Gần đây, trong quan hệ giao thiệp, nhiều người đã coi việc nhậu như là cách trao quà. Đáng chú ý, mỗi người tùy ở vị thế xã hội của mình dường như đang cố tạo ra ngày càng nhiều hơn các tình huống giao thiệp cho việc công lẫn việc tư nơi bàn nhậu.

Bàn nhậu là nơi người ta gặp nhau để bôi trơn mọi chuyện. Ảnh: Đ.L
Bàn nhậu là nơi người ta gặp nhau để bôi trơn mọi chuyện. Ảnh: Đ.L

Theo phong tục người Việt, sự giao thiệp giữa hai người trở nên cởi mở hơn khi họ trao nhau miếng trầu. Ngày xưa, trầu têm, thuốc vấn là món “tự cung tự cấp” thường có ở mọi nhà. Nhưng qua lời mời, miếng trầu của mỗi nhà lại trở nên khác vị. Gặp nhau dù quen hay lạ, có miếng trầu mời nhau sẽ biểu thị rõ hơn cái tình nghĩa con người. Người xưa thường mượn miếng trầu ăn cho ấm miệng mềm môi rồi mới tỏ ý. Mặt khác, cái cảm giác lâng lâng đến đỏ mặt khi ăn miếng trầu còn là cách để người ta che giấu đi cái sự lúng túng, vô duyên trong cử chỉ và lời nói của mình. Có thể nói, ở mọi tình huống giao thiệp, người Việt xưa vẫn muốn trao quà (miếng trầu, điếu thuốc) làm đầu câu chuyện!

Qua những biến đổi kinh tế-xã hội đến nay, rượu bia (và thuốc điếu) được sản xuất từ nhà máy như đã thay thế hết các biểu tượng và ý nghĩa xã hội của những miếng trầu têm. Điều đáng chú ý, cách sử dụng rượu bia hay còn gọi là ăn nhậu đã ngày càng lan tràn trong mọi nhóm cư dân thuộc mọi giới với đủ tình huống và mục đích giao thiệp. Phải chăng, hiện tượng nhậu đã trở thành vấn đề của xã hội (như ý của TS. Trần Hữu Quang, TBKTSG, 23-5-2011)?

Bối cảnh giao thiệp và việc nhậu

Gần đây, các sự kiện thuộc gia đình như đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, đám hỏi, đám cưới, tang ma, mừng tân gia, mừng thọ, đám giỗ, con đậu đại học, con đi bộ đội, mừng bán đất, mừng trúng số, mừng trúng mùa-được giá… đều được người ta tổ chức mời và đón khách. Quan sát thấy, dù các sự kiện tổ chức tại nhà, sân vườn hay nhà hàng/khách sạn, ở nơi nào cũng như một đám nhậu! Với nhiều người, gặp nhau thì phải nhậu mới vui!

Rất hiếm thấy sự kiện nào của gia đình có mời khách đến mà không có ăn nhậu. Cũng hiếm có tiệc nhậu nào mà khách đến ăn lại không mang quà (đi ăn không)!

Ngoài phạm vi gia đình, những giao thiệp diễn ra thường được người ta xem là vì/cho công việc. Ở khắp mọi nơi, người ở trong và ngoài hệ thống hành chính nhà nước, thuộc đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi, học vấn, chức vị, giàu nghèo… đã đến hàng quán để giao thiệp. Theo đó, việc ăn nhậu được coi như là món quà để họ đãi nhau.

Nơi trao đổi quyền lực và quyền lợi

Gần đây, Chính phủ đã coi việc công chức lạm dụng bia rượu như hiện nay là nguồn gốc của tình trạng tham nhũng, lãng phí và suy đồi đạo đức. Ăn nhậu như đang tạo điều kiện và che đậy việc lạm dụng quyền hạn quản lý ở những nơi ngoài công sở. Nhậu tạo điều kiện cho các cán bộ quan chức nhà nước bao che, nâng đỡ cho nhau trong việc thăng quan tiến chức và chia chác các nguồn thu ngoài luồng. Theo đó, đã có văn bản ban hành để ngăn cấm uống rượu bia “trong giờ làm việc, buổi trưa”, “sau 22 giờ”,”không bán bia rượu ở vỉa hè”… với kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh đạo đức trong giới công chức và sự vận hành của hệ thống hành chính nhà nước.

Tuy vậy, trong các tình huống giao thiệp, người có bản lĩnh trong công việc dường như phải biết nhậu. Qua bàn nhậu, người ta thể hiện vị thế của mình và ngược lại sẽ “thu nhận” ý kiến từ người khác, tìm được đồng nghiệp hay phe nhóm. Từ bàn nhậu mới dễ tìm được việc làm, lợi lộc hay những giải pháp cho vấn đề của đời sống riêng tư… mà những nơi như công sở hiếm khi có được. Đó là lúc những tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh, chuyện chung, chuyện riêng… được người ta thổ lộ, chia sẻ và hứa hẹn. Từ bàn nhậu, người ta gọi người này, giới thiệu và kết thân với người kia. Với nhiều người, nhậu là cách tạo lập và củng cố các quan hệ xã hội tốt cho cuộc sống lẫn nghề nghiệp của mình. Xem ra, đây là cách tạo vốn (vốn xã hội, kinh tế, văn hóa,…) mà nhiều người đã, đang hay buộc phải làm để thích ứng với xã hội hiện nay.

Nếu chỉ quan sát bề ngoài, những tưởng nhậu chỉ là vui thú, lãng phí. Thực tế, những người tham gia nhậu là trao đổi quyền lực và quyền lợi. Do vậy, nếu nhìn nhận hiện tượng nhậu của người Việt dưới góc độ pháp lý và đạo đức để mà lên án và ngăn cấm thì còn rất hẹp. Khi phân tích hiện tượng nhậu theo góc cạnh nhân học văn hóa xã hội, chúng ta sẽ hiểu sâu thêm các mối liên hệ chằng chịt và phức tạp của con người trong và ngoài hệ thống hành chính nhà nước, và của xã hội này.

Khi quan hệ hành chính (công) và quan hệ cá nhân (tư) vẫn chưa có sự tách rời, vai trò của người đại diện trong hệ thống nhà nước và vai trò của một công dân trong quan hệ xã hội vẫn chưa có sự rạch ròi thì quan hệ “thân quen”, “chạy chọt” vẫn là cách tối ưu để tiếp cận sinh kế và quyền lực. Chính vì vậy, nơi bàn nhậu, chuyện công và tư vẫn luôn đan xen và hòa vào nhau.

Thực tế, “văn hóa” nhậu đã ăn sâu vào hệ thống nhà nước, gắn liền và nảy sinh từ các quan hệ xã hội, cách làm ăn kinh tế và cách vận hành của hệ thống hành chính. Nhậu trở thành quà “bôi trơn”, làm trôi chảy và hòa giải các quan hệ kinh tế, xã hội, chính trị phức tạp.

(*) Khoa Nhân học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc