Ngày 4/10, tại Quảng Ninh, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị truyền thông về nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động. Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin mới, cập nhật và trao đổi thông tin hai chiều trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghịThứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị

Với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), Hội nghị đã được nghe và thảo luận các nội dung về: Kết quả thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, định hướng sửa đổi Luật giai đoạn 2020 – 2030; Giải pháp nâng cao chất lượng tuyển chọn nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Một số vấn đề về Luật và thực hiện Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Xử lý khủng hoảng truyền thông; Đẩy mạnh đào tạo văn hóa ứng xử cho người lao động thích ứng với thị trường lao động quốc tế;…

Trong những năm qua, công tác xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2017, XKLĐ đạt được con số kỷ lục với trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm. Năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142 nghìn người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng vượt mức 100 nghìn lao động.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đưa được tổng số gần 67 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019. Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Cùng với số lượng, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao; ngành nghề đưa đi được mở rộng, trong đó có nhiều ngành nghề mới như: điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia. Gần đây là một số thị trường Châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam…

 Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu đáng ghi nhận, công tác truyền thông về XKLĐ thời gian qua cũng còn những hạn chế. Việc tuyên truyền vẫn còn một chiều, chỉ tập trung vào các điểm “nóng”, những vụ việc phát sinh mà chưa chú ý đúng mức đến các vấn đề bức xúc  như: nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi, vấn đề tạo việc làm hậu XKLĐ, các tấm gương sáng hoàn thành hợp đồng về nước lập nghiệp thành công…

Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động là khó khăn, còn có tình trạng doanh nghiệp cần tuyển người thì không có, trong khi người cần đi XKLĐ thì không biết nơi cần tuyển dụng ở đâu, dẫn đến xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

Để khắc phục những hạn chế này, một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả là công tác truyền thông về XKLĐ. Theo đó, thông tin về XKLĐ cần được truyền thông nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

Nguồn: giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nguoi-dan-con-thieu-thong-tin-ve-xuat-khau-lao-dong-4037738-v.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc