78 tuổi với nam giới và 84 tuổi với nữ giới, theo số liệu năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Quốc gia này có GDP cao và tiền thuế cũng cao nhằm hỗ trợ cho các chương trình xã hội, đổi lại người dân được tiếp cận hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc với chi phí thấp.
Xếp hạng cao của Phần Lan trong báo cáo của LHQ còn dựa trên sự hạnh phúc của những người nhập cư sống tại nước này. Năm 2015, hơn 1 triệu người nhập cư vào châu Âu, vài nghìn người đã đến Phần Lan, một quốc gia tương đối đồng nhất với khoảng 300.000 người nước ngoài và có gốc gác nước ngoài trên tổng số 5,5 triệu dân. Nhóm nhập cư lớn nhất Phần Lan đến từ các nước châu Âu nhưng cũng có các cộng đồng từ Afghanistan, Trung Quốc, Iraq và Somalia.
Phần Lan cũng là nước nổi tiếng với nền ẩm thực hiện đại. Người dân Phần Lan luôn đánh giá cao sự cầu kỳ trong nấu ăn, thực đơn chính của họ là sự kết hợp hài hòa giữa các món truyền thống vùng nông thôn và các món hiện đại châu Âu. Đến đây, du khách không thể bỏ qua các món ăn như: Thịt tuần lộc, súp tỏi, bánh cá Kalakukko, cá hồi hun khói, bánh mì lúa mạch đen.
Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/du-lich/phan-lan-dat-nuoc-hanh-phuc-141923.html