Ảnh minh họa |
Dự thảo xác định ba trụ cột chính của Chuyển đổi số Quốc gia là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, để từ đó xây dựng chiến lược nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số Quốc gia, phù hợp với từng mục tiêu, từng lĩnh vực, từng đối tượng, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước như: Y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… từ đó xây dựng chiến lược nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số Quốc gia phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên này.
Theo dự thảo mục tiêu đến 2025 phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, 60% cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước hằng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin được đào tạo về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia.
Phấn đấu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc. 100% các trường “đại học số” hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng số, nền tảng công nghệ số, trang thiết bị học và thực hành sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Tổ chức và đào tạo lực lượng 1.000 chuyên gia phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia
Dự thảo nêu rõ, tổ chức lựa chọn 1.000 chuyên gia từ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức làm công nghệ thông tin, kỹ thuật, nhân sự chuyên trách làm công tác chuyển đổi số quản lý, vận hành các hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp theo các ngành nghề.
Triển khai các khóa đào tạo cơ bản, nâng cao, cập nhật mới về chuyển đổi số, công nghệ số và các nội dung đào tạo cần thiết khác cho đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số phù hợp theo chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực, trình độ.
Ưu tiên chỉ tiêu trong các chương trình, kế hoạch đào tạo cán bộ ở nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương bằng ngân sách Nhà nước để cử các cán bộ trong diện này đi đào tạo ngắn hạn về công nghệ số ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số… Tổ chức đào tạo bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ năng số cho giảng viên đại học, nhất là giảng viên các chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội.
Giải pháp về cơ chế tài chính
Theo dự thảo, ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch đào tạo lại, đào tạo thực hành trong nước và nước ngoài cho cán bộ chuyên trách tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai Đề án, huy động các nguồn lực tài chính từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội và các nguồn kinh phí khác phục vụ công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Đề án được giao cho các bộ, các cơ quan Trung ương chủ trì và các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Đề án.
Địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Đề án được giao cho các địa phương chủ trì.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
(Nguồn: Lan Phương
http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Phan-dau-den-nam-2025-dao-tao-1000-chuyen-gia-chuyen-doi-so/435884.vgp)