Ông Trần Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sơn Kelly-Moore Việt Nam luôn xuất hiện với phong cách thân thiện và giản dị. Xuất thân là kỹ sư về Công nghệ Thông tin, ông lại trở thành một doanh nhân khá thành công trong ngành sơn tại Việt Nam. Mười năm sau hành trình từ Mỹ trở về quê hương, nay ông đang sở hữu công thức và công nghệ tiên tiến của nhiều tập đoàn sơn của Hoa Kỳ như Kelly-Moore, Rust-Oleum, Modern Masters để sản xuất những dòng sơn đẳng cấp quốc tế và thân thiện môi trường tại Việt Nam với giá thành hợp lý. Có dịp trò chuyện với ông tại một quán cà phê bên sông Sài Gòn, ông cho biết:
Những gì tôi có được hôm nay phần lớn là nhờ sự đóng góp công sức của vợ tôi. Trong hai giờ nữa, tôi phải lên máy bay ra Hà Nội để chuẩn bị cho một sự kiện hợp tác kinh doanh khá quan trọng nhưng giờ phút này tôi vẫn có thể ngồi uống cà phê ngắm cảnh sông nước một cách thảnh thơi vì tôi biết vợ mình đã chuẩn bị mọi thứ một cách chu đáo.
Ông thật may mắn khi có một người bạn đồng hành chu đáo và tận tụy như vậy…
Đúng vậy, không chỉ là một hậu phương vững chắc, cô ấy còn là một người cộng sự đắc lực trong kinh doanh. Tôi chỉ lo về chiến lược kinh doanh, còn cô ấy quán xuyến hết những chuyện phức tạp liên quan đến tài chính, nhân sự. Có một câu nói rằng: “Sau lưng những người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ đảm đang”, thật chí lý!
Vì sao ông chọn kinh doanh trong ngành sơn, trong khi ngành Công nghệ Thông tin mới là xu hướng phát triển tương lai và ông cũng là một thạc sĩ về ngành này?
Tôi nghĩ rằng ngành Công nghệ Thông tin phù hợp với người trẻ hơn vì tốc độ phát triển đang bùng nổ theo tốc độ ánh sáng nên người ta nói rằng công nghệ ngày hôm nay đã biến “khoa học viễn tưởng thành khoa học thực tế” như sản phẩm xe hơi bay của nhà đồng sáng lập Google – Larry Page tại Thung lũng Điện tử hay Robot Chef Cook của Đức sẽ ra mắt trong nay mai. Còn ngành kiến trúc, vật liệu xây dựng mà đặc biệt là ngành sơn đòi hỏi sự tìm tòi công phu, nghiên cứu kiên trì và tích lũy kiến thức nhằm phát hiện hay sáng tạo ra những dòng sản phẩm mới, những giải pháp tối ưu, hệ thống phù hợp để giải quyết các vấn đề trong phần sơn hoàn thiện của ngành kiến trúc và xây dựng.
Chuyện về Việt Nam xây dựng công ty và mở nhà máy sản xuất sơn là một cơ duyên. Mười một năm trước trong chuyến công tác tại Sài Gòn, khi đi ngang qua một ngôi nhà đang sơn, vợ chồng tôi ngửi thấy một mùi rất khó chịu. “Tại sao chúng ta không mang sơn thân thiện với môi trường, không mùi từ Mỹ về Việt Nam kinh doanh?”. Ý tưởng này đã mở ra một hướng đi mới cho vợ chồng chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi lại được một người bạn tham mưu rằng: “Muốn kinh doanh ở Việt Nam thì anh chị nên chọn những mặt hàng mà người ta không nắm bắt được để khó bắt chước”. Có thể nói Mỹ và châu Âu là những nước hàng đầu về công nghệ sơn, vì họ là những nước sản xuất ra hóa chất gốc, nên sản phẩm sơn chúng tôi nhập về sẽ khó mà bắt chước được.
Đến thời điểm này, ông thấy mình đã lựa chọn đúng đắn?
Đúng chứ. Thành công thì tôi chưa dám khẳng định nhưng ít ra, chúng tôi cũng đã xây được nhà máy, có được nhiều công thức và học được công nghệ của các hãng sơn lớn của Hoa Kỳ. Nếu như mười năm trước, chúng tôi dùng vốn đầu tư vào bất động sản và cho thuê thì chắc vợ chồng chúng tôi không nhanh “bạc tóc” như bây giờ.
Chúng tôi cảm thấy phấn khích nhất là việc xây dựng được nhiều mối quan hệ thân hữu, bạn bè. Qua công việc làm ăn cũng như mối giao tình ở nhiều lĩnh vực nên chúng tôi có rất nhiều bạn bè là các kiến trúc sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ cảnh quan, công nghệ thông tin, những người có tâm hồn nghệ sĩ, chất thơ, văn, ca hát… Điều thú vị là hầu hết khách hàng của chúng tôi đều trở thành bạn bè về sau. Để có những lúc, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống giữa lòng bạn bè để cùng nhau thưởng thức nhiều hương vị từ không khí, âm nhạc cho đến ẩm thực… Đúng như những câu thơ trong bài thơ Nói với bạn bè của Đỗ Duy Ngọc: “Rồi chúng ta cũng sẽ về với đất/ Rồi tất cả chỉ vòng quanh trống rỗng/ Đến rồi đi quy luật của muôn đời/ Sao không sống với những lời thơ mộng/ Để cuối đời không tiếc cuộc rong chơi”. Còn việc làm ăn ở Việt Nam là một câu chuyện dài với nhiều tình tiết mà có lẽ không thể nào kể xiết trong một buổi trò chuyện…
Đó phải chăng là chuyện về chính sách, một câu chuyện khiến nhiều người Việt trở về từ nước ngoài “đau đầu”…
Có một câu chuyện còn mệt mỏi hơn cả câu chuyện chính sách, đó là câu chuyện về con người. Trong năm đầu tiên trở về Việt Nam kinh doanh, vợ tôi trầm cảm đến nỗi ra tối hậu thư cho tôi: “Hoặc là vợ chồng mình cùng trở về Mỹ, hoặc là em chết”. Nguyên nhân là do cô ấy mất niềm tin vào con người, từ anh lái xe “ăn gian” tiền xăng đến những nhân viên kém trung thực trong công ty. Do vợ tôi quá kỳ vọng ở nhân viên nên khi phát hiện ra họ nói dối, cô ấy không còn biết tin vào đâu. Sau đó, tôi phải nhờ những người bạn thân tìm cách lên tinh thần cho cô ấy. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một anh bạn: “Chúng ta phải tập tư duy tích cực hơn. Hãy nhìn phần nửa đầy của ly nước, thay vì nửa vơi. Khi ra đường, hãy nhìn những người tôn trọng luật giao thông thay vì nhìn những người… cà chớn, hay vượt đèn đỏ. Hãy nghĩ đến rằng trong xã hội này vẫn còn nhiều người chúng ta quý mến thay vì chăm chăm nhìn vào những người khiến mình tổn thương”.
Đến thời điểm này có lẽ vợ ông đã vượt qua trầm cảm, toàn tâm toàn ý ở lại Việt Nam?
Nay cô ấy đã lấy lại niềm tin và sự lạc quan trong công việc và trong cuộc sống, trở thành “nội tướng” đắc lực của tôi trên nhiều “mặt trận”. Tuy nhiên, nói về vấn đề con người, tôi thấy hiện xã hội chúng ta đang có hai nét văn hóa rất đáng lo, đó là văn hóa “không sao đâu” và văn hóa chụp giựt. Khi còn sống lưu lạc ở nước ngoài, chúng tôi thường ca tụng người Á Đông mà đặc biệt là người Việt Nam luôn sống có tình có nghĩa, có trước có sau, nhưng khi về đây thì cảm thấy có phần xấu hổ. Khi trên đường đi xuất hiện những hòn đá chắn ngang thì người nhặt hòn đá là người nước ngoài chứ không phải người Việt Nam. Tôi cũng thấy những người bán hàng nói thách để lừa những người nhẹ dạ, bán hàng giả để lừa người mua, dùng hóa chất để chế biến thực phẩm miễn kiếm lợi nhanh. Người giàu có ít chia sẻ cho xã hội, trong khi tại Mỹ, 90% doanh nhân giàu có thường để lại tiền bạc và tài sản cho xã hội hay các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó phải kể đến một người rất trẻ là Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, đã dành đến 99% cổ phần từ Facebook, tương đương 45 tỉ USD, để làm từ thiện trong suốt phần đời còn lại… Qua đó, tôi học được rất nhiều điều từ xã hội và đất nước Hoa Kỳ, từ đó tôi quyết tâm xây dựng công ty trên nền tảng ba chữ “PC” là Phát triển Công ty, Phát huy Cá thể và Phúc lợi Cộng đồng.
Tôi học được rất nhiều điều từ xã hội và đất nước Hoa Kỳ, từ đó tôi quyết tâm xây dựng công ty trên nền tảng ba chữ “PC” là Phát triển Công ty, Phát huy Cá thể và Phúc lợi Cộng đồng.
Trong ba chữ “PC” nói trên, Phát huy Cá thể rất ít người quan tâm. Yếu tố này quan trọng ra sao?
Phát huy Cá thể chính là phát huy năng lực của những người bạn đồng hành. Người ta hay nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi với những người bạn đồng hành”, điều này rất đúng. Trong làm ăn, tôi rất chú trọng đến những người bạn “cùng hội cùng thuyền”, không phải ai chúng ta cũng có thể hợp tác kinh doanh. Phải làm với những người cùng đam mê, chí hướng thì mới thấy “sướng”. Khuynh hướng xây dựng và phát triển công ty ngày nay đang hình thành một cụm từ Năm chữ “P”, trong đó Bạn đồng hành là một chữ “P” rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chúng ta thường nghe nói nhiều về bốn chữ “P” trong kinh doanh, bao gồm Product (sản phẩm), Price (giá), Promotion (xúc tiến thương mại hay truyền thông), Place (kênh phân phối), còn năm chữ “P” như ông nói thì sao?
Bốn chữ “P” đó với tôi hơi… xưa rồi. Kinh doanh ngày nay đang hình thành từ năm (5) chữ “P” bao gồm: Passion (đam mê), Propose (mục đích hay hướng đi), People (đối tượng phục vụ), Product (sản phẩm) và Partner (bạn đồng hành). Tuy nhiên, trong kinh doanh, môi trường đầu tư cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy phần lớn người Việt trở về từ Hoa Kỳ sẽ chọn đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh hơn Hà Nội vì giữa TP. Hồ Chí Minh và Hoa Kỳ có nhiều nét tương đồng.
Về lịch sử, trong khi châu Âu và Hà Nội đều có lịch sử hình thành trên 1.000 năm nên vẫn giữ nét cổ kính, nhịp sống chậm, cách sống ít cởi mở thì Hoa Kỳ và Sài Gòn có vẻ trẻ trung hơn, nhịp sống nhanh và mãnh liệt hơn. Hoa Kỳ là nơi hội tụ tinh hoa của thế giới với nhiều sắc dân nên còn gọi là Hiệp chủng quốc, cùng như Sài Gòn là nơi tập trung dân tứ xứ từ mọi miền đất nước nên nhiều người trong số họ trang bị một tinh thần “tha hương cầu thực” thích mạo hiểm và dễ chấp nhận cái mới. Một du khách nói giọng Nam ở Hà Nội rất dễ bị “chặt chém”… Còn ở Sài Gòn hầu như chúng ta không bị kỳ thị hay phân biệt khi nói giọng khác người Sài Gòn.
Có vẻ như nhờ sự tương đồng này mà nhiều người miền Nam thành công tại Hoa Kỳ phải không thưa ông?
Nói chung, cộng đồng người Việt đến Hoa Kỳ muộn hơn so với các cộng đồng khác như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines nhưng chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành tích đáng khích lệ. Ngoài sức mạnh về kinh tế như chúng ta thấy ở nam, bắc California hay Houston (Texas) thì trong khoa học kỹ thuật nhiều tên tuổi của người Việt cũng được vinh danh, đặc biệt là tại bắc Cali, nhiều bài báo tại vùng thung lũng điện tử hết lời ngợi ca và công nhận sự đóng góp của người Việt trong ngành điện tử vào những thập niên 1980, 1990. Gần đây một số khuôn mặt người Mỹ gốc Việt là nghị sĩ, dân biểu và trong quân đội có người mang quân hàm tướng. Sự cầu tiến và ý chí mãnh liệt từ một sứ mệnh “tha hương cầu thực” đã là động viên thúc đẩy họ phấn đấu không ngừng nghỉ để chỉ sau vài năm đầu khó khăn nơi xứ người thì hầu hết người Việt đều nằm trong nhóm thượng lưu và trung lưu, mà không bị lọt vào trong nhóm những người nghèo khổ như những sắc dân da màu khác. Nhưng dù giàu hay nghèo, khi bước qua khỏi dốc bên kia cuộc đời thì những người Việt ở nước ngoài đều muốn trở về đóng góp cho quê hương.
Thu hút người Việt ở nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương là một câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Gần đây ông có đề cập đến chuyện xây dựng dịch vụ du lịch y tế là một cách thu hút kiều bào trở về. Nhân đây ông nói rõ hơn về tiềm năng của dịch vụ này?
Tại các nước phát triển, ngành y tế chiếm một tỷ trọng rất nặng ký đối với tổng sản lượng quốc gia GDP. Theo những số liệu chính xác thì quốc hội Mỹ đã phê duyệt cho ngân sách y tế tài khoán của năm 2006 với một con số lên đến 2,2 ngàn tỉ USD. Người ta ước tính toàn ngành y tế của Mỹ sẽ chiếm đến 19,6% của GDP vào năm 2016, tăng vượt hơn 20% chỉ trong vòng mười năm. Chi phí trị bệnh ở Mỹ cũng rất đắt đỏ. Theo số liệu thống kê, chi phí cho một ca thay gan tại Mỹ là 300.000 USD, so với 91.000 USD tại Đài Loan, một ca mổ thay van tim ở Mỹ tốn ít nhất là 200.000 USD so với 10.000 USD tại Ấn Độ. Giải phẫu thẩm mỹ lại là một câu chuyện hấp dẫn khác, để có sống mũi “dọc dừa” hay cặp mắt “bồ câu” thường người ta phải chi trả ra ít nhất là 20.000 USD tại Mỹ thì tại các nước Trung Đông chỉ chưa đến 1.200 USD. Vì vậy, ngày càng nhiều người Mỹ ra nước ngoài chữa bệnh với giá phải chăng và hưởng dịch vụ như là một “ông hoàng du khách”.
Nhìn chung trong bức tranh tổng thể của du lịch y tế thế giới thì Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng nhưng tôi tin chúng ta cũng sẽ làm được điều này một cách ngoạn mục. Vì đất nước chúng ta không thiếu những nơi thích hợp, lý tưởng để xây bệnh viện theo xu hướng du lịch y tế. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi có một dãy duyên hải với nhiều bờ biển đẹp trải dài từ Bắc chí Nam như Lăng Cô (Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), rồi Đại Lãnh, Nha Trang, Cà Ná, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Sa Pa. Bệnh viện nếu có chính sách rõ ràng trong việc chiêu hiền đãi sĩ để mời được những vị bác sĩ tên tuổi cả trong lẫn ngoài nước thì thật là tuyệt vời cho hậu duệ. Nếu cho đây là một định hướng hợp lý với nhiều ưu điểm thì đất nước mới có cơ hội thu hút biết bao tài năng Việt kiều là bác sĩ, dược sĩ, y tá từ Âu Mỹ về chung tay. Chúng ta còn có thể tận dụng khả năng sinh ngữ của người Việt đang sống rải rác trên khắp năm châu để phục vụ cho các bệnh viện đa khoa, đa ngôn ngữ. Đó là niềm kỳ vọng của tôi và nhiều bạn bè, những người từng sống lang bạc, tha phương cầu thực, gom góp hành trang qua nhiều châu lục để làm thành cuốn sách của đời mình.
Trong bức tranh tổng thể của du lịch y tế thế giới thì Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng nhưng tôi tin chúng ta cũng sẽ làm được điều này một cách ngoạn mục. Vì đất nước chúng ta không thiếu những nơi thích hợp, lý tưởng để xây bệnh viện theo xu hướng du lịch y tế.
Cuốn sách đời ông có vẻ nhẹ nhàng và lạc quan khi ông thường xuất hiện với phong cách giản dị, tươi tắn và hay chọn sống gần thiên nhiên cỏ cây…
Tôi may mắn gặp nhiều quý nhân trong đời, họ cho tôi nhiều bài học về cách sống, cách đối nhân xử thế và biết trân trọng những giá trị mình đang có. Triết lý sống của vợ chồng tôi rất đơn giản, mình sống có người thương người ghét nhưng không ai dám coi khinh. Cùng với triết lý đó là đạo nghĩa vuông tròn, vuông là làm việc đâu ra đó, ngay hàng thẳng lối, còn tròn là sự ứng biến trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với từng đối tượng trong đối nhân xử thế.
Còn nhớ, trước khi ra nước ngoài, có một cụ già hơn 70 tuổi nói với tôi, lúc đó là một chàng trai 18, 19 tuổi: “Con phải sống sao mà khi con đến thì người ta cười, và khi con đi thì người ta khóc”. Câu nói này mãi về sau tôi mới nghiệm ra được cái triết lý sâu sắc cả nhân sinh quan và vũ trụ quan và triết lý này cũng là hành trang tôi mang theo đến hết cuộc đời.
Vuông là làm việc đâu ra đó, ngay hàng thẳng lối, còn tròn là sự ứng biến trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với từng đối tượng trong đối nhân xử thế.
Cảm ơn ông về những lời chia sẻ chân thành trên.
- Xuân Lộc thực hiện, Tranh Hoàng Tường
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần