Con gái học… cơ khí
Lớn lên ở vùng nông thôn Xuân Phương (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Dương Thị Thảo luôn mong muốn được thỏa sức sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học. Trên hành trình chinh phục ước mơ, Thảo đã luôn chăm chỉ, cố gắng và nỗ lực hết mình để rồi năm 2017 thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Khoa Cơ khí.
“Ban đầu, em cũng có chút lo lắng vì trong lớp đa phần là các bạn nam, nhiều bạn có điểm thi đầu vào rất cao. Tuy nhiên, em nhanh chóng thích nghi, dần quen với môi trường học tập, rèn luyện và bị cuốn hút bởi nền nếp học tập nghiêm túc, những bài giảng chuyên sâu cũng như các hoạt động phong trào sôi nổi của khoa và nhà trường”, Thảo cho biết.
Không ít bạn trẻ cho rằng, con gái không nên học cơ khí vì ngành học khá vất vả, nặng nhọc, phải làm việc với máy móc cồng kềnh. Nhưng thực tế, hiện nay lĩnh vực cơ khí có mức độ tự động hóa cao, nhiều máy móc tiên tiến, hiện đại. Người kỹ sư có thể hoàn toàn chủ động tính toán, thiết kế, điều khiển, vận hành quá trình sản xuất từ xa thông qua máy tính. Môi trường làm việc an toàn, thân thiện, sử dụng chất xám là chính.
“Nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội thực hành, thí nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Tuy nhiên, trong quá trình học tập em cũng gặp không ít khó khăn như chương trình học có các môn về xưởng rèn, phay, tiện, bào… đối với nữ giới sẽ vất vả hơn các bạn nam. Vậy nên, em cần nỗ lực nhiều hơn, chịu khó lắng nghe bài giảng và học hỏi thêm từ bạn bè, thầy cô” – Dương Thị Thảo chia sẻ.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, Thảo đã có cơ hội thể hiện đam mê và tài năng thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học. Với Đề tài “Hệ thống điện mặt trời thông minh”, Thảo và các bạn tập trung giải quyết một trong những vấn đề nan giải mà cả thế giới đều quan tâm là ô nhiễm môi trường và phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái do các nhà máy thủy điện, nhiệt điện gây ra.
Hệ thống còn có thêm tính năng thông minh điều chỉnh hướng để thu được nhiều ánh sáng nhất qua đó tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, ít phải bảo dưỡng và không gây tiếng ồn…
Đặc biệt khi Covid-19 diễn biến phức tạp, Thảo đã cùng nhóm nghiên cứu tiến hành chế tạo thiết bị đo thân nhiệt kết hợp máy rửa tay sát khuẩn tự động nhằm phục vụ cho công tác phòng dịch. Máy do nhóm thiết kế đã được tặng cho hơn 30 trường THPT trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Khát khao khẳng định
Theo đuổi một chuyên ngành không hề dễ dàng đối với nữ giới, Thảo chia sẻ: Nghiên cứu khoa học và khát khao sáng tạo đã thôi thúc bản thân em phải nghiêm túc rèn luyện, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và các kỹ năng cần thiết.
Bắt tay vào triển khai nghiên cứu một đề tài ứng dụng, em và các bạn trong nhóm đã cùng nhau tìm hiểu, tính toán, vận hành, thử nghiệm… Để từ đó, các đề tài đều được đánh giá kết quả tốt, có tính thiết thực và ứng dụng cao. Đối với em, mỗi đề tài, mỗi cuộc thi không chỉ là một lần thử thách bản thân, mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ mà qua đó em đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Luôn dẫn đầu trong học tập và nghiên cứu, Thảo cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua của khoa, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện cũng như công tác xã hội của trường. Với nỗ lực không mệt mỏi trong suốt 4 năm học, Thảo liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc với điểm trung bình là 3,66; Đạt học bổng các kỳ (trong đó có bốn kỳ xuất sắc và hai kỳ giỏi); Học bổng Tài năng Việt…
Từ những thành tích và đóng góp của mình, tháng 8 vừa qua, Thảo đã vinh dự được kết nạp Ðảng tại Chi bộ Phòng Công tác Học sinh, Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên).
PGS.TS Dương Phạm Tường Minh – Trưởng khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) – khẳng định: Kỹ thuật Cơ điện tử là ngành học mang tính liên ngành cao, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn trọng trong từng chi tiết. Chắc chắn đây sẽ là một trong những ngành nghề được nhiều bạn trẻ yêu thích với cơ hội rộng mở.
Sự nỗ lực, cố gắng trong học tập, nghiên cứu của Dương Thị Thảo đã gặt hái được những trái ngọt đầu tiên. Đó là cách để đền đáp niềm tin, kỳ vọng của mẹ cha, thầy, cô và cũng vì tương lai của chính mình. Thảo tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi lớn không chỉ là niềm tự hào của cá nhân, mà còn là đòn bẩy để cao nâng vị thế của Khoa Cơ khí nói riêng và nhà trường nói chung.