Câu chuyện về người phụ nữ đang gây sự chú ý trên văn đàn và bạn đọc, cũng như một nhạc sư tuổi 93 khơi gợi nhiều suy tư, cảm nhận. Tác giả Trần Ngân đã chia sẻ cảm nhận: mỗi người có một miền đam mê của mình, muốn đạt đến được, phải kiến tạo và xây dựng, chăm chút, tu dưỡng cho nó trong bất kỳ một môi cảnh nào, để cuối cùng, đi đến với thế giới thật sự của riêng mình đã tạo dựng dù cuộc đời này có trần ai thế nào đi nữa. Cùng chia sẻ để mọi người cùng cảm nhận.
Người đàn bà gây sóng gió
Hai ngày trước, hình ảnh bà Nhu tràn ngập Facebook, những cái tên như Monique Brinson Demery (tác giả của Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực bà rồng), Mai Sơn (người dịch)… cũng liên tục được nhắc tới bởi người ta rất quan tâm đến người đàn bà mà 30 năm trước, có một nhà văn người Việt đã viết về bà như một người phụ nữ hư hỏng, có chồng là cố vấn cho nguyên thủ quốc gia mà lại cặp bồ bịch đi hết chỗ này đến chỗ khác.
Hồi đó, mười mấy tuổi, đọc truyện này thấy bà đó hay hay, chẳng có ác cảm gì, chỉ thấy đó là một người phụ nữ rất mạnh mẽ, dám yêu dám sống, dù tác giả cũng viết bằng thái độ khinh khi, nhưng nghe trong giọng văn có gì đó rất… thích.
Bản năng yêu đương, thích bạn tình là bản năng tích cực nhất con người có được, nhưng nếu nhiều quá thì hoá… tiêu cực, vì thế người ta “sợ”.
Có rất nhiều người muốn yêu ai đó, nhưng vì “sợ”, cái cảm giác “sợ hãi” nếu bị từ chốn khiến tổn thương làm cho người ta trở nên mặc cảm, và lâu ngày thành ra căm ghét, thậm chí thù hận và ganh tị, đố kỵ với người có khả năng yêu thương chân thành.
Nhưng câu chuyện về bà Nhu chưa dứt không phải chỉ vì khía cạnh tình cảm, đó là một câu chuyện rất khác.
Cuốn sách mới là một sự chia sẻ thật sự từ sự thấu cảm của thân phận người đàn bà luôn bị đặt dưới sự mặc cảm của người đàn ông và một phần nào đó, mặc cảm của cả một ý thức hệ Nho gia hoành hành khắp Á châu – có thể nói là – khủng khiếp vào đầu thế kỷ 20 và quẫy đạp giữa thế kỷ.
Chiến tranh ở Việt Nam có từ nhiều phía, nhiều nơi và cả nhiều sự đào thoát của thân phận con người, trong đó có hình ảnh người phụ nữ.
Một trong những cuộc chiến mà người phụ nữ miền Nam giữa thế kỷ 20 là cuộc chiến đòi nữ quyền, và có lẽ, sự xuất sắc đối đầu với các lề thói của một người phụ nữ mình hạc sương mai, thân hình thắt đáy lưng ong đã khuất phục cả những người đàn ông cứng rắn nhất.
Thiền sư toả hào quang giữa tiếng nhạc
Tháng 2/2016, tôi dự buổi ra mắt cuốn sách về nhạc sư Vĩnh Bảo do tác giả Nguyễn Thế Phong chủ biên, bên cạnh đó còn có bài tóm lược về cuộc đời nhạc sư của tác giả là một nhà báo nữ miền Nam.
Đầu năm 2015, ông nhận được giải thưởng Phan Chu Trinh cho sự nghiệp giáo dục và truyền bá văn hoá dân tộc.
Duy nhất có ông lên nhận giải, nói ngắn nhưng chơi đàn tuyệt hay, và đàn hết bài này đến bài khác, không chút mỏi mệt.
Buổi giới thiệu cuốn sách tổ chức tại đại học Hoa Sen bắt đầu từ 9 giờ, ông tham dự suốt cho đến 12 giờ 30, vẫn còn ngồi ký sách, không biết mệt mỏi.
Giây phút ông đẹp nhất, chính là lúc ông như một vị thiền sư được bao phủ trong tiếng đàn vang lên. Đó là một cảnh giới khác.
Ngay lúc đó, tôi đốn ngộ rằng mỗi người có một miền đam mê của mình, muốn đạt đến được, phải kiến tạo và xây dựng, chăm chút, tu dưỡng cho nó trong bất kỳ một môi cảnh nào, để cuối cùng, đi đến với thế giới thật sự của riêng mình đã tạo dựng dù cuộc đời này có trần ai thế nào đi nữa.
(Nguồn :Trần Ngân
Thế Giới Tiếp Thị
http://tiepthithegioi.vn/loi-song/nguoi-dan-ba-gay-song-gio-va-nghe-si-93-tuoi/)