Do lo ngại tình hình dịch bệnh, nhiều phụ huynh đã yêu cầu nhà trường nơi con em mình theo học loại bỏ thịt lợn trong thực đơn hàng ngày và kiểm tra đột xuất bếp ăn của nhà trường.
Thời gian, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải về căn bệnh dịch tả lợn châu Phi với tốc độ lây lan nhanh. Cụ thể, sáng ngày 12/3, Bộ Nông nghiệp cho biết, đến 10/3, dịch tả lợn châu phi đã xảy ra ở 136 xã, 37 huyện tại 13 tỉnh gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 14.368 con. Trong đó, riêng tại Hà Nội, dịch tả xuất hiện tại 7 xã, 5 huyện, quận gồm Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn với tổng số bị bệnh và tiêu hủy là 173 con.
Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại khi con mình đang học bán trú và ăn bữa trưa tại các trường tiểu học. Chia sẻ với phóng viên, cô Cao Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hưng (Dương Kinh, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, phụ huynh của các học sinh theo học tại trường có sự quan tâm đặc biệt về vấn đề an toàn thực phẩm. Ngay khi có dịch, rất nhiều phụ huynh đã có ý kiến, thậm chí là vào kiểm tra trực tiếp bếp nhà trường để xem nhà trường chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm như thế nào.
“Cũng có ý kiến cho rằng nên giảm thịt lợn trong món thức ăn buổi trưa cho học sinh, tăng cường các khác món. Nhưng theo thông tin tôi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng thì dịch này hoàn toàn không lây sang người, vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo đầu vào và chế biến thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, nên tôi cũng đã trao đổi với trưởng ban đại diện các lớp thông tin để mọi người yên tâm về nguồn vào thực phẩm cho học sinh”- cô Hương cho biết.
Theo cô Hương cho biết, đối với cơ sở cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, nhà trường yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý, kiểm dịch đầu vào để đảm bảo nguồn thực phẩm.
“Ví dụ những hôm nào trường có thịt lợn trong bữa thì bên công ty phải xuất được giấy tờ kiểm dịch đầu vào. Nguồn vào thực phẩm được nhà trường kiểm soát chặt chẽ. Ban giám hiệu cũng yêu cầu người nhận của trường kiểm tra kĩ cả về phần cảm quan, kiểm tra chất lượng thông qua quan sát. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu nhà bếp chế biến kĩ hơn để đảm bảo an toàn. Bếp của trường là bếp 1 chiều, đầu vào là thực phẩm sống và đầu ra là thực phẩm chín nên không có sự lộn xộn”- cô Hương cho hay.
Cô giáo hiệu trưởng này nhận định, việc phụ huynh yêu cầu đưa thịt lợn ra khỏi danh sách thực đơn là chuyện bình thường khi bất kỳ người cha người mẹ nào cũng lo lắng cho con cái của họ. Do vậy, nhà trường cũng có cơ chế để phụ huynh kiểm tra bếp ăn đột xuất.
“Đại diện phụ huynh của học sinh theo học tại trường thương xuyên vào đột xuất kiểm tra không báo trước. Từ khâu nhận thực phẩm, kiểm tra đến khâu chế biến, chia khẩu phần, nếm trực tiếp món ăn luôn.. Có những buổi phụ huynh vào từ 8h30 sáng đến 10h00 để giám sát quá trình nhận đến chế biên. Chúng tôi làm rất để ý về thực phẩm nên phụ huynh rất yên tâm…”- cô Hương nói.
Theo anh Phan Văn Quyết, bếp trưởng của trường tiểu học An Hưng cho biết, ngay khi có yêu cầu thay đổi thực đơn đồ ăn ở trường, ban giám hiệu cũng đã có chỉ đạo cho nhà bếp hạn chế đưa thịt lợn vào các bữa ăn và thay bằng những món ăn khác như gà, cá, bò… Việc thay đổi không có quá nhiều khó khăn bởi đây cũng là những món quen thuộc đối với nhà bếp và hoàn toàn có thể chế biến để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho học sinh…
Chị Đỗ Thị Gấm (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, dù đang trong thời gian có dịch tả lợn Châu Phi nhưng gia đình chị vẫn sử dụng thịt lợn bình thường. Hầu hết thịt lợn gia đình sử dụng đều từ những người dân trong làng tự nuôi rồi bán nên đảm bảo không bị dịch bệnh.
Ông Đặng Quang Tấn Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay: Dịch tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh trên lợn, không gây bệnh trên các động vật khác và đặc biệt là trên người. Do đó, người dân không nên hoang mang dẫn đến tẩy chay sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người dân vẫn hoàn toàn có thể sử dụng thịt lợn cũng như các sản phẩm được chế biến từ lợn khi có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm, không sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín…