Bất chấp bị gọi là “hâm” khi đổ vốn đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ trong một thời gian dài không thu hái, chị Nguyễn Thị Huyền và Công ty Vinasamex đang cùng người nông dân vùng cao khẳng định được vị thế của sản phẩm quế, hồi Việt Nam tại những thị trường cao cấp, khó tính nhất thế giới.

Tổng giám đốc Vinasamex Nguyễn Thị Huyền

Ở Việt Nam, quế, hồi vẫn đang chỉ là những loại sản phẩm mang giá trị thấp trong khi ở nước ngoài, đây là những nguyên liệu quý được dùng để chế biến nhiều sản phẩm có giá trị trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm.

Ít ai biết được rằng trên thế giới hiện nay chỉ có năm nước trồng quế, trong đó có Việt Nam. Và đặc biệt hơn, chỉ Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất trên thế giới may mắn sở hữu cây hồi.

Được biết, diện tích trồng hồi ở Việt Nam vào khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn; còn diện tích trồng quế lên tới 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở Yên Bái và Quảng Nam. Vào năm 2007, cửa khẩu khu vực Lạng Sơn chất đầy những đống vỏ quế trên các xe tải đang chờ xuất sang Trung Quốc. Bị thương lái Trung Quốc ép giá, không biết bán cho ai, cũng không thể trở về tay trắng, tư thương người Việt đành ngậm ngùi chấp nhận bán rẻ.

Lúc này, anh Nguyễn Quế Anh cùng một người bạn của mình đang kinh doanh các mặt hàng linh kiện điện tử nhập từ Trung Quốc quyết định chuyển sang làm việc với các tư thương nơi biên giới, sản xuất quế, hồi bán cho một số công ty nhà nước để xuất khẩu.

Năm 2012, anh Quế Anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Huyền bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bằng việc thu mua quế, hồi xuất khẩu ra nước ngoài. Công ty Vinasamex có trụ sở ở Gia Lâm, Hà Nội được thành lập, chị Huyền giữ vị trí Tổng giám đốc.

Còn nhớ ngày đầu bén duyên với cây quế, cây hồi vào năm 2011 khi vừa kết thúc công việc cũ cũng chính là ngày đầu tiên chị Huyền dẫn khách nước ngoài lên vùng hồi khảo sát. Đứng trước thiên nhiên bạt ngàn, chị nhận ra trái tim mình đã trót lỡ nhịp, dành tình yêu cho mùi hương đặc biệt ấy, trong chị xuất hiện một thứ cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.

Lúc này, vốn tiếng Anh tích luỹ từ những ngày ngồi trên giảng đường đại học của chị được phát huy, một lượng khách lớn đổ về nhưng chủ yếu vẫn là người Ấn Độ và Bangladesh. Một năm sau khi thành lập, Vinasamex bắt đầu đưa được hàng vào Hàn Quốc và Mỹ.

Sản phẩm làm từ quế, hồi có tiềm năng rất lớn.

Chăm chỉ tham gia nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, chị Huyền nhận ra, ngoài Ấn Độ và Bangladesh, rất nhiều thị trường khác trên thế giới cũng có nhu cầu đối với các sản phẩm quế, hồi. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào Ấn Độ. Đây là một rủi ro quá lớn.

Chị Huyền nhớ lại, năm 2011 giá thành giảm mạnh đột ngột xuống chỉ còn 1/3; khách Ấn Độ ngưng nhập khẩu trong vòng một năm ròng, doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng vì không thể xuất hàng.

Hơn nữa, diện tích và sản lượng quế, hồi rất lớn nhưng chính những người trồng cây là bà con nông dân lại không ai biết được công dụng thực sự của chúng; họ không hề biết thương lái Trung Quốc mua quế, hồi để làm gì.

“Rõ ràng không ổn! Tôi quyết định mở rộng thị trường và bắt đầu làm việc với người nông dân”, chị Huyền nhớ lại.

Hợp tác với nông dân kinh doanh bền vững

Thiếu kiến thức, trồng được cây mà lại không biết giá trị của sản phẩm là lý do khiến những người nông dân chân chất, thật thà chịu thiệt thòi, bị thương lái ép giá. Cuộc sống, miếng cơm manh áo của họ gần như nằm trong tay những thương lái đến từ Trung Quốc.

Đó có lẽ cũng là một trong những động lực lớn nhất để Vinasamex quyết định chuyển hướng vào năm 2015. Chị Huyền cùng cộng sự đi sâu vào vùng nguyên liệu, làm việc với người dân địa phương về quy trình trồng, tiêu thụ hồi, quế với mục tiêu làm ra những sản phẩm hữu cơ chất lượng nhất, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

“Trước đó, quế, hồi của Việt Nam chỉ xuất được sang các thị trường thấp cấp mà không thể tiếp cận các thị trường cao cấp do không kiểm soát được chất lượng trong khi các thị trường đó rất khó tính và đòi hỏi rất cao”, chị Huyền cho biết.

Từ khi làm việc với công ty của chị, thu nhập của người dân cao hơn rất nhiều do được cam kết mua với giá cao hơn thị trường, ít nhất là 10%. Chẳng hạn, thu nhập bình quân của bà con trồng hồi đã tăng từ 30 triệu/năm lên 35 triệu, thậm chí là 40 triệu/năm.

Ngoài ra, khi vào xây dựng chuỗi giá trị, Vinasamex xác định dám đương đầu với các thương lái Trung Quốc, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân và có những khi đẩy giá lên rất cao. Trong năm ngoái, giá thị trường hồi tăng gấp đôi, một phần do sản lượng thấp hơn mọi năm, mặt khác, Vinasamex sẵn sàng mua cao hơn mức giá thương lái Trung Quốc đưa ra.

Dù vậy, chị Huyền cho biết con đường xây dựng thành công vùng nguyên liệu hữu cơ, gắn bó với bà con nông dân vô cùng gian nan, trắc trở mà nếu không kiên trì, có lẽ chị đã bỏ cuộc từ rất lâu. Khó khăn lớn nhất là tạo niềm tin cho người dân vì ban đầu, họ không ngừng nghi ngại và đặt câu hỏi tại sao phải làm việc với doanh nghiệp; tại sao phải thay đổi cách trồng và chăm sóc quế, hồi; liệu có lợi ích gì hay không.

“Lúc đầu chỉ có vài hộ theo mình. Sau một thời gian thấy những người đi trước thu về nguồn lợi, những hộ khác cũng dần dần xin theo. Khi người nông dân đã tin tưởng, làm việc với họ sẽ rất dễ bởi họ không quá quan tâm đến tiền bạc mà chủ yếu làm vì niềm tin và đam mê”, chị Huyền chia sẻ.

Để tạo niềm tin cho bà con, mới đầu chị phải nhờ đến cơ quan chính quyền vận động và định hướng. Mặc dù không phải chính quyền nào cũng giúp đỡ nhưng chị cảm thấy may mắn vì có những cán bộ huyện, xã nhìn nhận được vấn đề và đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp.

Vinasamex sẵn sàng hỗ trợ thêm chi phí cho bà con nông dân để họ tới tham dự các buổi đào tạo được tổ chức dưới sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, đồng thời bày tỏ nguyện vọng hợp tác với họ phát triển vùng nguyên liệu và cam kết bao tiêu, mua sản phẩm với giá cao, để họ không vướng phải nỗi lo bị tồn hàng hay chịu cảnh được mùa – mất giá.

Bên cạnh đó, Vinasamex còn hỗ trợ cho người nông dân bao bì đóng gói, phân bón, giống cây trồng…cũng như thực hiện các chính sách nhân dịp lễ, Tết. Nhận thấy việc thu hái thủ công như trước đây rất nguy hiểm, công ty của chị Huyền đã cung cấp công cụ thu hái đảm bảo an toàn cho bà con.

Thấy được tình cảm và sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân đã sẵn sàng mở lòng, tin tưởng và cùng Vinasamex khẳng định, nâng tầm chất lượng của quế, hồi Việt Nam. Chỉ từ vài hộ dân, nay công ty của chị Huyền đã mở rộng được mạng lưới lên đến gần 450 hộ trồng hồi, quế tại Lạng Sơn và Yên Bái.

Chị Huyền cùng Vinasamex quyết tâm gắn bó với bà con nông dân.

“Tôi rất vui vì cuối cùng bà con cũng hiểu ra. Mình phải nâng cao nhận thức cho họ để họ hiểu, họ tin và tiếp theo là củng cố kiến thức, kỹ thuật cho họ”, chị Huyền cho biết.

Sau khi đã cùng bà con nông dân phát triển vùng nguyên liệu, đến năm 2017, Vinasamex xin được chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Cuối năm 2017, chị Huyền còn có thêm được một số chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm, chứng nhận tiểu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS).

Sản phẩm quế, hồi của Vinasamex còn đạt được chứng nhận Fair Trade (thương mại công bằng) và Fair For Life (công bằng với cuộc sống, với nông dân), đảm bảo lợi ích cho cả khách hàng và người làm ra sản phẩm. Chị Huyền cho biết, các thị trường lớn không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn đánh giá cao giá trị xã hội mà sản phẩm và doanh nghiệp mang lại.

Hiện nay, Vinasamex đã xây dựng nhà máy rộng 15.000 m2 với hệ thống máy móc hiện đại. Trong năm ngoái, sản lượng xuất khẩu của Công ty đạt 1.000 tấn. Mặc dù sản lượng trước đây có thể lên đến 2.000 tấn vào các thị trường truyền thống, nhưng do tập trung vào hàng cao cấp nên 1.000 tấn hiện nay có thể đạt giá trị bằng 2.000 thậm chí là 3.000 tấn trước đây.

“Ngày xưa xuất sang Ấn Độ loại quế cấp thấp giá chỉ 2.000 USD nhưng khi xuất sang thị trường cao cấp, giá có thể đạt 5.000 USD, có những khi lên đến 7.000 USD. Chúng tôi xác định không thể tập trung vào sản lượng mà phải đầu tư cho giá trị sản phẩm. Bán ít nhưng giá trị phải cao”, chị Huyền khẳng định.

Hướng đến người biết “chơi”, biết thưởng thức

Dù Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có quế, hồi nhưng chị Huyền thừa nhận, ngay từ ban đầu, các sản phẩm của Vinasamex đã hướng ngay đến thị trường quốc tế và bỏ qua thị trường Việt Nam.

Chị Huyền lý giải, nhu cầu quế, hồi trên thế giới vào thời điểm đó rất lớn trong khi ở Việt Nam nhu cầu thấp, chính người trồng cũng không biết giá trị của sản phẩm. Khi người nước ngoài không ngừng xuýt xoa và rất quý cây quế, cây hồi thì người Việt dù được tặng cũng băn khoăn không biết để làm gì nên sản phẩm coi như không có giá trị.

“Ban đầu chúng tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu được nhưng dần dần chúng tôi nhận ra rằng phải những người đã sử dụng và biết được công dụng mới thấy được sự tinh tuý của nó”, chị Huyền cho biết.

Theo đó, các sản phẩm quế, hồi của Vinasamex hướng đến những người biết chơi, biết thưởng thức thay vì bán một cách tràn lan. Nói như vậy không có nghĩa là chị bỏ qua thị trường tiềm năng hơn 90 triệu dân ngay trước mắt. Trong hai năm qua, chị Huyền đã hình thành ý tưởng và khao khát lan toả giá trị của quế, hồi tới những người con dân Việt bởi chị tin rằng người Việt cũng cần được hưởng những sản phẩm tốt nhất.

Gian hàng của Vinasamex tại Hội chợ BioTrade Vietnam.

CEO Vinasamex cho biết, trước mắt phải tìm cách để người Việt hiểu được công dụng và giá trị của các sản phẩm quế, hồi chứ không thể bán tràn lan. Kế hoạch là sẽ phải có showroom giới thiệu sản phẩm, cho khách hàng trải nghiệm công dụng và thấy được sự tinh tuý của sản phẩm trước khi trưng bày tại các chuỗi bán lẻ sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, sân bay…

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong suốt hai năm qua, điều đó mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Chị Huyền cho biết, do xuất khẩu đã quen nên khá khó khăn khi quay lại tiếp cận thị trường Việt Nam bởi thứ nhất là chưa có nhiều kinh nghiệm; mặt khác, gu của người Việt khá phong phú, phân theo tầng lớp nên chưa có cách tiếp cận phù hợp nhất được tìm ra.

“Bản thân tôi chỉ mong muốn người Việt được dùng sản phẩm tốt còn về thu lời, tôi vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu, mỗi container xuất đi đã lên tới 7-15 tấn rồi. Ngoài ra, tôi cũng muốn đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu của mình ở quê hương vì trên thế giới có nhiều người biết đến và đánh giá cao nhưng lại quá mờ nhạt ở trong nước”, chị Huyền chia sẻ.

‘Tôi không thích thành công quá dễ dàng’

Có máu kinh doanh từ rất sớm, từ cấp hai, chị Huyền đã lên Hà Nội lấy sô-cô-la về Hải Dương bán trong ngày valentine. Lên đại học, chị làm đủ thứ nghề từ bán quần áo, bán bánh khoai, nem rán đến làm gia sư. Cùng với tố chất năng động có sẵn của những người học khối D, chị đã nhanh chóng hoà mình và yêu luôn công việc kinh doanh chỉ khi mới ra trường.

Thế nhưng, vận hành một công ty không đơn giản như câu chuyện buôn-bán, chị Huyền phải đối mặt với không ít khó khăn liên quan đến các vấn đề quan trọng bao gồm nhân sự, chiến lược kinh doanh, sản xuất, nguồn nguyên liệu, thị trường, khách hàng…phải nhạy bén, bắt kịp thị trường và phải có chiến lược cạnh tranh riêng cho doanh nghiệp của mình.

“Đó là một câu chuyện quá dài, quá nhiều khó khăn, thử thách và cả bài học. Tôi cũng đã phải trả học phí cho những bài học ấy”, chị Huyền trầm ngâm nhớ lại.

Chị Huyền đánh giá, những kiến thức được đào tạo tại các trường ở Việt Nam khá tốt song con đường từ lý thuyết đến thực tế lại rất dài trong khi thực tế mới là điều quan trọng. Chị Huyền cho biết, tất cả những kỹ năng, kiến thức về kinh doanh, quản trị của chị đều được tích luỹ được trong quá trình làm việc. Mặc dù không được học chuyên ngành kinh doanh, quản trị trong trường đại học nhưng chị có cơ hội tham gia các khoá đào tạo của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam làm trong các tập đoàn lớn của nước ngoài. Khi đã làm việc thực tế, việc nắm bắt và áp dụng lý thuyết vào thực tế rất dễ dàng.

Nhờ nhiều năm làm việc với các đối tác lớn trên thế giới, chị có cơ hội tích luỹ và rèn luyện nhiều kỹ năng khác như phong cách làm việc, kỹ năng giao tiếp, đàm phán, chuyên môn về xuất nhập khẩu…

Là một người phụ nữ trẻ, cá tính và dám làm khác, chị Huyền cho biết thời điểm những người trong nghề bảo chị “bị hâm” vì bỏ vốn đầu tư không có lãi trong một thời gian dài thay vì mua hàng-xuất khẩu có lãi như trước, chị vẫn quyết tâm làm đến cùng, là người tiên phong phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ cùng bà con nông dân.

“Tôi xác định đây là cái nghề. Tôi đã yêu và muốn làm lâu dài, có thể truyền từ đời này qua đời khác. Chúng tôi xác định khi đã đi đường dài, phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng, và nếu có đến dễ dàng thì tôi cũng không thích. Thành công phải có khó khăn, phải có thử thách để đến khi thu về kết quả, mình mới thấy quý và xứng với những cố gắng đã bỏ ra”, nữ doanh nhân 8x nêu quan điểm.

Luôn đồng hành và chia sẻ tầm nhìn với nhân viên, chị Huyền cho biết bên cạnh mong muốn về lợi nhuận, Vinasamex phải luôn hướng đến kinh doanh có đạo đức, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

“Làm kinh doanh phải đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu người khác hài lòng chắc chắn tâm mình sẽ cảm thấy thoải mái. Nếu mình làm bằng cái tâm, chắc chắn sẽ thành công. Còn nếu nghĩ quá nhiều vào lợi nhuận thì sẽ kinh doanh không bền”, chị Huyền chia sẻ.

Theo CEO Vinasamex, các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng trên thế giới. Người ta đã nhắc đến Việt Nam với những sản phẩm chất lượng, với những con người chịu khó, sáng tạo và dám làm. Nhiều người sau 20 năm từ chối làm ăn với các doanh nghiệp Việt nay đã phải trầm trồ vì một thế hệ doanh nghiệp mới của Việt Nam trẻ, dám khẳng định mình bằng chất lượng và uy tín.

Thế nhưng, chị Huyền cũng thừa nhận, doanh nghiệp Việt còn quá nhỏ bé khi bước ra quốc tế. Chính vì vậy, cần lắm những cái nắm tay để mỗi bước đi được vững chắc hơn, để thương hiệu Việt Nam được lan toả mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, Việt Nam có sản phẩm tốt, con người tốt, nguồn nguyên liệu tốt; chỉ có điều chưa biết cách làm, máy móc, công nghệ còn kém và quan trọng là bản thân chủ doanh nghiệp không sẵn sàng thay đổi, không sẵn sàng đầu tư.

“Nếu quyết tâm thì sẽ làm được hết, cái tên Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn. Tôi có một tham vọng là trong tương lai không xa, bạn bè quốc tế sẽ phải gọi tên Việt Nam khi nhắc đến quế, hồi”, chị Huyền chia sẻ.

Nữ doanh nhân trẻ mong muốn góp phần lan toả văn hoá và bản sắc dân tộc của Việt Nam ẩn chứa trong hương thơm của cây quế, cây hồi ra khắp thế giới.

 

Nguồn: TheLaeder

https://theleader.vn/nguoi-nang-tam-que-hoi-cua-viet-nam-tren-ban-do-huong-lieu-the-gioi-1550747651196.htm

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc