Sự dịch chuyển đầu tư nhà máy sản xuất từ các nước sang Việt Nam đang kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao.

Nhu cầu cao

Năm 2014, nhu cầu về nhân sự cấp trung và cấp cao cho khối sản xuất đặt hàng cho công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search đã vươn lên thay thế vị trí đứng đầu của khối thương mại trong nhiều năm trước đó. Đặc biệt trong quí 4-2014, nhu cầu nhân sự của lĩnh vực sản xuất tăng mạnh, chiếm đến 27% so với 17% của quí 2 và quí 3.

Nhân viên Công ty FPT trong giờ làm việc. Ảnh: THÁI NGỌC
Nhân viên Công ty FPT trong giờ làm việc. Ảnh: THÁI NGỌC

Sau khi mua lại mảng thiết bị di động của Nokia, năm 2015 này Microsoft có nhu cầu tuyển 15.000 người làm việc trong các nhà máy sản xuất điện thoại chuyển từ Trung Quốc, Mexico, Hungary sang Việt Nam. Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết Việt Nam đang trở thành nơi có lực lượng lao động cho Microsoft đông nhất ngoài nước Mỹ.

Tập đoàn Samsung hiện có nhà máy tại TPHCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên và liên tục công bố các kế hoạch đầu tư để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam cũng đang ở vị trí số 1 trong tầm ngắm đặt nhà máy sản xuất ở nước ngoài, vượt trên cả Trung Quốc.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc khu vực phía Nam của Navigos Search, cho biết trong năm 2014, Navigos Search phía Nam đã cung cấp hơn 100 vị trí công việc cao cấp cho các nhà máy tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… Mức lương trả cho các vị trí này dao động từ 4.000-12.000 đô la Mỹ/tháng. Về nhân sự trung cấp cho khối sản xuất, công ty cung cấp hàng trăm người, mức lương họ được trả từ 1.000-4.000 đô la Mỹ/tháng.

Nhu cầu lớn nhưng không phải lúc nào nhân sự Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Bà Mai kể cách đây chừng một tháng, một doanh nghiệp của Nhật tuyển vị trí giám đốc và các vị trí chủ chốt khác cho một nhà máy sắp đi vào hoạt động tại Bình Dương. Tuy nhiên, vị trí giám đốc không tìm ra nhân sự đáp ứng yêu cầu nên doanh nghiệp phải đưa người từ nước ngoài sang làm việc và đang có kế hoạch đào tạo cấp dưới là người Việt Nam trong vòng hai năm để thay thế.

Bốn lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nhiều nhất thông qua Navigos Search:- Quí 3-2014: sản xuất chiếm 17%; công nghệ thông tin 15%; dệt may – da giày 10%, ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ 9%.

– Quí 4-2014: sản xuất 27%; ngành hàng tiêu dùng 17%; công nghệ thông tin 13%; tài chính – ngân hàng – bảo hiểm chiếm 9%.

Trong cả 4 quí của năm 2014, nhu cầu của khối sản xuất luôn chiếm vị trí số 1: quí 1 chiếm 22%; quí 2 chiếm 17%, quí 3 chiếm 17%, quí 4 chiếm 27%.

Trong báo cáo quí 4-2014 về tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc điều hành của Navigos Search tại Việt Nam, cho biết đơn vị này không tuyển đủ kỹ sư và quản lý cấp cao cho các dự án Microsoft Mobile của Microsoft Việt Nam và dự án Samsung Display của Samsung Việt Nam.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao của Talentnet, cũng chia sẻ năm 2014, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cho các doanh nghiệp sản xuất vốn FDI tăng mạnh, ước tính gần 30% so với những năm trước đó. Những vị trí được tuyển dụng nhiều có giám đốc nhà máy, giám đốc sản xuất, giám đốc bảo trì, kỹ sư cao cấp…

Theo bà Phương, nhu cầu tuyển dụng ở lĩnh vực sản xuất là nhu cầu thật, nhân sự làm việc có độ ổn định. Còn ở lĩnh vực thương mại, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng nhưng là tăng ảo do đặc tính “nhảy việc” của nhân sự trong lĩnh vực này.

Có chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng

Cả bà Vân Anh và bà Quỳnh Phương đều cho rằng lao động trung và cao cấp của Việt Nam có chuyên môn tốt, học hỏi nhanh, nhưng yếu về ngoại ngữ, về tính hệ thống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, giải quyết vấn đề. Ở những vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, nhân sự người Việt còn thiếu những người có khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc.

Các doanh nghiệp Mỹ hay các nước châu Âu còn chú trọng tính chủ động, sự sáng tạo của cá nhân, nhưng không có nhiều người Việt đáp ứng tốt những đòi hỏi này. Bà Phương Mai cho biết mới đây, một nhà máy tại Long Thành yêu cầu tuyển dụng lớp ứng viên trẻ tuổi, có tiềm năng và họ đưa các cấp lãnh đạo từ công ty mẹ qua đào tạo nhân sự mới theo chương trình quản trị viên tập sự.

Sau hơn 20 năm mở cửa đón đầu tư từ nước ngoài, nhiều người lao động trong nước đã tích lũy kinh nghiệm, chứng tỏ được khả năng làm việc và được doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, nhất là ở những ngành sản xuất đã định hình ở Việt Nam như sản xuất đồ gia dụng, may mặc… Tuy nhiên, với một số lĩnh vực công nghệ như sản xuất điện thoại thông minh, ti vi thế hệ mới hay một số lĩnh vực đặc thù khác thì nguồn nhân lực Việt Nam còn thiếu những người có kinh nghiệm. Cuối năm 2014, Talentnet phải rất kỳ công mới tìm được vị trí giám đốc cho nhà máy sản xuất lốp xe của Đức tại Đồng Nai.

Dù vậy, xu hướng hiện nay của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam là chú ý tuyển dụng nhân sự người Việt thay thế cho nhân sự người nước ngoài. Thực tế đã chứng minh không ít người Việt có thể làm tốt những công việc cao cấp trong các nhà máy của nước ngoài. Mặt khác, chi phí cho nhân sự người Việt thấp hơn rất nhiều so với việc đưa nhân sự nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Ở một số vị trí cao cấp phải thuê nhân sự nước ngoài sang Việt Nam làm việc, ngoài lương, doanh nghiệp còn phải lo việc đi lại, chỗ ở cho họ, đưa gia đình họ sang sinh sống, đóng học phí cho con… Nếu thuê nhân sự người Việt thì không phải lo những khoản này.

Việc nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào nhân sự người Việt ở những vị trí cao trong các nhà máy phản ánh trình độ chuyên môn, khả năng lãnh đạo của người Việt ngày càng được đánh giá cao.

Điểm tên các ngành thu hút nhiều lao động năm 2015Công nghệ thông tin, bán lẻ và một số ngành sản xuất công nghiệp được xem là sẽ thu hút nhiều lao động trong năm 2015.

Kết quả khảo sát của trang dịch vụ tuyển dụng việc làm ITviec.com trong tháng 12-2014 cho thấy rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) có kế hoạch tuyển dụng nhân sự trong năm 2015.

Ông Eduardo Mora, Trưởng ban sản phẩm của VietnamWorks, cho biết CNTT là ngành liên tục dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng qua VietnamWorks trong năm 2014 và được dự đoán sẽ tiếp tục dẫn đầu trong năm 2015. Các công ty tuyển dụng như VietnamWorks, Navigos Search, Adecco, Talentnet cũng có chung nhận định: CNTT sẽ là một trong những ngành thu hút nhiều lao động trong năm 2015.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM, dự báo nhân lực gia công phần mềm, số hóa dữ liệu, dịch vụ hosting, giải pháp tại thành phố sẽ tăng hơn 20% với lượng lao động cần tuyển thêm ít nhất 5.000 người. Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TMA Solutions, nhu cầu tuyển thêm nhân sự của các doanh nghiệp CNTT phần lớn là để theo kịp sự gia tăng lượng đơn hàng gia công phần mềm. Như TMA Solutions có 1.700 nhân sự nhưng vẫn có nhu cầu tuyển thêm khoảng 300 người trong vòng sáu tháng tới. FPT Software cũng có kế hoạch tuyển thêm khoảng 4.000 nhân viên mới trên phạm vi cả nước trong năm 2015…

Trong bối cảnh hoạt động gia công trong lĩnh vực CNTT ở Ấn Độ không còn lợi thế về giá, chất lượng đã bị nhiều nước đuổi kịp, hoạt động này ở Trung Quốc hiện khá nhạy cảm về vấn đề sở hữu trí tuệ, Việt Nam trở thành sự lựa chọn an toàn hơn của khách hàng từ các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc… Đã có thêm nhiều doanh nghiệp CNTT xuất hiện (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) bên cạnh các doanh nghiệp đang hoạt động, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực tại chỗ.

Có ý kiến lo lắng nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam hiện nay không đáp ứng yêu cầu, nhưng ông Lệ cho rằng “tốp 10%” nguồn nhân lực CNTT trong nước thì… “không thua ai”. Chất lượng đào tạo kiến thức nền CNTT ở các trường đại học hiện cũng đã khá hơn. Tuy nhiên, ông Lệ thừa nhận nguồn nhân lực CNTT có khó khăn chung về ngoại ngữ, ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp, trao đổi trong làm việc.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho rằng năm 2015, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ tất yếu phải tuyển dụng nhiều lao động. Đây cũng là nhận định của bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao của Talentnet.

Các công ty tuyển dụng tỏ ra lạc quan trước làn sóng đầu tư sản xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… kéo theo nhu cầu lớn về lao động, từ công nhân đến các vị trí quản lý cấp trung, cấp cao trong doanh nghiệp.

Bà Công Phương Nam, Phụ trách truyền thông của tập đoàn Microsoft Việt Nam, cho biết nhà máy sản xuất điện thoại của dự án Microsoft Mobile tại Bắc Ninh có kế hoạch mỗi tuần tuyển 500 công nhân. Tuy nhiên, bà thừa nhận sẽ khó tuyển đủ con số này.

Tại TPHCM, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 9,5-10% trong năm 2015, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động, ước tính sẽ có thêm 265.000 chỗ làm trống người tại thành phố, trong đó có 120.000 chỗ làm mới. Riêng các khu chế xuất, khu công nghiệp cần tuyển thêm 30.000 người, trong đó có 10.000 chỗ làm mới.

Cũng theo ông Tuấn, các ngành cơ khí, điện tử, CNTT, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất, nhựa, cao su, dệt may, da giày sẽ chiếm khoảng 21% cơ cấu lao động. Lĩnh vực kinh doanh, bán hàng, quản lý, nhân sự chiếm hơn 25%. Các ngành tài chính, du lịch, bất động sản, logistics chiếm khoảng 20%.

Thái Ngọc

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn online 

Bệnh viện Hạnh Phúc