Theo số liệu thống kê của chính ngành sản xuất nước ngọt, năm 2014, mỗi người Việt đã tiêu thụ trung bình 23 lít nước giải khát công nghiệp và con số này dự báo sẽ ngày càng tăng theo thời gian bởi sự tiện lợi và dễ làm thỏa mãn khẩu vị của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ của nước ngọt.

Hại hơn lợi

Trong đó, không thể không kể đến 2 tên tuổi lớn là Coca-Cola, Pepsi với không ít loại nước ngọt có ga làm “mê hoặc” giới trẻ. Cùng chính thức có mặt và kinh doanh ở Việt Nam hơn 20 năm, với doanh thu tăng từ 728 tỉ đồng vào năm 2004 lên đến 2.592 tỉ đồng vào năm 2010, gấp khoảng 3,5 lần so với ban đầu như Coca-Cola. Điều đó cho thấy, sức tiêu thụ của loại nước ngọt này như thế nào ở Việt Nam.

Trong bất kỳ một bữa tiệc tùng nào từ trong nhà ra đến ngoài các quán ăn, nhà hàng, những loại nước ngọt có ga dường như không thể thiếu, giống như một món ăn khoái khẩu luôn được ấn định trong bữa tiệc và nó được coi là sở thích của nhiều người, nhất là phụ nữ và trẻ em, theo các chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng lại hại hơn lợi.

Bởi các thành phần có trong nước ngọt nói chung và có ga nói riêng hầu hết đều là nhân tạo chứ không phải nguyên liệu tự nhiên. Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội giải thích rõ, bất cứ nước giải khát nào cũng đều có chỉ tiêu để đánh giá, màu sắc, mùi, vị, trạng thái…

Thế nhưng các loại nước giải khát pha chế do không có trong tự nhiên nên người ta dùng các chất khác nhau để tạo nên 4 chỉ tiêu đó. Ví dụ nước cam từ hóa chất thì dùng chất phụ gia tạo màu cam, mùi cam, vị chua ngọt cũng của cam và trạng thái nước cam có tép… nghĩa là các nhà sản xuất đã mô phỏng các vị trong tự nhiên để chế biến ra nước giải khát nhờ các hóa chất, phụ gia, sau đó bán ra thị trường.

Các chuyên gia thực phẩm đã đúc kết, đối với chất tạo màu và vị, phần lớn các nhà sản xuất dùng đường hóa học thay vì đường tự nhiên, dùng axit – axit citric cùng các chất tartaric, phosphoric… để chế biến. Còn bản chất của ga trong nước uống chính là CO2, có tác dụng bảo vệ cho nước không bị vi sinh vật phát triển, ức chế hoạt động của chúng với tư cách như một chất bảo quản.

nuoc ngot co ga khoai khau chet nguoi
Nước ngọt được bày bán tại một siêu thị

Thí nghiệm xong thôi không dám uống

Một tạp chí khoa học của Mỹ đã viết về đồ uống có ga như thế này: “Bạn đã bao giờ thử cho một miếng bít tết vào trong một bát nước Coca-Cola chưa? Nếu chưa thì hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên vì nó sẽ biến mất sau 2 ngày, mà không phải do chuột hay bất cứ con động vật nào ăn vụng. Nếu nhà bạn hết nước tẩy rửa toa-lét, bạn thử đổ lon Coca-Cola vào và ngâm trong 1 tiếng, sau đó xả nước. Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi bồn cầu đã trắng sáng như mới. Nguyên nhân là do axit citric trong Coca Cola đã tẩy rửa mọi vết bẩn ở bồn cầu làm bằng sứ.

Một ví dụ khác, nếu bạn muốn loại bỏ mỡ khỏi quần áo, hãy đổ một lon Coca vào chỗ quần áo dính mỡ và cho xà phòng vào, nhấn nút chạy cho máy giặt như bình thường. Nó sẽ giúp loại bỏ vết mỡ bẩn. Nhiều bang ở nước Mỹ, khi cảnh sát đi tuần tra trên đường cao tốc luôn có 2 gallon, tức là khoảng gần 8 lít Coca Cola trong xe tải để tẩy rửa máu trên đường cao tốc sau một vụ tai nạn xe hơi. Đáng sợ hơn nếu ta để một cục xương vào bát đựng Coca-Cala thì cục xương sẽ tan rã trong hai ngày”. Tạp chí này kết luận: “Nếu dùng nhiều (mỗi lần) hoặc thường xuyên trong một thời gian dài thì nước ngọt có ga không còn là đồ uống giải khát mà là một liều thuốc độc, hủy hoại dần cơ thể chúng ta”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh thì khẳng định với báo giới: Ngay cả đường mía uống vào cũng không tốt cho sức khỏe thì những chất tạo ngọt, hương vị chuyên để sử dụng sản xuất nước ngọt chắc chắn còn gây tác hại lớn hơn bởi các chất tạo ngọt không sinh năng lượng, hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng, ngược lại còn làm cho gan, thận… yếu đi do bị tích độc.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thành phần của nước ngọt chủ yếu là đường, bao gồm đường đôi và đường đơn (loại đường cung cấp năng lượng nhanh như glucose, fructose, sucrose, lactose). Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ quá nhiều đường đôi, đường đơn hằng ngày không tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, uống quá nhiều nước ngọt, tức là tiêu thụ quá mức đường đơn, đường đôi sẽ có hại.

Cảnh báo của y học

Một người trường thành nhu cầu tiêu thụ là 2.000 calo/ngày, 5% tức là 100 calo, quy đổi ra là 25g đường đơn, đường đôi đến từ bánh kẹo, nước ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn khác như tương cà, tương ớt ngọt…. Vậy mỗi ngày cơ thể của con người chỉ được phép tiêu thụ 25g đường đôi, đường đơn. Một khi chúng ta tiêu thụ quá mức khuyến cáo này, cơ thể sẽ bị tăng đường huyết rất nhanh. Nếu có thể đáp ứng được, nó sẽ cất lượng đường này trong cơ thể, dưới dạng chất béo. Tức là sẽ gây đọng mỡ ở vùng eo, là yếu tố gây tăng cân.

Nếu lượng đường vượt ngoài sự điều hòa của cơ thể, chúng ta sẽ gặp phải tình trạng rối loạn dung nạp đường máu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa gluco. Đây là dấu hiệu của tiền đái tháo đường. Hay nước ngọt có ga làm hỏng răng, nhất là đối với trẻ em khi các em thường hay có thói quen ngậm nước ngọt trong miệng, tức là chân răng bị ngâm trong môi trường axit, gây hại cấu trúc răng. Các nhà thực phẩm còn cho rằng, nước ngọt có ga do chứa phosphoric, khi hấp thu nhiều vào cơ thể sẽ làm suy giảm chất vôi trong xương, lâu ngày sẽ gây loãng xương, xương xốp và dễ gãy…

Tuy nhiên, nguy cơ nguy hiểm nhất khi uống nước ngọt, đặc biệt là loại nước có ga chính là khả năng mắc bệnh ung thư cao. Theo các nhà y khoa thì chất methylmadizole có trong nước ngọt là chất gây ung thư. Chưa kể đến, đường có trong nước ngọt giải phóng ra insulin là một chất nuôi dưỡng các khối u, tế bào ung thư.

Isabel Drake, một nhà nghiên cứu tại Đại học Lund, Thụy Điển cũng cho biết, những người uống nhiều nước ngọt có ga sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 40% so với bình thường. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention, Mỹ thì khẳng định những phụ nữ mãn kinh “ghiền” thức uống ngọt có nhiều nguy cơ phát triển thể ung thư tử cung, được gọi là ung thư nội mạc tử cung tuýp 1 phụ thuộc vào estrogen.

Nói chung, ngẫm lại uống nước ngọt có ga thay vì có lợi chỉ thấy có hại nhiều hơn, nhất là khi lượng nước ngọt được nạp vào cơ thể mỗi ngày. Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ đã công bố, uống một lon (hoặc chai) đều đặn thì nguy cơ mắc bệnh tăng gấp nhiều lần so với những người không uống nước ngọt có ga. Bởi vậy, chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm cho rằng, hạn chế tối đa uống nước ngọt có ga.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Chúng ta nên giảm bớt các loại nước pha chế giả tự nhiên mà nên uống chất tự nhiên, cam vắt, nước chè, nước chanh… Vì không những nó không bổ dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguồn: Năng lượng Mới 530
http://petrotimes.vn/nuoc-ngot-co-ga-khoai-khau-chet-nguoi-434126.html
Bệnh viện Hạnh Phúc