Dõi theo những hình ảnh trong phim, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khâm phục Mai Anh, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng can trường. Tôi yêu cách mà chị dạy con, những hình ảnh sinh hoạt của cháu Thiện Nhân được ghi lại với rất nhiều trò. Bao nhiêu “nhân vật” xuất hiện trong bộ phim đều gọi họ là những người hùng, tấm lòng của họ quá lớn và đẹp biết chừng nào.

Tôi không lau nước mắt, cứ để cho những dòng lệ ấy tuôn trào, tôi thấy mình may mắn, biết ơn bao nhiêu người, biết ơn cuộc sống này, mình đang hạnh phúc và giàu có rất nhiều.

Tôi đoan chắc, khi cả gia đình bạn cùng xem bộ phim Lửa Thiện Nhân, ai nấy đều nghĩ ngay tới chuyện mình sẽ làm gì để hỗ trợ cho nhiều đứa trẻ khác. Hay chí ít, các con cũng có những ứng xử lịch thiệp khi gặp các bạn bị khiếm khuyết của “con chim nhỏ” trong việc đi vệ sinh. Những nỗi lòng của người làm cha, làm mẹ và cả những bạn nhỏ đã phải chờ các bạn đi hết mới dám đóng cửa vào nhà vệ sinh, còn hôm nào không có được “không gian riêng tư” thì bị trêu chọc vì “tè ngồi”.

143543Lua_Thien_Nhan

Bộ phim là bài học lớn, thực tế sống động và có sức lay động lòng người hơn ngàn bài đạo đức rao giảng khác. Tôi tin vậy.

Còn nhớ, đạo diễn Đặng Hồng Giang đã chia sẻ rằng: “Đồng nghiệp của tôi đã thực hiện về những mặt trái của xã hội rồi, còn tôi sẽ tiếp tục phản ánh những mặt tích cực của cuộc sống. Ai muốn đi thì số phận sẽ dẫn dắt, ai không muốn đi thì số phận sẽ kéo lê”.

Tôi nhớ đến lần gần nhất vào bệnh viện ung bướu nhìn thấy những người cha săn sóc nhiều đứa trẻ khác trong cùng phòng bệnh với con mình mà thấy trân quý họ vô cùng, nay tôi lại rất ngưỡng vọng khi gặp được vị bác sĩ Roberto de Castro. Tôi muốn nắm tay ông thật chặt, thay lời cám ơn. Bác sĩ Roberto de Castro – một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiết niệu nhi. Ông không chỉ mổ miễn phí cho Thiện Nhân, mà bây giờ, mỗi năm sang Việt Nam vài lần để phẫu thuật cho những em bé chịu khuyết tật cơ quan sinh dục khác.

[143543]Xem_phim_Lua_Thien_Nhan

Tôi gặp Mai Anh, mẹ của Thiện Nhân ở Sài Gòn, tại hội trường của đại học Hoa Sen, nơi vừa trình chiếu bộ phim. Một cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, một buổi xem phim và các clip chữa trị, săn sóc các em bé không may mắn trong cõi nhân sinh này. Nỗi đau nào, dù nhỏ dù lớn đều là cái đau… đều có chung cảm giác là đau lắm. Thương quá các em nhỏ, đau mấy cũng cố giụi mặt vào ngực những người lớn là mẹ là cha bất đắc dĩ, giấu nước mắt, giấu cái nhăn nhó… và sau đó lộ ra nụ cười như thần thánh!

Tôi viết bài này bằng cảm xúc chân thành, đôi khi chập chờn bởi tiếng nấc. Một tiếng kêu giữa sa mạc mà người ta nghe được thì đó là tiếng vang. Xin bạn xem đó như tiếng gõ cửa lòng của bạn. Đừng quên, ai hỏi thì ta đáp, ai gõ cửa thì ta mở, ai xin… thì ta cho nếu ta có gì để cho!

Theo Thế Giới Tiếp Thị 

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thuý (hội quán Các bà mẹ)

Bệnh viện Hạnh Phúc