Dường như, con người càng ngày càng dễ trở thành tội phạm. Cái ác không chỉ diễn ra ngoài đường phố mà còn diễn ra trong không ít gia đình với những phương thức giết người man rợ… Điều gì đang xảy ra trong các gia đình, trong bản thân của mỗi con người Việt? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, PGS.TS Trịnh Hòa Bình để lý giải về vấn đề này.
Gốc rễ gia đình bị lung lay
PV: Gần đây có quá nhiều vụ án mạng xảy ra với những lý do rất đơn giản, mà người gây án trong đời sống thường ngày không có biểu hiện của những kẻ lưu manh, côn đồ… Có cảm giác dường như ai cũng có thể trở thành tội phạm, vì sao vậy, thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Chỉ có thể nói rằng, xã hội hiện nay của chúng ta đang ở trong lằn ranh của sự chuyển đổi. Nhiều cái như thể đang lên cơn sốt. Xã hội giống như một cơ thể, trong cơ thể bao giờ cũng có nhiều bệnh tật, nếu sức khỏe kém sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật. Câu chuyện này liên quan đến chuyện chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ vận hành, đang trong quá trình xây dựng nên những giá trị mới khiến cho những giá trị cũ bị phủ định. Tất nhiên, cũng không phải là phủ định hoàn toàn. Bình thường chúng ta cũng nhìn nhận nó như truyền thống để khởi phát, dùng nó như chân đế để xây dựng cái mới. Nhưng tiếc rằng, giá trị mới chúng ta đang mong muốn xây dựng lại đầy rẫy khó khăn. Tức là hướng đích chúng ta đang theo đuổi chưa hiển hiện được hoàn toàn. Và vì thế hiện tại chúng ta đang lúng túng. Căn nguyên của chuyện này cũng là do sự rối loạn các giá trị mà ra. Cứ tưởng các giá trị sống không liên quan gì đến tội phạm vì tội phạm chúng ta bắt được, được nghe, nói nó bắt nguồn từ cuộc sống thường ngày nhưng rõ ràng chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng mười mươi của nó tác động đến từng thành viên xã hội trong một bức tranh liên hoàn.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình
Chuyện giáo dục, đào tạo, rèn luyện để có được những nhận thức chín chắn, hiểu biết sâu rộng về mặt pháp luật vẫn là câu chuyện còn ở phía trước đối với phần lớn cá thể trong cộng đồng chúng ta khi mà chính chúng ta đang tự phá đi những chuẩn mực cuộc sống trước đây, nhưng chưa có những chuẩn mực mới để thay thế vào. Trong lúc đó sự phát triển của nền kinh tế thị trường gây ra những mặt trái làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng ảnh hưởng đến tất cả các cá nhân trong xã hội. Tỷ lệ ly hôn cũng như sự tan vỡ gia đình chiếm tỷ lệ cao từ đó dẫn đến con trẻ ít được quan tâm, nhiều em bị dụ dỗ, lôi kéo, bị cuốn sa ngã vào con đường phạm tội. Những luồng văn hóa phẩm đồi trụy, các mạng xã hội, kích động tình dục, kích động bạo lực len lỏi trong xã hội cũng đã tác động, gây hậu quả xấu. Sự non kém về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm… Mặt khác, những thách thức của đời sống chính trị xã hội, sự vận động của hệ giá trị đang đầy cam go đan xen giữa mới và cũ. Rồi những khó khăn hiển hiện vô ý thức về mặt tài chính, kinh tế cộng dồn làm con người ta trong cuộc sống thường ngày có quá nhiều ẩn ức, quá nhiều ức chế đến đỉnh điểm buộc phải phát ra.
PV: Nền tảng gia đình người Việt trước nay là điều đáng tự hào nhưng những vụ án xảy ra trong phạm vi gia đình ngày càng nhiều mà gần đây nhất là hai vụ án đang làm rung động dư luận. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện án mạng trong gia đình?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Vụ án hai vợ chồng người em giết hai vợ chồng người anh trai mới đây bỏ lại 6 đứa con bơ vơ, người chết đi rồi để lại người còn sống cũng phải thụ án và chịu sự trừng phạt nhất định. Vụ án đó có thể cắt nghĩa được rằng, họ sống trong áp lực từ lâu rồi. Tôi dám chắc không chỉ có sự hằn học với gia đình vợ chồng người anh không thôi mà họ còn hằn học bực dọc ở đâu đó nữa, dẫn đến quẫn trí. Và chính vì họ không có ai, không có nơi nào để giải tỏa cho những ẩn ức đó, mới dẫn đến hậu quả đau thương như vậy. Rõ ràng trong vụ án này đã thiếu đi vai trò của các đoàn thể, các tổ chức xã hội cũng như sự chia sẻ của họ hàng, làng xóm…
Còn trường hợp anh giết vợ của em cắt nghĩa bằng ngáo đá tôi cho rằng, không thể biện minh bằng ngáo đá được vì những trường đoạn của phim ảnh nhắc nhở rằng, phải giết người ở đâu đó, nó đã từng nhói lên khi người ta đang tỉnh táo chứ không phải lúc ngáo đá mới xuống tay. Vì thế không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ma túy dù nó rất đáng sợ. Tôi nghĩ họ đã tắm mình trong không gian đầy tội ác từ lâu rồi. Dẫu thế nào chăng nữa họ cũng hình thành một gia đình, dọn về ở cùng nhau đã là gia đình. Vì sao người ta hay tác động những điều như thế lên những người gần gũi trong gia đình? Vì có cơ hội để thể hiện hơn, sự phòng bị của những người như thế ít hơn, sự tin cậy đã có rồi người ta sẽ không đề phòng nữa. Những va chạm vẫn diễn ra trong phạm vi những người gần cạnh trước. Đôi khi tác động của những cộng dồn, ức chế trong đời sống thường ngày khiến họ bột phát và ra tay với những người máu mủ ruột thịt…
Trước đây, trong mỗi gia đình, tình cảm thường rất tốt bởi vì khi đó con người sống cũng đơn giản hơn, không có những tranh chấp đất đai, không có những người quá giàu và quá nghèo, không có các phương tiện xe cộ, thiết bị để so sánh, ganh đua… Bây giờ thì khác, gia đình Việt cũng là bức tranh thu nhỏ của xã hội. Vì thế nó cũng có vô vàn những tranh chấp, những mâu thuẫn và chỉ cần một thành viên trong gia đình đặt giá trị đồng tiền lên trên tất cả thì xem như mọi giá trị của gia đình đó đã tan vỡ. Điều đáng buồn là cuộc sống với những giá trị vật chất do đồng tiền mang lại hiện đang chi phối quá lớn khiến cho con người càng ngày càng xem nhẹ tình thân. Họ lao theo các giá trị ảo để cuối cùng khi nhận ra thì đã quá muộn. Điều đó bạn có thể thấy qua các vụ án trong gia đình. Hậu quả để lại rất đau đớn. Và thường là những vụ án này diễn ra trong các gia đình mà các thành viên đều là người ít học. Họ hầu như không được trang bị kiến thức, sự hiểu biết về luật pháp.
PV: Những mâu thuẫn, những mệt mỏi… do cuộc sống thường ngày đưa đến thì trong thời đại nào cũng có. Nhưng cách đây chừng 10 năm cách hành xử giữa con người và con người không như vậy. Ông có nghĩ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi điện tử… có tác động không nhỏ không?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng game, các phương tiện truyền thông mới bên cạnh đóng góp của nó để tôn vinh cái đẹp thì cũng phải chịu trách nhiệm, vì nó đã đưa ra các kịch bản như kịch bản mẫu, như lời gợi ý cho các hành vi phạm tội. Ví dụ, lúc đó trong đầu họ điên lên tự động sẽ liên hệ đến các hình ảnh từng xem. Hay câu chuyện phanh thây người phụ nữ để phi tang là bắt chước Nguyễn Đức Nghĩa vì câu chuyện kể trước đó đã thấm trong đầu rồi hay những bài báo đâu đó miêu tả tỉ mỉ. Nhưng dẫu thế nào chăng nữa nó chỉ gợi ý về kịch bản chứ không phải chịu trách nhiệm về mặt tâm địa, về động cơ, những suy nghĩ nông cạn, thú vật…
Hiện trường một số vụ án gần đây
Tuy nhiên, phim ảnh, hay game thì tác động nhiều đến giới trẻ. Hầu như đến quá nửa thanh niên bây giờ giải trí bằng mạng xã hội, phim ảnh, game thay vì đi và trực tiếp cảm nhận họ lại nghe, nhìn… cảm qua một phương tiện khác. Đó là điều rất đáng phải lưu tâm.
PV: Tỷ lệ phạm tội trong học sinh, sinh viên cũng tăng rất nhanh. Vậy theo ông, trách nhiệm của vấn đề này thuộc về ai, nhà trường, gia đình hay xã hội?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nhà trường xưa nay chúng ta vẫn hay nói chú trọng dạy chữ hơn dạy người. Mà có lẽ các thầy cô trong nhà trường cũng không có nhiều thời giờ để tâm sự, nói chuyện xung quanh câu chuyện giáo dục luân lý, đạo đức, trang bị kiến thức luật pháp. Hầu như mọi người thường đang đuổi bắt theo những lợi ích riêng của mình, đó là thu nhập, phát triển gia đình, tìm kiếm những liên quan, gặt hái uy tín, tiền bạc hay thậm chí là sự trọng vọng mà ít để tâm hơn đến chuyện phát hiện những sai khác, lệch lạc, biến thiên, thăng giáng một cách bất thường nên không ngăn chặn được. Thêm nữa, kể cả chúng ta không liên quan vào câu chuyện tội phạm, ngăn chặn các hành vi bạo lực trong học sinh, sinh viên vẫn phải nói rằng, nhà trường xét đến cùng vẫn chỉ là một xã hội thu nhỏ. Những va đập của xã hội bình thường như thế nào thì nhà trường cũng vậy. Nên nhớ, mô hình về văn hóa ứng xử và kể cả phân tầng xã hội cũng ảnh hưởng, phản chiếu rõ ràng trong nhà trường cho nên tội phạm trong giới học đường tăng lên cũng phản ánh xu hướng tội phạm tương tự như vậy trong xã hội trong suốt giai đoạn vừa qua.
Nhưng nếu nói đến nguyên nhân sâu xa thì gia đình cũng phải chia sẻ trách nhiệm, bởi trừ khi những tội phạm nảy sinh ra trong thời kỳ bị kích động đặc biệt còn hầu như đều có một chuyển giao chuyển tiếp, có những sự “chuẩn bị”. Tức là trong cuộc sống thường ngày có va vấp hình ảnh xấu về giới này giới kia, anh chị này, anh chị nọ thì khi đụng chạm nó có thể sẵn sàng gồng lên, hoặc vơ một hung khí bất kỳ gần đấy để thực hiện. Những tội phạm khác như trộm cắp, học đòi bắt cóc con tin để lấy tiền đều ảnh hưởng từ môi trường thu nhỏ đó và môi trường này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường xã hội nói chung. Cũng phải nói thêm, kể cả câu chuyện của truyền thông, báo chí, đưa tin hay giật tít câu view, hoặc đưa những hành vi tàn độc này khác và mô tả dưới dạng “nhấm nháp” nó sẽ là những gợi ý. Chẳng hạn mô tả rất kỹ lưỡng cả một quá trình hành xử của tội phạm có khi lại là trang bị kỹ năng. Tức là bao giờ cũng có tính hai mặt xung quanh câu chuyện phê phán hay tôn vinh những hành vi tốt đẹp hoặc xấu xí trong xã hội. Không phải gia đình nào cũng lành mạnh vì có nhiều gia đình tác động của bố mẹ đến con trẻ là những tấm gương xấu. Vì thế, chắc chắn chúng ta có thể nói được rằng, gia đình ảnh hưởng sâu nặng, đi theo con người ta trong nhiều tình huống. Cái gốc rễ gia đình rất quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển nhân cách của một con người. Có thể nói, gốc rễ gia đình người Việt đang lung lay bởi nhiều lý do, khiến cho những ràng buộc về giáo lý không còn và chính điều đó làm cho con người có rất nhiều những hành vi sai trái.
Tại khủng hoảng niềm tin?
PV: Nhưng rõ ràng kiến thức, sự hiểu biết về luật pháp của người dân còn quá kém và chính điều này cũng khiến cho không ít người “phạm tội mà không biết mình có tội”, thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ có người đọc vanh vách luật pháp nhưng vẫn không hành xử theo luật pháp, ấy là sự giả dối chứ không chỉ thuần túy như vậy.
Ở những xã hội duy lý đặc biệt là xã hội châu Âu hay Bắc Mỹ họ thuộc nằm lòng những điều khoản xử phạt hay phạm lỗi để mỗi khi đụng chạm đến cái gì đó họ đều biết có thể làm được gì và không làm được gì. Chẳng hạn trong trường hợp “thằng kia mày nhìn đểu tao”, nếu cũng chơi lại kiểu cục súc như “tao nhìn mày đấy, làm gì được tao” là có chuyện ngay, nhưng nếu trả lời một cách lịch sự thì tình thế lại khác. Ở đây không chỉ thiếu kiến thức về luật pháp mà thiếu cả kỹ năng ứng xử để có thể đưa ra xử trí thích hợp trong khuôn khổ luật pháp. Vì trong xã hội của chúng ta hiện tại đang rất thiếu những điều thiêng liêng, hình mẫu xã hội không có, những chủ thuyết để tổ chức xã hội rất tù mù. Toàn là thứ rất chung chung, không có cái cụ thể. Và hiện nay, chúng ta vẫn đang đẩy tới hơn nữa cái duy tình.
PV: Nhiều người cho rằng, người Việt trong khi thực thi luật pháp không nghiêm minh và để lối sống duy tình xâm lấn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Sự phân tích đó cũng có phần chính xác. Xã hội Việt Nam là xã hội duy tình ít duy lý nên vì tình lắm khi cũng có nhiều tội phạm, vì tình nên không trang bị được những kỹ năng, tác phong ứng xử liên quan đến hiểu biết về luật pháp. Người ta nghĩ rằng toàn dựa trên cơ sở vị tình cả nên có thể du di, du di nhiều đến mức không thể chịu được nữa có thể sống qua. Từ hành vi lệch chuẩn đến tội phạm nhiều khi cũng có những bước chuyển không ngờ mà để vị thành niên suy nghĩ không thấu đáo trong cảnh huống nhất định nào đó mà có thể phạm lỗi, phạm luật. Điều này đúng nhưng chủ yếu rơi vào nhóm tuổi vị thành niên, họ rất thiếu kỹ năng, kỹ năng để sống sót cũng như kỹ năng để thích nghi, để chống lại cái xấu cái ác, cái giả dối, phủ định cái xấu cũng như tự miễn dịch với cái xấu trong phạm vi nhà trường và xã hội.
Thực hiện không được nghiêm minh theo nghĩa không có công bằng xã hội trong nhiều lĩnh vực như sẻ chia lợi ích về mặt kinh tế – xã hội, trong hưởng thụ văn hóa tiêu dùng và trong luật pháp. Thực sự trong nhiều trường hợp cũng không có sự công bằng khách quan cho dù đó không phải nguyên nhân hàng đầu để nảy sinh ra tội phạm, nhưng rõ ràng bất công cứ đeo đẳng mãi lúc nào cũng có ý nghĩa mách bảo trong suy nghĩ, tình cảm trong trí não của ai đó, rất có thể người ta mất đi sự tỉnh táo hoặc vùi dập một thân phận yếu thế nào đó họ cảm thấy có thể vùi dập được. Một khi đã thiếu công bằng như thế trong hành xử họ sẽ hành động rất thiếu công bằng, quy luật là sợ kẻ mạnh nhưng rất thích hành hạ kẻ yếu sẽ được hình thành. Và điều đó rất nguy hiểm.
PV: Thực chất chúng ta chưa có các giải pháp xã hội đồng bộ để chặn tội phạm mà vẫn “đuổi theo” tội phạm để xử lý, đó cũng là vấn đề mà các cấp quản lý phải lưu tâm, thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Bạn nói làm tôi nhớ lại lời khuyên của Nguyễn Trãi khi Trần Thái Tông đặt vấn đề xây dựng nền âm nhạc quốc gia, Nguyễn Trãi đã nói một câu: Dám mong bệ hả rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân, khiến cho chốn thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu đó là giữ được cái gốc của nhạc vậy. Điều này vẫn đúng trong hiện giờ. Chúng ta không chỉ xây dựng về pháp luật mà phải xây dựng một thể chế, cơ thể quốc gia hùng cường lớn mạnh quan trọng hơn là xã hội đấy phải lành mạnh, trong sáng đó là cái gốc để xóa bỏ các tội ác, hành vi xâm phạm mạng sống con người. Khi con người không bị nhiều ẩn ức, bị trói buộc bởi nhiều khúc mắc, lo toan hay sống trong áp lực bằng mọi giá kiếm tiền, làm sao săn tìm được nhiều lạc thú nhất mà không bị thúc bách, chắc chắn sẽ giảm đi tội phạm. Xét đến cùng càng ngày cần phải giải quyết tốt hơn những khó khăn nảy sinh trong đời sống để những va chạm giảm đi, những thúc bách của con đường mưu sinh giảm đi…
Đi các nước thì thấy, trong một xã hội văn minh, tất cả những vật dụng thường ngày đều không được gây chết người. Còn chúng ta va chạm với rất nhiều thứ có thể gây chết người hiện nay, đến ngay cả mô hình bệnh tật của chúng ta trong một số trường hợp cũng liên quan đến cả tội ác, ví dụ thuốc sâu được phun rất nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp. Do bảo quản không đúng cách và bất cứ lúc nào người nông dân cũng có thể lấy thuốc ra pha trộn để sử dụng vô tội vạ. Xã hội văn minh không thế, mọi thứ đều chặt chẽ, không thể dễ gây chết người đến như vậy. Hay chẳng hạn câu chuyên gia đình ông bác sĩ bị chết cùng gạt trong chiếc ôtô lao xuống ao, nếu có dụng cụ để phá cửa thì đã cứu được người. Ở xã hội văn minh, những công cụ để cứu giúp con người rất gần trong tầm tay với của con người nhưng những thứ dễ gây chết chóc phải rất xa tầm với. Suy rộng ra nó liên quan cả đến xã hội, có lành mạnh hay không cũng để làm sao cho con người ta phần tốt đẹp nó được nhìn thấy nhiều hơn, còn cái phần xấu thì được che khuất lấp đi. Hằng ngày con người ta luôn đối diện với những điều tốt đẹp, nhìn thấy, nghe thấy những điều hay thì chắc chắn bản thân họ cũng sẽ khác đi.
PV: Nhưng rõ ràng nếu so bây giờ với ngày xưa thì cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đó là câu chuyện giá trị. Ngày xưa chúng ta tôn thờ một giá trị khác, chỉ cần đủ chứ chưa vươn tới ăn ngon mặc đẹp. Thế hệ chúng tôi vẫn mặc quần áo tích kê, mãi sau mới có dép nhựa, trước đó phải đi dép cao su. Nhưng cái ngày xưa đó lại có nhiều giá trị sống để chúng tôi tự hào, ngưỡng mộ, noi theo và quả thực ngày đó cũng ít tội phạm. Và thực ra ngày đó cũng có ít công cụ để giết người, bây giờ quá nhiều, giết người cũng văn minh hơn. Các công cụ nhập từ tàu về, súng ống, cung tên hiện đại cũng có. Ngày xưa bảo quản khẩu súng cầu kỳ hơn nhiều. Những cái đó có thể đẩy tới thị trường một mặt nhưng nó không đáng phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Mà con người liên quan đến giáo dục, đến giá trị con người, niềm tin. Bây giờ chúng ta đang khủng hoảng niềm tin và giá trị chúng ta đang theo đuổi chẳng rõ ràng gì cả.
Cuối cùng của câu chuyện này là gia đình phải chịu trách nhiệm, gia đình phải là nơi làm tốt hơn giáo dục để xã hội hóa con người làm con người lành mạnh trong xu hướng văn minh chứ không phải văn minh đi kèm với tàn bạo, đi kèm với chuyện càng ngày càng thiếu hụt các giá trị nhân văn. Hiện nay đang có một nghịch lý tiến tới hiện đại xem chừng lại suy giảm đi các tính chất nhân văn. Bây giờ phục cổ một cách máy móc, cái cắm và lồng ghép một cách khiên cưỡng các giá trị mới vào. Đấy là sai lầm.
Nhưng để giải quyết bài toán này thì cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường. xã hội, cả 3 phải bắt tay nhau thật chặt, thì may ra mới có hy vọng giảm tải được các mối nguy cơ về tội phạm hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thái Linh – Thanh Huyền (thực hiện)
Theo: Petrotimes.vn