Thay vì bắt con vào học cơ man là số má, chữ nghĩa, đủ các thể loại ngôn ngữ, nhiều bố mẹ quên rằng, chúng còn rất nhiều thứ cần phải giữ, rất nhiều điều cần phải học hơn thế!

Hôm qua, chị họ tôi có qua nhà tôi chơi. Hai chị em ngồi nói chuyện với nhau khá lâu. Những câu chuyện chung quy lại chỉ xoay quanh một chủ để duy nhất “nuôi dạy con cái”. Chị ấy kể, con bé nhà chị ấy rất chăm học. Sáng học, chiều học, tối học, thứ Bảy học, Chủ nhật vẫn học. Ngày thì học trên trường, tối về học thêm tiếng Anh, thứ Bảy, Chủ nhật học thêm Toán và tiếng Việt. Chị ấy hỏi tôi, học như thế liệu có nhiều quá không? Có sợ con bị quá tải không? Tôi bảo, chưa đủ!

Câu trả lời của tôi dường như ngoài dự đoán của chị ấy nên nghe có vẻ chị ấy khá ngạc nhiên xen lẫn khó hiểu:

– Ôi trời, học như thế mà cô bảo vẫn chưa đủ?

– Vâng, vừa thừa mà lại thiếu quá nhiều! – Tôi trả lời.

Là một người mẹ như bao người mẹ khác, tôi luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để có thể giúp con mình lớn lên, trưởng thành bằng cách tự đứng vững trên đôi chân nó, với trái tim giàu lòng yêu thương và hướng thiện, thành đạt trong sự nghiệp và hạnh phúc trong tình yêu.

Và, với tất cả những điều ấy – những điều sẽ khiến nó có được niềm hạnh phúc trọn vẹn trong tương lai không thể chỉ gói gọn trong mấy bộ môn được học trên ghế nhà trường!

Vì vậy, nếu chỉ phó mặc con cái cho nhà trường, con tôi sẽ lớn lên như 1 mảnh trăng khuyết, như những chú gà công nghiệp được nuôi thành đàn giống hệt nhau. Nó giải thích tại sao trong suốt những năm học phổ thông có nhiều người học giỏi vượt trội đến thế mà khi ra trường, bắt tay vào công việc thực tế thì khả năng lại quá mờ nhạt đến vậy. Thậm chí, cầm bằng tốt nghiệp giỏi trên tay mà chịu bó tay thất nghiệp. Tại sao vậy?

Đời sống - Nhà văn Lê Thanh Ngân:

Nhà văn Lê Thanh Ngân.

Chồng tôi đã từng hỏi tôi rằng: “Em thấy việc học ở trường quan trọng không?”. Một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng tôi thậm chí đã mất hẳn cả ngày trời để suy nghĩ và đưa ra kết luận “nó quan trọng”. Bởi lẽ, tôi là một người trẻ thế hệ 9x, bản thân tôi đã được tiếp cận với nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau trong cách dạy con của các bậc phụ huynh thời hiện đại.

Có những cặp vợ chồng thậm chí đã không cho con mình đến trường mà dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để đưa chúng đi du lịch khám phá những vùng đất mới. Tôi thấy, họ cũng có cái lý của họ. Chúng ta sống trên đời, mỗi người đều có những mục đích riêng, và từ đó sẽ có những con đường riêng để đạt được mục đích sống của mình. Con đường đó có thể giống người khác hoặc chẳng giống ai cả. Miễn sao những việc làm đó mang lại cho họ hạnh phúc là được phải không?

Còn với tôi, việc cho con đi học ở trường không phải chỉ nhằm mục đích giúp chúng tiếp thu kiến thức qua các bài giảng của giáo viên mà quan trọng hơn nữa chính là cách làm cho bộ não tư duy, học cách thích nghi, hòa đồng vào tập thể, học được tính kỷ luật qua việc tuân thủ nội quy, giờ giấc của trường lớp, học cách sắp xếp thời gian biểu, học cách ứng xử giữa bạn bè trong cùng lớp học với nhau, giữa học trò với giáo viên, học cách nói cho nhiều người nghe, học cách làm việc nhóm, học cách phấn đấu để trở thành người dẫn đầu… mà trường học, theo tôi thấy, chính là bản thu nhỏ của xã hội. Trong xã hội thu nhỏ ấy có những mặt tích cực và cũng có những tiêu cực, có khen thưởng mà cũng có chê trách. Chúng sẽ học được cách đối mặt với những vấn đề đó dưới sự định hướng của cha mẹ và thầy cô.

Như những gì tôi phân tích ở trên thì quả là chúng đã học được rất nhiều phải không?

Ấy vậy mà, tôi lại cho rằng, như vậy vẫn chưa đủ! Hoặc có thể là đủ với những con cá sống trong ao hồ. Còn một khi muốn chúng có thể vượt qua sóng gió biển khơi, nhất định, các bố mẹ phải giúp chúng nhận ra được giá trị của những điều tôi sẽ nói sau đây.

Dưới đây là tổng hợp 12 điều mà tôi sẽ dạy con mình cần phải giữ từ khi nó còn thơ bé cho đến suốt cuộc đời nó! Thay vì sinh con ra đã bắt chúng lao vào học cơ man là số má, chữ nghĩa, đủ các thể loại ngôn ngữ, nhiều bố mẹ quên rằng, chúng còn rất nhiều thứ cần phải giữ, rất nhiều điều cần phải học hơn thế!

Đời sống - Nhà văn Lê Thanh Ngân:

Nhiều bố mẹ quên rằng, trẻ còn rất nhiều thứ cần phải giữ, rất nhiều điều cần phải học. (Ảnh minh họa).

1. Giữ tính mạng

Đây mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Chết là hết. Không có tính mạng thì sẽ chẳng có bất cứ cái gì khác. Nên dạy con phải biết quý trọng mạng sống là quan trọng nhất trong tất cả những thứ tồn tại trên cõi đời.

Khi chúng ý thức được tính mạng là quan trọng, tự chúng cũng sẽ biết coi trọng tính mạng của mình và của người khác, không tự tiện tước đoạt đi quyền được sống của họ.

Ngày nay, khi mà mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, trẻ em được tiếp cận với công nghệ thông tin từ khi còn rất nhỏ thì việc chúng tiếp cận với những nguồn tin tiêu cực và bị ảnh hưởng bởi nó là rất lớn.

Không ít lần đọc báo, lướt facebook, tôi bắt gặp những trẻ em gái vì thất tình mà tự cầm dao lam rạch những vết thương chi chít khắp cánh tay mình. Máu theo những vết cứa cứ chảy thành từng dòng, ấy vậy mà vẻ mặt chúng vẫn lạnh như băng, vô cảm như xác không hồn.

Chúng còn quá bé nhỏ để biết cách tự cứu mình thoát khỏi những nỗi đau về tinh thần. Tự làm đau mình chính là cách mà chúng chọn để nỗi đau thể xác lấn át nỗi đau trong trái tim mà người khác đã gây ra cho chúng.

Thậm chí, không ít những vụ tự tử đã xảy ra mà nạn nhân là những trẻ vị thành niên. Áp lực từ việc học tập, áp lực từ hoàn cảnh gia đình, cảm giác cô đơn không ai thấu hiểu… sự tuyệt vọng khiến chúng tìm đến cái chết như một cách để giải thoát khỏi những nỗi đau!

Tôi còn nhớ như in một kỷ niệm từ thời còn học cấp 1. Một chị gái là học sinh của chị tôi tự tử. Chuyện chẳng có gì to tát. Chỉ là trong một buổi tối ngồi làm bài tập về nhà, có một bài chị ấy không hiểu nên nhờ mẹ giảng giúp. Mẹ chị ấy giảng một thôi một hồi mà con vẫn ngơ ngác không hiểu gì thì bực tức vô cùng, buột miệng nói câu “sao mày ngu thế?”. Chỉ vậy thôi, chị ấy lao mình ra khỏi cửa sổ tầng 3, rơi xuống và chết trong tức tưởi!

Thời đó, nghe xong chuyện mà tôi thấy ấm ức thay cho chị ấy. Bây giờ, nghĩ lại, tôi thấy thực sự quá đáng tiếc cho số phận một con người. Trường học, sách vở ra đời vốn dĩ một phần cũng là để giảm áp lực cho cha mẹ trong việc quản lý, giáo dục con cái.

Nhưng, nhiều cha mẹ lại đang đè nặng lên vai con mình những áp lực về điểm số, thành tích khiến chúng ngay từ khi là một đứa trẻ đã luôn phải gồng gánh những kỳ vọng của bố mẹ, cảm giác vô cùng căng thẳng và mệt mỏi. Nhiều đứa trẻ đi học, không phải là cho chúng nữa mà chính là cho bố mẹ. Người ta sẽ không thể sống vui nếu như không được sống cuộc đời của mình!

Giữ tính mạng sẽ đi kèm với việc học hỏi rất nhiều điều liên quan đến bản năng sinh tồn và các kỹ năng tự vệ. Học bơi, học võ, học cách xử trí khi gặp hỏa hoạn, học cách đối phó với những kẻ bắt cóc, ấu dâm bệnh hoạn, học cách phân biệt các loài động thực vật có độc (rắn, nhện, các loại nấm thực vật…), làm thế nào để sinh tồn trong rừng khi bị lạc? Làm sao để sống sót giữa biển khơi?…

Thay vì sinh con ra đã bắt chúng học cơ man chữ nghĩa và số má. Bố mẹ quên mất rằng, cái quan trọng nhất đối với chúng không phải những thứ đó! Mà chính là tính mạng.

2. Giữ sức khỏe

Giữ được tính mạng nhưng lại không có sức khỏe thì sống thậm chí còn khổ sở hơn là chết.

Khỏe ở đây được hiểu 1 cách đầy đủ là khỏe về thể chất, khỏe về tinh thần, đầu óc minh mẫn.

Sống mà suốt ngày ốm đau, bệnh tật, nâng bát cơm không nổi, thở không ra hơi thì còn làm được việc gì?

Sống mà không biết là mình đang sống, khi thì thơ thẩn, vẩn vơ khi lại kinh hãi, sợ sệt thì liệu còn giá trị gì không?

Khi đó không chỉ khổ mình mà khổ cả người chăm sóc mình.

Giữ sức khỏe vì thế vô cùng quan trọng. Muốn làm gì đi chăng nữa thì điều kiện tiên quyết vẫn là có sức khỏe. Có sức khỏe là có tất cả.

Mà muốn giữ sức khỏe thì lại cơ man là những thứ phải học. Học ăn uống, học ngủ nghỉ, học giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, học cách rèn luyện thân thể bằng các môn thể thao, học cách phòng chống – đối phó với các loại bệnh tật, học cách đối mặt với những nỗi đau để tránh sock tâm lý ảnh hưởng tới thần kinh, học cách mạnh mẽ và kiên cường…

Đời sống - Nhà văn Lê Thanh Ngân:

Ảnh minh họa.

3. Giữ lương tâm, nhân phẩm

Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.

Khổng Tử nói: “Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa”. Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, vạn việc trên trời dưới đất do âm dương, nhu cương tạo thành vậy, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, chính vì lẽ đó con người muốn được coi là “nhân” thì phải có nhân, nghĩa phải có lương tâm.

Dù có khỏe mạnh, tài giỏi, trí tuệ siêu phàm đến mấy nhưng không có lương tâm, đức độ thì sớm hay muộn cũng trở thành những kẻ gây hại cho xã hội. Tài càng cao mà không có lương tâm thì tác hại gây ra cho xã hội càng lớn. Làm quan thì bán nước, hại dân, tham ô, tham nhũng, làm dân thì trộm cướp tinh vi, đốt nhà, giết người không ghê tay. Là hạng người đáng bắn bỏ.

4. Giữ đam mê, nhiệt huyết

Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn! 1 câu nói đủ diễn đạt tất cả. Chỉ cần có đam mê và giữ cho ngọn lửa đam mê đó luôn bừng sáng, thành công sẽ đến!

Nhiều đứa trẻ khi ra đời đã được tạo hoá ban tặng những năng khiếu bẩm sinh. Đó là may mắn. Cha mẹ hãy giúp chúng phát huy hết tài năng của mình. Thường thì khi chúng có năng khiếu về lĩnh vực gì, chúng sẽ dành sự yêu thích và quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực đó. Chúng hát hay, sẽ yêu âm nhạc.

Chúng vẽ đẹp, sẽ yêu mỹ thuật… Cha mẹ đừng cố gắng cấm đoán con mình, đừng uốn chúng theo những cái khuôn mà cha mẹ định sẵn. Nếu không được theo đuổi công việc mà mình đam mê, chúng sẽ chán nản và khó dẫn đến thành công. Chưa kể đến tài năng của chúng bị uổng phí. Sinh ra may mắn hơn người nhưng không tận dụng được may mắn đó thì quả là đáng tiếc vô cùng.

5. Giữ niềm hăng say học hỏi

Nhiều người trong chúng ta cứ ngỡ rằng, họ đã là người hiểu biết rộng. Nhưng kỳ thực, những gì mà họ biết về thế giới này chỉ như 1 giọt nước giữa biển khơi tri thức khổng lồ của nhân loại. Vì vậy, học tập không bao giờ là thừa, không bao giờ là quá muộn.

Trẻ con càng phải học, người lớn vẫn phải học. Học, học nữa, học mãi. Giữ được niềm hăng say học tập sẽ khiến cuộc sống luôn tràn ngập những điều mới lạ, khiến chúng ta luôn giữ được niềm hứng khởi trong cuộc sống dù tuổi tác đã cao.

6. Giữ bình tĩnh

Học cách giữ bình tĩnh chính là học cách điều khiển cảm xúc của bản thân, không để bị cảm xúc điều khiển. Rất nhiều người, dù tài năng nhưng do tính khí nóng nảy nên hay làm hỏng việc. Chỉ khi tiết chế được cảm xúc, giữ được sự bình tĩnh trước mọi tình huống mới khiến đầu óc minh mẫn, ra những quyết định sáng suốt, thông minh. Nó lý giải tại sao những người giàu có, thành đạt thường có tâm thế rất bình thản trước mọi vấn đề.

7. Giữ chữ tín

Trong làm ăn kinh doanh hay bất cứ mối quan hệ nào trong cuộc sống: Gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng… Nếu đánh mất chữ tín, đồng nghĩa với việc đánh mất lòng tin của người khác. Kinh doanh ắt phá sản, đối với những mối quan hệ khác ắt cô đơn, không được trọng dụng, không có tiếng nói.

8. Giữ vững lập trường, quan điểm

Nếu ai đã từng đọc câu chuyện về anh nông dân đẽo cày giữa đường sẽ thấm thía rằng tại sao phải giữ vững lập trường, quan điểm của bản thân. Người ba phải thường rất khó thành công vì ý chí của họ rất dễ bị lung lay khi chịu sự tác động của người khác. Mà người đời thì mỗi người một ý, nếu bản thân anh ta không giữ vững lập trường của mình, anh ta dễ bị sa vào mớ bòng bong không tìm được lối thoát. Giống như việc bị lạc giữa rừng sâu tứ phía đều là cây cối!

Vậy làm sao để dạy chúng cần giữ vững lập trường, quan điểm của bản thân?

Hãy tạo điều kiện cho chúng được thoải mái tự do bày tỏ quan điểm của mình, đôi khi hãy kích thích chúng bằng các câu hỏi tạo không khí tranh luận để chúng tự đưa ra những luận điểm bảo vệ cho quan điểm của chúng. Khen ngợi chúng khi những gì chúng nói thuyết phục được bạn.

9. Giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ

Tội lỗi lớn nhất đời người là bất hiếu. Ngay từ bây giờ, hãy dạy chúng lễ phép, kính trọng ông bà cha mẹ. Nhưng, nói không bằng làm. Hãy cho chúng thấy cách mà bố mẹ đối xử với ông bà, sau này khi bố mẹ chúng về già, chúng sẽ đối xử với bố mẹ như thế.

Hồi học lớp 7, tôi cùng nhóm bạn có vào nhà một cậu bạn học cùng lớp chơi. Tôi đã tỏ ý rất không đồng tình với việc cậu ấy thường hay nói trống không với bố mẹ. Cho đến 1 lần tôi gặp bố cậu ấy nói chuyện với ông nội, bác ấy thậm chí không những nói trống không mà còn văng tục nữa! Từ đó, tôi đã hiểu ra phần nào cậu ấy lại vô lễ như vậy.

10. Giữ hạnh phúc gia đình

Trong tất cả những bài viết của mình, tôi thường đề cao tình cảm gia đình. Với tôi, gia đình chính là ưu tiên số 1, luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Bởi sau tất cả những biến cố của gia đình mình, tôi nhận thấy, con cái chính là tài sản lớn nhất của bố mẹ.

Người ta chết rồi chỉ còn lại một dúm xương khô chôn đâu chẳng được, của cải, danh vọng, địa vị vốn chẳng thể mang theo. Con cái chính là điều khiến người ta hoặc là ra đi thanh thản, hoặc chết mà không thể nhắm mắt.

Tạo cho con cái một môi trường gia đình tốt với những thành viên luôn yêu thương, chăm sóc nhau sẽ khiến chúng dù đi đâu cũng sẽ nhớ về bố mẹ, và bản thân chúng cũng có ý thức trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình một cách nghiêm túc.

Tôn trọng chúng như một người trưởng thành cũng chính là gián tiếp dạy chúng cách tôn trọng người khác, sau này là tôn trọng người bạn đời của mình, tôn trọng con cái chúng. Giữa vợ chồng, chất keo gắn kết mối quan hệ đó bền lâu nằm chính là ở sự trân trọng nhau. Giữa bố mẹ và con cái, sự kính trọng của những đứa con dành cho bố mẹ chúng nằm chính ở tình yêu thương, sự khâm phục và được tôn trọng!

Đời sống - Nhà văn Lê Thanh Ngân:
Với con cái, việc tư vấn giúp chúng biết cách chọn bạn mà chơi là vô cùng quan trọng. (Ảnh minh họa).

11. Giữ cho tình bạn luôn bền chặt

Chẳng tự nhiên mà người ta nói rằng “giàu vì bạn, sang vì vợ” hay “hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”. Bạn bè thân thiết chính là những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến bạn. Nếu bạn là một thanh niên nghiêm túc, suốt ngày chỉ cắm đầu vào sách vở, liệu bạn có chơi với đám thanh niên nghiện hút, cờ bạc, rượu chè không? Câu trả lời là không.

Người ta thường có xu hướng kết bạn với những người có đồng suy nghĩ và quan điểm sống, cùng chung sở thích, thói quen, cùng có những nét tương đồng về tính cách. Thế nên, có những nhóm bạn thân, càng chơi với nhau càng giúp nhau tiến lên, ngày càng rạng danh, ngày càng thành đạt vì họ cùng chung chí hướng, cùng ham học hỏi. Lại có những nhóm bạn càng chơi với nhau càng kéo nhau sa sút vì họ chỉ ham chơi, ham vui, ỉ lại và lười biếng, gặp nhau chỉ để chuyện phiếm, nói xấu sau lưng người khác. Càng như vậy, họ càng không thể tiến lên.

Với con cái, việc tư vấn giúp chúng biết cách chọn bạn mà chơi là vô cùng quan trọng. Hãy hướng chúng kết giao với những người bạn mà bản thân họ luôn tỏa ra luồng năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, ham học hỏi… để chúng học được từ bạn bè những tư duy và suy nghĩ tích cực.

Khi đã chọn được bạn rồi, thì hãy cố gắng duy trì mối quan hệ đó càng lâu càng tốt. Một ngày nào đó khi cơn bão đi qua, bạn bè sẽ là những người giúp ta đứng vững.

12. Giữ niềm tin, thái độ sống lạc quan-vui vẻ

Đời là bể khổ. Nhưng, thực tế, khổ hay không chính là do cách nhìn nhận của mỗi người. Tôi đã đọc được ở đâu đó một câu chuyện thế này: Một lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng rằng “nếu bước lên một bước là tử, lùi một bước là vong thì con sẽ làm thế nào?”, tiểu hòa thượng nhanh nhảu trả lời chẳng cần suy nghĩ nhiều “con sẽ bước sang bên cạnh ạ!”. Cuộc sống cũng như vậy đó! Khi đối mặt với khó khăn, hay gặp phải điều không may mắn, thay vì ngồi đó oán thán hãy thử đổi góc độ suy nghĩ, bạn sẽ thấy rằng, thì ra, bên cạnh vẫn có đường!

Phàm những việc chắc chắn sẽ giải quyết được, trước sau gì nó cũng sẽ được giải quyết. Không có gì phải quá lo lắng. Phàm những việc không thể giải quyết lại càng chẳng nên âu lo vì trước sau gì nó cũng không thể giải quyết. Cứ vui vẻ lên mà sống. Còn niềm tin tức là còn tất cả, mất niềm tin tức là mất tất cả. Kể cả khi bạn không còn bất cứ ai trên đời để tin tưởng, hãy tin tưởng vào chính bản thân mình!

Nguồn: Người Đưa Tin

Bệnh viện Hạnh Phúc