Sản phẩm ống hút từ sậy. |
Đinh Thúy Phương hiện là Giám đốc Công ty TNHH Mana.st. Sinh ra ở huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội, Phương từng chứng kiến những bãi sậy bỏ hoang, ảnh hưởng đến hoa màu người dân khiến họ phải chặt, phơi khô và đốt bỏ.
Năm 2011, sau khi bảo vệ bằng thạc sĩ ngành quản trị Đại học Northampton tại Anh, năm 2012 Phương quyết định về nước khởi nghiệp. Cô nung nấu ý tưởng biến những thứ bỏ đi mang lại giá trị kinh tế giống như một số mô hình tái chế rác thải ở Anh.
Chia sẻ ý tưởng với ba người bạn thân gồm Hoàng Xuân Đức, Hoàng Thị Nga và Hoàng Thị Thu Huyền, Phương muốn được giúp đỡ các kiến thức chuyên môn. Năm 2020, nhóm bốn bạn trẻ tập trung phát triển công nghệ nằm nâng cao giá trị cho cây sậy bằng việc làm thành ống hút, thay ống nhựa.
Nhóm đánh giá, sậy ở miền Bắc cây không cao, ống không thẳng, đường kính nhỏ, nhiều mắt trên thân, không có độ đồng đều… Để tăng chất lượng, nhóm dùng phương pháp ưu thế lai để tạo giống, khắc phục các nhược điểm.
Sau nhiều lần lai tạo, nhóm thử nghiệm thành công giống sậy cho năng suất cao hơn với số lượng ống nhiều hơn, kích thước lớn, khoảng cách các mắt dài hơn và có độ đồng đều.
“Việc lai tạo thành công giống sậy giúp nhóm có thể làm nhiều cỡ ống hút lớn nhỏ, độ dài ngắn khác nhau, phục vụ theo nhu cầu khách hàng”, Phương chia sẻ.
Để tăng độ bền cho ống, nhóm phát triển công nghệ phủ sữa bằng cách dùng xenlulose biến tính chứa chất hoạt tính được phân tán trong chất nền, cùng lớp phủ có độ dày nhỏ hơn 1mm.
Lớp phủ này được tạo thành dưới dạng sệt hoặc gel có thể dính vào bề mặt bên trong ống hút. Nhờ có lớp phủ, ống hút có thời gian sử dụng lâu hơn vì không bị nấm mốc, vi sinh vật hoạt động, có thể bảo quản lên tới 2 năm.
Ngoài ra có thể sử dụng trong mọi loại đồ uống có nhiệt độ nóng hoặc lạnh mà không ảnh hưởng đến chất lượng ống. Sản phẩm ống hút cỏ sậy được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I chứng nhận không chứa hàm lượng kim loại, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định Bộ Y tế.
Điều đặc biệt là Công ty TNHH Mana.st thành lập sau đó không lâu. Lực lượng lao động đầu tiên là những thành viên cai nghiện. Họ sẽ tham gia sản xuất ống hút và thu mua sậy từ người nông dân.
Như vậy, người nghiện có thể tự lập tài chính, đồng thời, người nông dân cũng có thêm thu nhập. Mana.st vẫn duy trì dạy văn hóa cho người cai nghiện vào mỗi thứ 7 hàng tuần.
Đưa cây sậy ra thế giới
Thúy Phương thuyết trình về sản phẩm ống hút từ sậy tại cuộc thi Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation. |
Đinh Thúy Phương cho biết, sản phẩm từ cây sậy đã xuất khẩu sang Bắc Mỹ, Hàn Quốc. Doanh nghiệp đang đàm phán với Tây Ban Nha, Ba Lan. Từ 7/2021, toàn châu Âu cấm lưu hành chế phẩm nhựa dùng một lần, dẫn tới sự thiếu hụt lớn. Do đó, chị Phương tận dụng điều này để đưa sản phẩm dùng một lần, thân thiện với môi trường vào thị trường.
“Chúng tôi có thế mạnh là thuế suất đặc biệt 0%, không gặp phải rào cản về thuế nhập khẩu kể cả trong và ngoài nước”, chị chia sẻ. Mana.st còn sản xuất ống hút sậy cho trẻ em với công nghệ phủ nano và sữa đã đạt chứng nhận kiểm định SGS.
Hiện, nhóm xây dựng được quy trình công nghệ từ khâu trồng, chế biến bằng máy, đóng gói thành phẩm. Một mô hình trồng rộng hơn 6 ha cũng được triển khai tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, đáp ứng công suất hơn 3 triệu ống hút mỗi tháng. Mô hình tạo được việc làm cho hàng nghìn người theo thời vụ với mức lương từ 3 – 3,5 triệu đồng mỗi tháng.
Các sản phẩm ống hút đang bán trên các sàn thương mại điện tử trong nước, doanh thu lên tới hơn trăm triệu đồng. Theo Phương, hiện có một chuỗi cà phê 70 điểm bán tại Hà Nội đã đặt hàng cung cấp thường xuyên.
Một số đối tác ở Anh, Đức, Mỹ… cũng liên hệ đặt hàng. “Ở thị trường trong nước chúng tôi sẽ bán giá bằng với giá ống hút nhựa để kích cầu”. Hiện, ống hút sậy có 4 cỡ theo kích thước với giá sỉ chỉ từ 500 đồng/chiếc tùy loại.
Dự án của nhóm tác giả vừa đạt giải 3 Cuộc thi Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation ngày 30/8/2022.
Cuộc thi do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh – GreenHub phối hợp cùng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại – Học viện Ngoại giao tổ chức nhằm tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation.