Công ty Nhà Nhựa Việt Nam và Công ty Nhựa phân hủy sinh học Quảng Châu (Trung Quốc) vừa hợp tác triển khai dự án nhà máy đầu tiên sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 10 triệu USD. Dự án được tiến hành nhằm chuyển giao công nghệ hiện đại, giúp Việt Nam sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường và hạn chế việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Dự kiến, nhà máy sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học đặt tại Khu công nghiệp nhựa thuộc tỉnh Long An, khởi công vào năm nay sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016. Nhà máy có khả năng đạt công suất khoảng 3.000 tấn/năm, cung cấp sản phẩm hạt nhựa sinh học để dần thay thế hạt nhựa truyền thống.

Việc sử dụng túi nilon khó phân hủy vẫn diễn ra  phổ biến tại Việt Nam
Việc sử dụng túi nilon khó phân hủy vẫn diễn ra
phổ biến tại Việt Nam

Theo công nghệ được chuyển giao, hạt nhựa sinh học là kết quả của sự kết hợp giữa xenlulo, bột khoai mì và chất phụ gia. Sau từ 1,5 đến hai năm, bao bì làm từ hạt nhựa sinh học sẽ tự động phân hủy hoàn toàn.

Hệ thống dây chuyền máy móc để sản xuất hạt nhựa phân hủy sẽ được Công ty Nhựa phân hủy sinh học Quảng Châu chuyển tới Long An. Đối tác Công ty Nhà Nhựa Việt Nam, sẽ đón nhận và nghiên cứu phương pháp thực hiện, làm chủ công nghệ mới và vận hành dây chuyền sản xuất.

Với việc chuyển giao công nghệ sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học, dự án hướng đến mục tiêu đến năm 2020, góp phần làm giảm 65% lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010, giảm 50% lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại chợ, thu gom và tái sử dụng 50% số lượng túi nilon khó phân hủy trong rác thải sinh hoạt.

Về lâu dài, nhà máy sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học tại Long An được kỳ vọng sẽ góp phần đem lại xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, hướng đến bảo vệ môi trường vốn đang là vấn nạn ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn.

 Theo TC Tia Sáng/Tiasang.com.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc