Hơn 30 năm hành trình ròng rã đi tìm mộ người yêu – liệt sĩ của mình, nhà thơ, nhà giáo Chu Thị Linh Quang đã viết nên câu chuyện tình đẹp cho riêng mình khiến bao người ngưỡng mộ.
Ốc đảo tình yêu
Đi dọc vào phố Chùa Thông, tôi tìm đường vào nhà cô giáo Linh Quang, hỏi thăm người dân nơi đây, ai cũng có thể kể vanh vách chuyện tình đẹp của cô: “Bà ấy là giáo viên, làm thơ cảm động” – nói rồi một người bán hàng dẫn tôi vào trước cổng, cất tiếng gọi bà giáo già.
Bà giáo già niềm nở trò chuyện với khách bên ly trà nóng. Chồng thư cũ với nét chữ đã mờ theo thời gian – kỷ niệm với mối tình đầu và duy nhất của bà vẫn được giữ gìn cẩn thận. Đây là những gì còn lại về tình yêu duy nhất của bà cho tới tận bây giờ – tình yêu với liệt sĩ Đào Đức Định.
Ngược dòng thời gian, ngày ấy, hai người học chung Trường cấp hai Trung Hưng (Ba Vì), tình cảm học trò trong sáng và vô tư. Bà kể: “Cùng một nhóm học tập nên chúng tôi hay nói chuyện, gặp gỡ nhau, trao đổi bài vở, dần dần thì thích nhau. Ngày ấy còn nhỏ nên chỉ thích theo cảm tính thôi”. Tình yêu ấy cứ lớn lên dần theo thời gian, lớn lên cùng với những giỏ hoa lan cuối chiều, tiếng ghi-ta cao vút thanh thoát ngân trong giai điệu tình yêu.
Bà Chu Thị Linh Quang
Chưa gần nhau được bao lâu, anh lại lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh làm đơn xin nhập ngũ năm 1969. Thời gian gấp, anh phải đi ngay, chỉ kịp dặn dò đôi ba lời với cô, nếu chờ đợi lâu thì hãy tìm tình yêu khác cho riêng mình. Nhưng trong lòng cô gái ấy vẫn giữ trọn một niềm tin ngày đất nước hòa bình, thống nhất, anh sẽ quay về.
Dù ở trận địa hiểm nguy, anh vẫn tranh thủ từng phút để viết thư về cho Linh Quang. Tình yêu của họ cứ thế được nuôi dưỡng và gìn giữ qua những cánh thư. Có những lần nhận được tin đơn vị hành quân đi ngang qua, cô vui mừng ra đón từ rất sớm để mong có thể gặp người yêu một lần.
Bà kể, lời kể như sống lại trong ký ức thời đang yêu: “Hôm ấy, nhận được tin vui lắm, ra tới nơi gặp được anh, mặt anh vã mồ hôi, tôi lấy tay vuốt nhẹ gò má, rót cho anh bát nước. Bóng anh và mây trời in trong bát nước chè xanh sóng sánh vàng, tự nhiên lúc đó lòng thấy rung động lãng mạn lắm. Chỉ biết động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc”.
“Tôi nhớ năm 1971, khoảng đầu tháng 6, vào một buổi trưa tôi gặp một cơn ác mộng, một chiếc xe com măng ca đỗ trước cửa. Một người mặc quân phục, đeo xà cột chạy vào nhà tôi, anh đưa cho tôi một tờ giấy đánh máy có ba chữ Giấy báo tử. Bên cạnh là dòng chữ tên người bạn trai thân thiết nhất của tôi. Tôi òa lên khóc và chạy ra ngoài trời, trời mưa to lắm tôi cứ chạy, chạy mãi, nước mắt hòa lẫn trong mưa”.
Giấc mộng này sau đó đã thành hiện thực và khi cầm giấy báo tử của liệt sĩ Đào Đức Định trên tay, cô òa khóc. Cuộc đoàn tụ mong chờ đã không diễn ra nhưng cô vẫn nuôi niềm hy vọng là anh còn sống và nhất định sẽ trở về.
Món quà nhận được
Mặc dù không có tin tức về phần mộ của người yêu, nhưng hơn 30 năm qua, bà vẫn cùng gia đình đi tìm khắp các chiến trường, có khi sang cả nghĩa trang liệt sĩ ở Tà Khẹt và Luông Pha Băng để tìm mộ bằng số tiền ít ỏi dành dụm được. Gặp rất nhiều khó khăn, bà vẫn quyết tâm đi tìm bằng được hài cốt của người yêu. Tình yêu của bà khiến bao người ngưỡng mộ.
Bà chia sẻ: “Ngày ấy có nhiều người ngỏ lời yêu, nhưng tôi đều từ chối vì mình đã hứa là sẽ đợi anh ấy về nên cứ đợi mãi thôi. Tình đầu là kỷ niệm sâu sắc nhất, cuộc sống ai cũng muốn giữ lại cho riêng mình một điều gì đó, còn với tôi xin giữ lại mối tình này như ốc đảo tình yêu vậy”.
Những ngày cuối tuần, cô vẫn ra thăm ngôi mộ gió của liệt sĩ Đào Đức Định, đâu đó trong không gian ngân lên dòng thương nhớ tha thiết: “Anh người chiến sĩ/ Đã anh dũng hy sinh/ Không hài cốt…/ Không…/ Không tìm… thấy xác…/ Tan nát trong em/ Mong manh trong hy vọng/Em vẫn đợi/ Vẫn đợi anh về…”.
Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cô sinh viên trẻ Linh Quang xin về dạy văn ở Trường THPT Tùng Thiện, sau này chuyển sang Trường THPT Sơn Tây, gắn bó với sự nghiệp giáo dục suốt 30 năm.
Vừa dạy chữ, vừa rèn người, tất cả tình yêu thương bà dành cho học trò như chính con của mình vậy. Bà tâm sự: “Nhiều lúc học trò làm mình phát khóc, tưởng như không thể trị nổi, nhưng thiết nghĩ học trò cũng như con mình vậy, “con dại cái mang”, phải nghĩ cách dạy dỗ nên người thành tài”.
Sau những giờ học, bà thường đến thăm học trò của mình, có khi cùng đi vác mía thuê, cùng ăn sắn luộc, sinh hoạt như một gia đình vậy.
Bà kể lại: “Có lần đến thăm tụi học trò gần đó, vào bữa cơm nhìn thấy rổ rau sắn và bát muối ớt, bảy tám đứa ngồi ăn thương lắm, mình cũng vào ngồi luôn cùng tụi nó, cùng ăn mới hiểu cuộc sống thường ngày của chúng như thế nào”.
Chính từ tình yêu thương của bà, mà đến nay bao thế hệ học trò đã thành đạt nên người, về thăm cô giáo lần nào họ cũng ùa vào lòng mà gọi vang hai tiếng: “Bầm ơi”. Đó chính là món quà lớn nhất mà bà nhận được từ cuộc sống này.
Và sau những bộn bề, âu lo của cuộc sống, bà lại trở về với chính tâm hồn mình, chọn thơ để ký gửi cảm xúc, bà nói: “Viết để giải phóng cảm xúc”. Thơ Linh Quang tràn đầy xúc cảm, có cả ngây thơ và cả sự sâu xa từng trải:
“Em sẽ đi thẳng vào cơn giông
Đón bình yên cồn cào trong mắt bão
Nghe sóng gió ruỗi mình trong huyền ảo
Cùng khát khao vỗ cánh tới chân trời”
(Trích trong bài “Phía chân trời”).
Với những cố gắng và cống hiến của mình, cô giáo Chu Thị Linh Quang đã vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, giải Nhất cuộc thi Thơ năm 1995-1996 do Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây (cũ) tổ chức. Hiện nay cô đã xuất bản 4 tập thơ: “Sinh nhật”, “Tiếng hát gọi mặt trời”, “Thông điệp xanh” và “Thường nhật”.
Tài Linh
Theo Báo Năng Lượng Mới / Petrotimes.vn