Từ khám phá ra vị umami (vị ngọt tương tự như vị của thịt) vào năm 1908, GS. Ikeda thuộc trường Đại học Hoàng gia Tokyo, Nhật Bản đã phát minh ra gia vị bột ngọt (mì chính) với mong muốn tạo ra loại gia vị có vị umami giúp mang lại bữa ăn ngon và cải thiện dinh dưỡng cho người dân. Bột ngọt có thành phần chính là glutamate (axit glutamic), một axit amin tham gia cấu tạo chất đạm được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên.
Thông tin chung về bột ngọt
Các tổ chức y tế và sức khỏe uy tín trên thế giới như Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương nông Liên hợp Quốc, Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ…kết luận bột ngọt là một gia vị an toàn và có “liều dùng hàng ngày không xác định”. Tại Việt Nam, Bộ Y tế xếp bột ngọt vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”.
Có thể sử dụng bột ngọt cho trẻ em không?
Nhiều nghiên cứu khoa học về việc sử dụng glutamate hoặc bột ngọt ở trẻ em đã được tiến hành và đưa ra kết luận cho thấy bột ngọt không ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em ở các giai đoạn phát triển của trẻ.
Cụ thể, ở giai đoạn bào thai, các nghiên cứu cho thấy nhau thai tạo ra một “hàng rào” hiệu quả ngăn sự di chuyển của glutamate từ hệ tuần hoàn của mẹ vào bào thai. Glutamate từ hệ tuần hoàn của người mẹ được nhau thai sử dụng như nguồn năng lượng chính cho các hoạt động của nhau thai. Do vậy, người mẹ có thai ăn bột ngọt không ảnh hưởng đến bào thai.
Ở giai đoạn bú sữa mẹ, các nghiên cứu cho thấy việc người mẹ ăn bột ngọt không làm tăng hàm lượng glutamate sẵn có trong sữa mẹ. Cần nói thêm rằng, glutamate là một axit amin có hàm lượng cao nhất trong số các axit amin trong sữa mẹ (264 mg/100g sữa mẹ), do vậy qua sữa mẹ trẻ đã tiêu thụ glutamate từ giai đoạn sớm của cuộc đời.
Thời kỳ sau cai sữa là khi cơ thể trẻ bắt đầu tiêu thụ nguồn glutamate từ thực phẩm tự nhiên và gia vị. Trong giai đoạn này, theo JECFA – Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương nông Liên hợp Quốc, trẻ em có thể chuyển hóa glutamate tương tự như người trưởng thành.
Như vậy, các nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy bột ngọt không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em ở các giai đoạn phát triển của trẻ. Do vậy, có thể sử dụng bột ngọt trong chế biến món ăn cho trẻ em, cần lưu ý rằng bột ngọt chỉ là một loại gia vị, không nên sử dụng để thay thế các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
PGS. TS. Lê Bạch Mai
Nguồn: NLD