(Phụ Nữ Hiện Đại) – Chẳng có nỗi buồn nào là vô nghĩa, cũng chẳng có đớn đau nào là vô cớ. Ai cũng muốn được tôn trọng, bao gồm cả cơn tuyệt vọng quằn quại hay nỗi chán chường vu vơ của họ.
Áp lực gia đình, áp lực xã hội là hai trong nhiều nguyên nhân gây ra trầm cảm. Và cũng chính những điều này khiến trạng thái trầm cảm trở nên nặng nề, kéo dài hơn. Trong khi những người trầm cảm luôn cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh để vượt qua chính mình thì ngoài kia, không ít người vẫn dành cho người trầm cảm những cái nhìn dò xét, hời hợt thậm chí chế giễu, vì họ không thấu hiểu câu chuyện người khác đã trải qua, cũng không ý thức được rằng trầm cảm nguy hiểm đến cỡ nào.
Trầm cảm – sát thủ ẩn mình trong xã hội hiện đại…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm thứ hai gây hại sức khỏe của con người chỉ sau các bệnh tim mạch. Tính riêng ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, con số này gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Đặc biệt, trầm cảm đang có xu hướng dịch chuyển từ người già (60 – 65 tuổi) sang giới trẻ (15 – 27 tuổi).
Tính riêng ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, con số này gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.
Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chỉ ra, khoảng 8% – 29% trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên Việt Nam có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, tức 80% còn lại không hề có sự quan tâm đúng mực từ gia đình và xã hội.
Đó đều là những con số biết nói, bởi chúng đã gióng lên một hồi chuông dõng dạc về thực trạng trầm cảm ở giới trẻ hiện nay. Nhưng có vẻ như nhiều người lại đang “giả vờ” không nghe thấy âm thanh gì từ chiếc chuông đó.
Tại sao những tâm tư chẳng thể giãi bày cùng ai?
Ở mức độ nhẹ, những người trầm cảm thường có tâm trạng buồn bã, không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những công việc vốn là sở thích trước đây. Ở mức độ nặng hơn, những người trầm cảm thường có khí sắc trầm, không cảm thấy hạnh phúc, mất niềm tin vào cuộc sống, nguy hiểm hơn là cảm thấy muốn chết, không thiết tha gì cuộc sống này nữa.
Đáng tiếc, những cảm xúc, biểu hiện này không phải lúc nào cũng được nhìn nhận hoặc quan tâm.
Mặc dù trong thời gian gần đây, sự quan tâm của xã hội đối với những người trầm cảm đã được cải thiện đáng kể, nhưng sự thờ ơ vẫn tồn tại xung quanh. Người trẻ trầm cảm dường như không có nhiều nơi để chia sẻ những cảm xúc, tâm trạng của bản thân mình. Tâm lý lo sợ rằng khi chia sẻ những điều này có thể khiến họ nhận về nhiều phản hồi tiêu cực (thậm chí cay nghiệt) càng khiến họ khép mình hơn.
Và những lý do này thường bị lãng quên.
Ngay cả với cha mẹ, họ cũng không dễ dàng mở lòng, đó là chưa kể nhiều khi cha mẹ chính là nguồn cơn gây ra những cảm xúc tiêu cực trong con cái. Giữa cha mẹ và con cái thường có một khoảng cách vô hình nhưng đủ lớn, đó là khoảng cách thế hệ, khoảng cách lứa tuổi. Vậy nên nhiều người trẻ trầm cảm không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia trong gia đình. Còn khi chia sẻ với những người đồng trang lứa, những cái họ nhận về giống như trò may rủi, may thì được lắng nghe, rủi thì bị phán xét, cười cợt hoặc nhận về những lời nói có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Trầm cảm không phải là cường điệu cảm xúc, nó là những cảm xúc đáng được tôn trọng.
Nếu không thể yêu thương, cũng đừng phán xét, đừng cười cợt, đừng miệt thị hay coi thường.
Trong cuốn sách “Tôi muốn chết nhưng tôi thèm ăn Tteobokki”, tác giả Beak See-Hee có viết: “Chẳng có nỗi u sầu nào là vô nghĩa. Dù bạn đang quằn quại trong hố sâu tuyệt vọng hay chỉ đơn thuần vướng vào những nỗi chán chường vô cớ, bạn có quyền được quan tâm, được lắng nghe, được vỗ về an ủi. Điều tưởng chừng như đương nhiên này hóa ra lại rất dễ bị lãng quên giữa cuộc sống hiện đại xô bồ, náo loạn.”
Chúng ta sống giữa cuộc đời với một trong những nhu cầu không thể thiếu, đó là được – thấu – hiểu. Đặc biệt với người trẻ trầm cảm, việc được thấu hiểu chẳng khác nào có ai đó “đưa một bàn tay nắm lấy một bàn tay”, giúp đỡ họ, đồng hành với họ, cùng họ chiến đấu với những mệt mỏi, đớn đau trong lòng.
Nhiều khi, được thấu hiểu chính là liều thuốc hiệu quả và đơn giản nhất mà người trẻ trầm cảm cần.
Nhưng trước khi đợi người khác thấu hiểu, hãy tự hiểu và xoa dịu tâm hồn mình…
“Không sao đâu, người không có bóng thì sao hiểu được ý nghĩa của ánh sáng”.
Cũng trong cuốn sách “Tôi muốn chết nhưng tôi thèm ăn Tteobokki”, tác giả nhắn nhủ với bạn đọc: “Và chỉ khi ta biết chăm sóc cho những vết thương dù nhỏ nhất của mình, ta mới cởi mở được cánh cửa lòng mình để đón nhận tình yêu thương từ những người xung quanh. Vậy nên, hãy chú ý lắng nghe những thanh âm đến từ chính tâm hồn ta, từ nơi sâu thẳm mà biết đâu đấy, bấy lâu nay, ta vẫn vô tình bỏ lỡ.”
“Bởi vì chúng ta luôn là những người dù có muốn chết vẫn sẽ thèm ăn Tteokbokki”.
Nguyễn Hiền Tâm (CLB Phụ Nữ Hiện Đại)
“Tôi muốn chết nhưng tôi thèm ăn Tteobokki” là cuốn sách dành cho những người trẻ trầm cảm (hoặc những người muốn hiểu hơn về trầm cảm), được viết bởi một người trẻ trầm cảm – Beak See-Hee. Cuốn sách giống như một tiếng chuông gió trong trẻo vang lên, nhẹ nhàng nhắc nhở rằng chúng ta và những nỗi buồn của chúng ta đều vô cùng ý nghĩa. Cuốn sách là những tâm sự, trải lòng, là cuộc đối thoại giữa tác giả và bác sĩ tâm lý được ghi chép lại mà ở đó, độc giả có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình, đồng cảm và sẻ chia. Sách được phát hành bởi NXB Công Thương và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà. |