Học phi công ở tuổi 26, diễn viên Diệu Thuý xem đây như một canh bạc nhiều rủi ro, nhưng cơ hội chỉ một lần, cô quyết nắm lấy.
Nguyễn Trần Diệu Thúy, 29 tuổi hiện là nữ phi công duy nhất trong một hãng hàng không mới mở của Việt Nam. Trước đó cô từ bỏ cơ hội lái máy bay tư nhân ở Pháp để về Việt Nam theo đuổi mục tiêu lái máy bay thương mại, điều đó đồng nghĩa với việc cô và người chồng mới cưới – hiện kinh doanh ở Pháp – sẽ có rất ít thời gian bên nhau.
Diệu Thúy sau chuyến bay chiều 16/4. Ảnh: NVC
5 năm trước, Diệu Thúy là diễn viên quen thuộc trong các bộ phim truyền hình như Dốc sương mù, Huyền thoại 1C, Những mảnh đời giông bão, Đồng tiền đen… Năm 2013, cô nghe theo lời cha mẹ, rút lui khỏi sự nghiệp diễn để trở thành kỹ sư an toàn tại một công ty nội thất ở Bình Dương.
Sau 6 tháng trong guồng quay sáng đi tối về, hầu như không có thời gian nghỉ, Thúy chợt nghĩ đến một công việc vừa làm, vừa được đi du lịch. Gửi hồ sơ “chơi” vào một hãng hàng không của UAE, không ngờ một tuần sau cô được gọi đi phỏng vấn và ngay sau đó trúng tuyển. Cô gái Việt 24 tuổi trở thành tiếp viên cho hãng hàng không Etihad Airways và được thực hiện ước mơ đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới, được rèn tiếng Anh mà cô đã âm thầm học nhiều năm qua.
Công việc có thể là lý tưởng, nhưng với cô gái Quảng Trị, đây chưa phải là điểm dừng.
Diệu Thúy (ở giữa, hàng đầu tiên) với các đồng nghiệp ở hãng hàng không của UAE. Ảnh: NVCC
Hãng bay cho nhân viên mới vào buồng lái xem phi công cất cánh, hạ cánh. Sau mấy buổi quan sát, cô tự hỏi, rồi tự giải thích nguyên lý hoạt động của máy bay. Trong khi cơ trưởng gật gù “đúng rồi”, thì cơ phó ngạc nhiên vì một tiếp viên có thể hiểu được các thiết bị trong khoang lái. Người này đưa cho Thúy tờ kế hoạch bay. “Nhìn vào các con số tôi hỏi đây có phải là thời gian bay và xăng dầu tiêu tốn không, bác ấy cười nói ‘Bé này có tố chất đấy. Đã bao giờ muốn làm phi công chưa?”.
Giây phút đó Thúy lưỡng lự. Câu hỏi quá đột ngột. Cô không dám nghĩ đến vì mình là phụ nữ. Cô cũng không có tiền để học phi công. “Không việc gì phải ngại. Con gái tôi cũng đang học phi công, tôi rất ủng hộ”, vị cơ trưởng khích lệ.
Câu nói vô tình gợi nên khát khao cháy bỏng trong lòng cô. Từ đó, Thúy ấp ủ kế hoạch trở thành phi công. Để chinh phục mục tiêu này, trước tiên Thúy phải tích lũy tài chính, mỗi tháng cô để dành ra 3.000 – 3.500 đôla, phần lớn số lương của mình.
Tháng 6/2016, có trong tay 2,5 tỷ đồng từ tiền tiết kiệm sau 2,5 năm làm tiếp viên và phần nhỏ từ thời làm diễn viên, Thúy về nước thực hiện ước mơ – cũng là canh bạc đầy rủi ro ở lứa tuổi không còn trẻ này.
Nhiều bạn bè tỏ ra lo lắng biết cô đi học phi công tuổi 26. Bản thân cô cũng bao lần trăn trở: “26 tuổi liệu tôi còn đủ trí thông minh, sức khoẻ, sự kiên trì để học không, đó là điều tôi suy nghĩ nhiều nhất”, Thuý bộc bạch.
Song cơ hội chỉ có một lần, không nắm bắt bây giờ thì không bao giờ có thể làm nữa. Hè năm đó, Diệu Thúy vượt qua vòng thi để tham gia khóa học lý thuyết vận tải hàng không tại Trường Phi công Bay Việt trong 6 tháng. Đây là khoảng thời gian khó khăn khi cô phải học lượng kiến thức khổng lồ, mới và phức tạp.
“Có một môn thầy người Pháp cho công thức tính quãng đường bằng tay. Tôi lười học công thức dài nên đã áp dụng lượng giác cấp ba vào chế ra công thức riêng, không chính xác từng con số như của thầy nhưng kết quả chênh lệch không cao. Ai dè đến lúc thi, thầy lấy công thức của tôi tính ra đáp án và trộn lẫn cùng một đáp án sai khác để cho ra một đáp án đúng. Nghĩa là thầy biết tôi tự tin nên đã dùng chiêu gậy ông đập lưng ông. Thế là tôi rớt”, Thuý kể. Tai nạn nhớ đời khiến cô học được không được quá tự tin về bản thân.
Song với kết quả của mình, Thúy vẫn là một trong số ít học viên ở khóa này được nhà trường đánh giá cao.
Chồng Thuý, anh Antoine Aubry, 32 tuổi, thi thoảng tới thăm Diệu Thúy ở Mỹ thời họ còn yêu nhau. Ảnh: NVCC
Ba tháng sau, Diệu Thúy sang Mỹ học thực hành, đây lại là giai đoạn gian nan nữa với cô, đặc biệt về kinh tế. “Tôi đã tính toán và chuẩn bị số tiền tối thiểu cho khoá học, đảm bảo rằng học môn nào phải đậu môn ấy”, Thuý nói.
Tháng 7/2017, cô mới được đi bay sau những đợt mưa bão dài ngày. Mỗi giờ, mỗi phút nằm nhà trong hai tháng chờ bay là thời gian Thuý sốt ruột vì lại thêm một ngày vô ích phải tiêu tiền, trong khi đang phải chắt chiu từng đồng.
“Trong bằng bay đầu tiên tôi được xếp tới 2 thầy không có kinh nghiệm. Có những bài bay khó quá, dù thầy giảng lại tôi vẫn không hiểu, khiến tôi bị khủng hoảng, nghi ngờ khả năng tiếp nhận kiến thức của bản thân. Các thầy không tin tưởng, không cho tôi hạ cánh. Cứ đến lúc tôi chuẩn bị hạ thì thầy cầm cần lái để chỉnh. Tôi bay 2 tháng chỉ có 20 lần được hạ cánh vào sổ bay, trong khi các bạn đã có vài trăm lần. Tôi không thể chấp nhận được”, Thúy nói. Trong khi mỗi bài bay cô phải chi hàng trăm đôla thuê thầy, thuê sân…
Cô học viên người Việt quyết định gặp thẳng hiệu trưởng, dùng lời lẽ cứng rắn để thương thảo. Cuối cùng cô được đổi sang giáo viên giỏi nhất. Được học với thầy tốt, Thuý được chỉnh những thiếu sót và nhanh chóng cải thiện kỹ năng. Lấy thành công bằng bay thứ nhất, cô tiếp tục “bám” người thầy này cho đến lúc nhận được 2 bằng bay khác.
Sự chăm chỉ của Thuý được bù đắp, cô đã hoàn thành khoá thực hành bay trong 9 tháng, thay vì 12 tháng như dự định và lúc này thậm chí còn thừa một chút tiền.
“Tôi học 9 tháng là vì tôi cố gắng, chăm chỉ chứ không phải vì giỏi. Những tháng lấy được bằng máy bay thương mại, tôi đăng ký bay 4 chuyến/ngày để cải thiện kỹ năng và không quên bài”, Thúy nói thêm.
Thúy trong một lần huấn luyện cùng với thầy của mình. Số tiền cô đầu tư cho học phi công khoảng 2,5 tỷ đồng. Ảnh: NVCC
Sau đó, Thúy tiếp tục 3 tháng lấy thêm các bằng tại Việt Nam và châu Âu, trước khi trở thành phi công máy bay thương mại đầu năm 2019. Diệu Thúy đặt mục tiêu đến tuổi về hưu sẽ là một phi công có hàng chục nghìn giờ bay an toàn. Với cô đó là tài sản vô giá.
“Tôi rất khâm phục Thúy vì cô ấy xuất thân từ showbiz, một môi trường nếu không có chí hướng, lý trí thường dễ bị cuốn vào đó, khó có thể theo đuổi hành trình trở thành phi công khó khăn, gian khổ. Mặc dù sau này làm tiếp viên hàng không cho một hãng hàng đầu thế giới, nhưng với cô ấy thời gian đó chỉ là tích lũy tiền để trở thành phi công”, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên – Giám đốc Trường Phi công Bay Việt cho biết.
Mới ngày nào cô học viên còn nói với vị cơ trưởng có thâm niên 38 năm: “Khi cháu bước chân vào buồng máy bay, rẽ phải là đi xuống buồng khách, rẽ trái là đi lên buồng lái. Cháu muốn đi lên buồng lái”.
Giờ thì mỗi lúc lên máy bay A320, Nguyễn Trần Diệu Thúy luôn rẽ trái. Toàn Việt Nam hiện có khoảng 20 nữ phi công như cô.
Phan Dương