Hiện nay một bộ phận SV cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi, nhưng vẫn chật vật trên hành trình tìm được công việc như mong muốn…

Một bộ phận sinh viên ra trường chật vật tìm kiếm cơ hội việc làm đúng ngành, nghề, thu nhập cao. Ảnh minh họa: ITN

Bằng giỏi vẫn khó tìm việc?

Tốt nghiệp bằng giỏi tại một trường danh tiếng là vinh dự và cũng là áp lực đối với Đỗ Thị Thu Thủy (23 tuổi, quê Thanh Hóa). Trong suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường, Thủy luôn là sinh viên tốp đầu của lớp, nhiều năm liền giành học bổng, là niềm tự hào của bố mẹ ở quê. Thế nhưng sau khi tốt nghiệp, Thủy lại không tìm được công việc như mong đợi.

“Mình nghĩ tốt nghiệp loại giỏi là một ưu thế lớn của bản thân so với các ứng viên khác trong tuyển dụng. Nhưng thực tế không phải như vậy. Nhà tuyển dụng không quá quan tâm đến tấm bằng loại khá, giỏi khi phỏng vấn. Điều này khiến mình khá buồn và hụt hẫng. Khi phỏng vấn, họ đặt nhiều câu hỏi về kinh nghiệm, kỹ năng hơn. Tự bản thân mình cảm thấy đó không phải lợi thế của bản thân. Lý do, khi còn là sinh viên, mình chú trọng việc học kiến thức hơn”, Thu Thủy chia sẻ.

Trông chờ vào tấm bằng giỏi có thể mang đến cho bản thân một công việc ổn định với mức lương cao, Lê Ngọc Hà (25 tuổi, quê Tuyên Quang) cũng gặp phải tình huống tương tự. Bạn trẻ này tâm sự, khi mới ra trường, dù đã kiên trì rải hồ sơ cũng như đi phỏng vấn ở nhiều công ty lớn, nhỏ. Nhưng sau gần nửa năm ra trường, Hà cũng chưa tìm được việc.

“Cũng có công ty họ thông báo trúng tuyển, song mức lương họ trả thấp quá, chỉ từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Mức đó không đủ để mình chi trả sinh hoạt phí trên thành phố lớn. Những công ty mình mong đợi thì lại từ chối hoặc không phản hồi lại. Điều này khiến mình cảm thấy lo lắng và dần mất tự tin. Sau hơn nửa năm không có kết quả như mong đợi, mình đã phải cất tấm bằng loại giỏi, tìm đến những công việc trái với ngành học để duy trì cuộc sống. Cho tới nay, đây vẫn là một tiếc nuối lớn của mình”, Hà kể lại.

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi song vẫn chật vật tìm kiếm việc làm. Thậm chí, nhiều người buộc phải làm các công việc tay chân vốn phù hợp cho người lao động phổ thông. Họ phải làm vậy để duy trì, nuôi ước mơ theo nghề đã chọn.

Ảnh minh họa ITN.

Năng lực hơn… bằng cấp

Cũng cầm trên tay tấm bằng loại giỏi từ một trường có tiếng, song Trần Thị Thanh Mai (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) lại nhanh chóng tìm được việc làm đúng ngành khi ra trường.

Qua quan sát từ bạn bè xung quanh, Mai chia sẻ rằng, đa phần các bạn sinh viên khi còn đi học sẽ lựa chọn các công việc bán thời gian, không liên quan đến ngành nghề để có thêm thu nhập. Song ngoài khoản thu nhập đó, những công việc này không đem lại cho các bạn bất cứ kinh nghiệm làm việc nào.

Ngay từ kỳ I năm cuối, Thanh Mai đã xác định được công việc mình theo đuổi. Vì vậy, bạn trẻ này đã xin vào vị trí thực tập không lương tại một công ty nhỏ. Sau đó, với hơn 1 năm kinh nghiệm hỗ trợ các dự án, Thanh Mai đã tự tin ứng tuyển vào doanh nghiệp nước ngoài và được nhận với mức lương cao so với mặt bằng chung sinh viên mới ra trường.

Nhớ lại khoảng thời gian thực tập không lương, Mai chia sẻ: “Tuy ở trường mình học khá tốt kiến thức chuyên ngành, nhưng tới khi thực tập, mình mới biết giữa sách vở và công việc thực tế khác xa nhau. Trong quá trình thực tế trải nghiệm công việc, mình đã va vấp và học được rất nhiều điều mà thầy cô không dạy. Điều này khiến mình nhận ra, việc học giỏi chỉ là điểm cộng. Nếu không trau dồi kỹ năng mềm, tích lũy kinh nghiệm thì rất khó để cạnh tranh với các ứng viên khác trong thời buổi này”.

Chị Nguyễn Thị Phượng – Phó phòng tuyển dụng một công ty công nghệ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, hiện nay một bộ phận sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thực tế hay thật sự nổi bật nhưng lại đề xuất mức lương quá cao. Trong khi đó, số lượng hồ sơ đầu vào nhiều, các bạn sinh viên mới ra trường không chỉ phải cạnh tranh với nhau, mà còn cả những bạn đã ra trường và có một vài năm kinh nghiệm.

“Có nhiều hồ sơ, chúng tôi loại ngay từ vòng sơ tuyển. Các bạn nộp hồ sơ ứng tuyển nhưng lại quên đính kèm tệp, tiêu đề không rõ ràng, thậm chí còn ghi sai cả tên công ty. Điều này thể hiện sự không cẩn thận, thái độ chưa chuyên nghiệp”, chị Phượng giải thích về các lý do từ chối phản hồi hồ sơ của ứng viên.

Anh Bùi Chuyên – tuyển dụng tại một công ty du lịch và lữ hành ở Hà Nội cho biết: “Các bạn trẻ hiện nay có ưu thế là nhanh nhẹn, sáng tạo, giàu nhiệt huyết, nhanh tiếp thu và dễ đào tạo. Doanh nghiệp cần làn sóng mới, còn sinh viên mới ra trường thì cần cơ hội.

Vì vậy trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi vẫn nhận những ứng viên mới tốt nghiệp và cho các bạn thời gian 2 tháng để làm quen và thử việc. Trong 2 tháng thử việc, nếu các bạn thể hiện khả năng thích ứng và học hỏi tốt thì doanh nghiệp sẵn sàng nhận và đào tạo, bồi dưỡng thêm để các bạn có đủ khả năng đáp ứng công việc”.

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp chú trọng đánh giá năng lực thực tế của ứng viên thông qua các bài kiểm tra kỹ năng, dự án thực tế và phỏng vấn chuyên sâu thay vì chỉ dựa vào bằng cấp. Vì vậy, ứng viên cần tập trung trau dồi kỹ năng thực tế và xây dựng hồ sơ ấn tượng để thu hút nhà tuyển dụng, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo báo cáo từ “The Future of Jobs” năm 2023, có 42% các nhà tuyển dụng cho biết gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên có kỹ năng phù hợp với công việc. Đánh giá năng lực thay vì bằng cấp giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau, tạo môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập.

Tác Giả: Hà Trang

Đăng ngày :09/07/2024

Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tre-khung-hoang-voi-tran-chien-tim-viec-lam-post690626.html

Bệnh viện Hạnh Phúc