Không còn là câu nói xưa bị chê cười (không rõ có từ bao giờ) như “Ở bẩn sống lâu”, hoặc “Tôi đây dân tộc cần cù – Thịt rơi dưới đất, thổi phù lại xơi”…
Bây giờ thì vậy thật rồi.
Bà bác mắc bệnh… sạch. Ai đến chơi bà cũng nói đùa: “Báo cáo cán bộ, sở dĩ em luôn chấp hành pháp luật tốt, chỉ vì cứ nghĩ lỡ… vào tù, không được tắm một ngày là… đủ chết, khỏi cần giam cầm đánh đập. Em xin khai hết ngay ạ”.
Nói vậy bởi sự thật hoàn toàn đúng thế. Bà ấy sạch một cách vô lý và tốn kém. Tắm là phải một tiếng đồng hồ trở lên. Tòa nhà mấy lầu mà ngày nào cũng phải lau trên xuống sạch bóng, quét cái hẻm lá rụng nữa là hết buổi sáng.
Có khách đến, lỡ ngồi lên giường của bà, người ta chưa ra khuất đã thấy bà… rũ chăn chiếu. Thật không biết lịch sự là gì.
Một buổi tối có việc đến nhà bà con, thấy bà… đội cái nón lá. Hỏi sao trời tối mà đội nón, có bị khùng không thì bà nói, đội cho chắc ăn, ông xích lô chở bà vừa đi vừa hỏi chuyện, lỡ… bắn nước bọt vào đầu phải gội đầu thì sao! Nghe cứ như chuyện tấu hài hư cấu, nhưng mà có thật hẳn hoi. Chồng con cũng khổ lây, chẳng hạn bị cấm hẳn không bao giờ cho ăn bánh mì, chỉ vì “đánh rơi vụn bánh tùm lum mất công lau quét”.
Ai phê phán thì bà nói, sạch sẽ là mẹ sức khỏe. Câu này nghe truyền từ khi… Tây mới sang Việt Nam. Tây họ văn minh, chẳng lẽ không đúng?
Thế mà, đùng một cái, đài “của Tây” hẳn hoi đưa tin thế này: “Ở sạch mau chết”. Lý do họ đưa có chứng cứ hẳn hoi. Các nhà khoa học thấy hiện tượng lạ là dân châu Âu ven các con sông sạch sẽ như mơ, trong xanh kiểu Danube một dạo bị dịch bệnh, trong khi dân ở sông Hằng có tục ném người chết hoặc hỏa táng vứt tro xuống sông thì lại thoát bệnh dịch.
Các nhà khoa học mới kết luận có loại thực khuẩn gì đó, có hẳn tên khoa học là bacteriophages, có người gọi là virus Ninja, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Chưa hết, mang cái tin báo đăng chính thức này nữa đến kể bà ấy nghe cho chết ngất: Phát hiện kháng sinh mạnh từ… giòi. Không phải chuyện đùa đâu. Người ta tìm thấy có loại kháng sinh mạnh. Mà loài người thì đang run sợ vì dùng thuốc ẩu tràn lan, bây giờ vi khuẩn cười nhạo kháng thuốc. Loài người có nguy cơ trở lại giai đoạn đen tối trước đây khi chưa có kháng sinh.
Vậy là, con giòi có thể đem lại hy vọng tìm ra kháng sinh mới. Ừ kể cũng có lý. Chứ không thì tại sao nó “ở bẩn nhất” như vậy lại sống khỏe mà không ốm đau, không tiêu chảy chết? Nó phải có sức mạnh. Nhưng mà nghe… ghê quá.
Phải “lên lớp” cho bà bác mới được. Cái gì cũng phải có mức độ. Cơ thể cũng phải tập tành, làm quen. Cứ mỗi mùa đông lên các tỉnh miền núi mà xem, hay là về vùng quê nghèo cũng vậy. Con nhà thành phố nào khăn nào vớ, áo bông mũ len khăn quấn xanh đỏ như cục bông biết đi mà ho khù khụ, hơi chút là viêm họng. Trong khi lũ trẻ ở đó có đứa cởi truồng chân đất, mặt mũi nhem nhuốc, mà chẳng làm sao cả. Là vì chúng được rèn luyện rồi.
Nói vậy, hóa ra “văn minh vứt đi” à? Sạch sẽ vệ sinh chẳng đúng sao? Người ta sản xuất ra xà bông để làm gì?
Thì giống như cậu Hai đó, đi du học mấy năm, bây giờ về nước đâu có ăn được… bún mắm ào ào như ngày xưa? Hở chút là đau bụng. Hỏi “ở bển” ăn gì, kể ra toàn là táo nho sạch, bơ sữa, rau thịt, cái gì cũng sạch hết. Về nước đi ăn quà rong ngoài phố là… chết ngay.
Thấy chưa, nước nhà đầy hóa chất, cái gì cũng tẩm độc, bà con ăn hoài riết phải chịu, chỉ đến khi phát hiện… ung thư nhất thế giới mới chịu thua trắng tay. Chứ biết làm sao? Hy vọng mai sau từ con giòi, hay con gì ghê tởm hơn, con gián hay muỗi hay chuột chẳng hạn, có thể cứu chúng ta khi lâm nguy?
Trong khi chờ đợi, hãy cứ… tà tà thôi, đừng có sạch sẽ quá như bà bác ấy, không gì cứu nổi nếu không có thật nhiều tiền để chữa bệnh.
- Quảng Yên
Nguồn: Doanh Nhân Sai Gòn cuối tuần