“Phụ nữ sau tuổi 35 thường phải “chống đỡ” với khá nhiều bệnh. Có cách gì để phòng tránh những căn bệnh này”? Vi Quân – Nha Trang. Nét thanh xuân của phụ nữ bắt đầu có dấu hiệu phai tàn từ tuổi 35 trở đi. Do vậy, cần phải có chế độ thăm khám sức khỏe định kỳ, nếu biết cách, những chứng bệnh của phụ nữ sau tuổi 35 rất dễ phòng tránh. Bên cạnh đó là chế độ dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm giải độc và chống lão hóa cao.

Loãng xương

Từ tuổi 30, khối xương ở phụ nữ bắt đầu giảm dần, làm xương yếu và gây hiệu quả xương giòn và dễ gãy. Nếu bạn bị loãng xương thì bạn có nguy cơ bị gãy xương đặc biệt là ở hông, cột sống và cổ tay. Bệnh loãng xương thường coi là bệnh lý ở phụ nữ lớn tuổi nhưng thực tế là loãng xương bắt đầu từ giai đoạn sớm hơn.

Phụ nữ có mật độ xương ở mức cao nhất ở lứa tuổi 30 và họ cần phải có đủ lượng canxi để tạo xương và duy trì sức khỏe ở giai đoạn còn lại. Cho đến giữa những năm của độ tuổi 30 xương vẫn tiếp tục phát triển, cơ thể tạo xương nhiều hơn là mất, sau đó quá trình tiêu xương và tạo xương diễn ra cân bằng. Nhưng đến thời kỳ mãn kinh thì cân bằng này bị phá vỡ, thay đổi hoóc môn trong cơ thể làm cho mất xương nhanh hơn tạo xương.

Phòng ngừa: duy trì một chế độ ăn uống (bổ sung chất caxi như sữa, tôm, cua đồng, tép… và lượng vitaminD phù hợp) trong tuổi dậy thì và cả đến lúc trưởng thành. Sinh hoạt, tập luyện, vận động đầy đủ và hợp lý. Riêng ở phụ nữ sau mãn kinh, khi lượng oestrogen giảm loãng xương sẽ được phòng ngừa tốt nhất bằng liệu pháp hormon thay thế (nếu có chỉ định và điều kiện) kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện, vận động.

dau-dau

Bệnh phụ khoa

Sau 35 tuổi, estrogens (nội tiết tố sinh dục) giảm, nang noãn giảm và rụng trứng không đều. Hormones sinh dục giảm nên các endorphins cũng không được tiết ra, gây các triệu chứng cơ năng của mãn kinh dẫn tới các bệnh như viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung…

Bệnh viêm âm đạo do vi trùng Gardnerella vaginalis xảy ra khá phổ biến, thường dẫn đến nguy cơ: viêm vùng chậu; bất thường tế bào cổ tử cung… Viêm cổ tử cung gây viêm vùng chậu và vô sinh. Virus HPV là tác nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung và hầu hết phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục đều bị nhiễm.

Đáng lưu ý, các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên là ung thư niêm mạc tử cung tăng cao sau mãn kinh; ung thư cổ tử cung tăng từ tuổi 35; ung thư buồng trứng tăng sau 52 tuổi. Các yếu tố làm tăng nguy cơ: phụ nữ béo phì; chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều chất béo; cao huyết áp; tiểu đường; bệnh tim mạch.

Phòng ngừa: Hãy làm xét nghiệm HPV ở tuổi 30 và sau đó thử PAP 3 năm/lần nếu kết quả bình thường, sau đó bạn cần được kiểm tra hằng năm.

Kiểm tra đường huyết: Bất cứ diễn biến gì trên mức bình thường cần được kiểm tra để các bác sĩ can thiệp trước khi nó trở thành bệnh tiểu đường hoàn toàn. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm hàng ngày giàu beta caroten, vitamine C, vitamine E, sélénium, kẽm; nên đi bộ thong thả 20 – 30 phút vào lúc chiều tối; uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ…

Dinh dưỡng “vàng” ở phụ nữ trung niên giúp duy trì chức năng sinh lý, chống lại stress, phòng ngừa bệnh tật là thức ăn đa dạng, ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3, 6 (có nhiều ở cá hồi, dầu cải, dầu ôliu).

Bên cạnh việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (ăn 300 – 400g rau xanh và hoa quả/ngày), uống đủ nước (ít nhất tám ly nước = hai lít/ ngày). Điều cần thiết là bổ sung sữa ít chất béo (nguyên kem), yaourt. Ngoài ra, cần duy trì lối sống năng động, chơi môn thể thao phù hợp sẽ giúp bảo vệ tốt cho hệ tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, miễn dịch, cơ xương khớp. Điều cần nhớ là chị em nên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ một, hai lần/ năm.

Đau đầu

Đau đầu là một trong những chứng đau phổ biến nhất ở sau độ tuổi 30. Đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ hơn (cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới), và có xu hướng tập trung ở độ tuổi 35 – 45. Nhức đầu loại căng thẳng là một trong những chứng đau đầu phổ biến nhất và gia tăng cùng với tuổi tác. Nguyên nhân của hiện tượng này hiện chưa được biết rõ và vì thế việc điều trị phải rất linh hoạt, nếu cách này không hiệu quả thì phải thử cách khác ngay.

Phòng ngừa: Tìm hiểu căn nguyên rất quan trọng. Nhiều người bị đau đầu do ánh sáng, thực phẩm, rượu hay phô mai. Việc ăn ít hay từ bỏ các đồ uống chứa cafein cũng có thể gây kích thích đau đầu. Các kỹ thuật châm cứu, luyện tập yoga có thể giúp giảm căng thẳng thần kinh, từ đó giúp giảm đau đầu.

Tác giả: Trần Lệ Thủy
Tư vấn: Lương y Lương Hòa – 92 Hàng Bông, Hà Nội

Nguồn: Petrotimes.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc