Ngôi nhà được tác giả và phóng viên ảnh ghi nhận lại cùng phong các kiến trúc, nội thất, không gian lãn mạn và thật ấm áp. Ngôi nhà trong mơ của biết bao người phải không các bạn? Nhưng nhà đẹp còn phải có hơi ấm tình yêu thương, sự đồng điệu của những chủ nhân phải không các bạn?

“Chỉ còn tiếng gió”

Ngôi nhà của Trần Mạnh Tuấn nằm ẩn khuất nơi tận cùng của dòng sông. Yên tĩnh đến kỳ lạ. Có cảm giác như mọi ồn ã bụi bặm của cuộc sống thường nhật đều nằm bên ngoài cánh cửa. Ánh sáng tràn ngập nơi phòng khách, mở ra với thiên nhiên hoang dại, một hồ nước trong veo và đàn cá bơi lội tung tăng. Tràn ngập một cảm giác ấm áp. Hơi ấm toả ra từ căn bếp mở nối kết với phòng khách, từ những chiếc đàn piano rải rác quanh nhà, và từ nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng đã cùng nhau trải qua bao sóng gió cuộc đời…

Đối với anh, mái nhà mang một ý nghĩa như thế nào?
Một nghệ sĩ bôn ba nhiều như tôi, mái nhà chính là nơi mang lại sự bình yên, những phút giây nghỉ ngơi, để lấy lại cảm hứng từ cuộc sống. Không còn như hồi trẻ thích tung tăng ngoài đường, bây giờ, dù vẫn còn rất trẻ (cười hóm hỉnh), tôi đã có một không gian riêng để được nghe nhạc theo ý mình, để thu âm bất kể lúc nào tôi thích, và để thoả mãn đam mê bất cứ lúc nào có giai điệu vang lên trong đầu. Bây giờ, tôi sống ở nhà là chính.

Góc nhỏ nào trong ngôi nhà mang đến cho anh sự thanh thản nhất sau mỗi ngày làm việc? 
Niềm vui của người làm cha, làm mẹ chính là giây phút trở về nhà, gặp mặt hai đứa con thân yêu, nhìn thấy mấy chú chó tung tăng chạy ra đón mình mừng rỡ, và nụ cười của vợ đằng sau căn bếp đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều… Những giây phút ấy có thể giúp mình gạt bỏ tất cả những gì vất vả, bon chen, những căng thẳng triền miên khi đối diện với cuộc sống đầy bất trắc. Dù đã qua rồi cái thời phải đối mặt với cơm áo gạo tiền hàng ngày, nhưng tôi vẫn luôn phải gồng mình trong lao động nghệ thuật, lo cho tương lai của các con, và những dự án âm nhạc vẫn lôi cuốn mình về phía trước.

Anh đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm, sống trong rất nhiều ngôi nhà, từng bị cháy nhà, mất sạch của cải… ngôi nhà nào để lại cho anh ấn tượng nhiều nhất?
Thực sự, mỗi căn nhà đều có những kỷ niệm riêng chẳng thể nào quên được, gắn với từng chặng đời của mình. Thời thơ ấu tôi sống cùng gia đình trên một con phố nhỏ ở Hà Nội, tuy gia đình khá giả, đời sống khá thoải mái, nhưng trong tôi lúc nào cũng thiếu hụt tình mẫu tử. Cha mẹ tôi chia tay nhau từ khi tôi còn rất nhỏ, sống lang bạt cùng các đoàn hát, tôi lớn lên như một cái cây hoang. Rồi tôi lấy vợ, căn nhà ban đầu của chúng tôi chỉ có 20m2 nhưng vẫn thấy đủ, vì nó luôn tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười. Giống như tôi, bố mẹ cô ấy cũng chia tay từ khi cô ấy còn rất nhỏ. Chúng tôi giống như hai cái cây cô đơn gắn chặt vào nhau. Nếu không có tình yêu với âm nhạc, và tình yêu với cô ấy, có thể tôi sẽ không tránh khỏi những cám dỗ, tệ nạn… Đó là điều may mắn nhất cuộc đời tôi. Bước chân vào TP.HCM, từ căn nhà 100m2, đến 200m2, và bây giờ là 400m2… tôi cũng thấy vẫn như vậy, có thể không gian rộng rãi, thoải mái hơn, nhưng điều quan trọng là khi mình yêu những con người trong đó, khao khát được trở về để chia sẻ với những người thân yêu, niềm vui và nỗi buồn thường nhật.

Những góc nhỏ trầm mặc

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, khi xuất hiện bên anh trong những đêm nhạc, thấy chị ấy thật lộng lẫy, nhưng trở về nhà, chị ấy lại quần xắn cao chăm chút từng cái cây… Dường như mỗi vật dụng trong nhà đều có bàn tay chăm sóc của chị ấy?
Vợ tôi bản tính là người thích làm việc, đặc biệt thích cây cảnh, chó mèo, cá…những cái làm cho ngôi nhà sống động và gần gũi với thiên nhiên hơn. Cây cối làm cho mình dịu đi rất nhiều. Ngoài thiên chức của người vợ, người mẹ, cô ấy còn tham gia với tôi trong vai trò một khán giả rất nghiêm khắc và công bằng. Ở cương vị người nghe, những góp ý thú vị và giản dị của cô ấy luôn làm tôi giật mình. Nhiều khi mình mải đắm đuối với cái thích của riêng mình, mà quên đi người nghe thích gì, cần gì.

Trồng một cái cây cho nó lớn lên, nuôi một chú chó từ thời bé xíu… điều đó giúp ích thế nào cho việc giáo dục con cái, tình yêu cuộc sống?
Lối sống của bố mẹ ảnh hưởng đến con cái rất mạnh, nhất là khi con còn nhỏ, giống như một tờ giấy trắng. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm nhỏ, khi gia đình tôi mới chuyển về đây. Mỗi đêm đi biểu diễn về chúng tôi đều mang theo một bịch đồ ăn để dành cho đàn chó hàng xóm. Chỉ cần nghe tiếng xe đỗ xuống là bốn, năm chú chó tụ tập lại, hai đứa nhỏ rắc thức ăn cho những chú chó với một sự thích thú vô cùng. Chính từ những chia sẻ nhỏ nhoi đó, con mình sẽ lớn lên trong bầu không khí nhân ái, yêu thương…

Duyên lành nào đã đưa anh đến với “ngôi nhà trong mơ” này? Anh có chú ý đến không gian sống xung quanh, và hàng xóm của mình?

Tôi mua khu đất này lâu rồi, từ khi mới vào Sài Gòn. Bán ngôi nhà cổ ở
Hà Nội, vợ chồng tôi quyết định vào đây sinh sống, và muốn có một nơi thật tĩnh lặng để lao động sáng tạo. Tôi thích cái tên Thảo Điền. Giống như tựa đề một bài hát, ông tổ họ Nguyễn của khu đất này đã nghĩ ra một cái tên thật gợi cảm. Những người sống ở đây dù hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều là người thành đạt. Chúng tôi cùng nhau gìn giữ và đóng góp vào sự thanh bình nơi đây. Để thoả giấc mơ có một ngôi nhà của chính mình, tôi chọn một khu đất bên cạnh dòng sông, yên tĩnh đến mức chỉ còn tiếng gió thôi. Ở đây, tôi thấy tịnh tâm, nghĩ được nhiều thứ hơn. Âm nhạc cũng sâu lắng hơn.

Trong thiết kế, anh quan tâm nhất điều gì? Dường như nó mang hơi hướng của con người anh, vừa mộc mạc, vừa rất hiện đại?
Bên cạnh thẩm mỹ, tôi chú trọng nhất đến sự thông thoáng và tiện lợi của căn nhà. Cái đẹp phải phù hợp với nhu cầu sử dụng. Cũng có nhiều người giúp thiết kế, nhưng đưa ra nhiều ý tưởng hiện đại, thôi thì cậu hiện đại, mình chân quê, hài hoà với nhau như âm nhạc. Căn nhà là sự giao thoa giữa cổ điển và đương đại, một chút dân gian, một chút cổ điển châu Âu, một chút châu Á, mang lại phong vị quyến rũ hơn, nhìn lâu chán. Những không gian mở thông suốt, không có máy lạnh mà vẫn mát mẻ, rất nhà quê. Rất nhiều cửa sổ, rất nhiều ánh sáng. Từ đó tôi chọn những đồ gỗ, đồ đồng cũng nửa Đông, nửa Tây. Tôi thích cái gì mộc mạc. Nhà chỉ một màu trắng, tường trắng, bàn ghế đều một màu thiền, thi thoảng chấm một chút đỏ để đỡ bị nhàm. Không gian phòng khách thông với bếp thành một kiến trúc thống nhất, mở ra sân sau, nhìn được hết cả một không gian, để gió lưu thông. Đá cẩn trong bếp cũng là đá thiên nhiên, loại đá chỉ có ở Pakistan, màu xanh ngọc với những hoa văn tự nhiên rất đẹp. Vợ tôi cũng rất quan tâm đến phong thuỷ. Ngôi sao trên dòng nước kia là để chấn phong thuỷ cho tấm gương. Tôi còn tính được giờ nào thì gió lưu thông, giờ nào thì ánh nắng tràn vô. Trên gác là phòng sinh hoạt để chiều chiều mọi người gặp nhau cùng hát hò, cùng xem phim… Nhà có rất nhiều đàn piano, để bất cứ lúc nào cũng có thể vang lên tiếng nhạc.

Những không gian hoài niệm

Còn niềm tự hào của anh, một phòng thu vào hạng bậc nhất Việt Nam?
Nằm ở tầng hầm của ngôi nhà, phòng thu rộng khoảng 170m2, tường và cửa dày năm lớp, được thiết kế đặc biệt để đem lại một hiệu quả âm thanh tốt nhất. Studio là một “quần thể” gồm một phòng lớn đặt đàn piano và có thể chứa được dàn nhạc dây, bao quanh gồm bốn phòng nhỏ cho ca sĩ, bộ trống, nhạc cụ solo và phòng thiết bị máy móc. Phòng thu đã hoàn thành và đã “mở hàng” với phần thu cho Jazzy Dạ Lam và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh… Hiện tôi đang hoàn tất hai dự án âm nhạc của riêng mình, đó là album Trăng non, gồm những sáng tác mới nhất mang âm hưởng dân gian, và album Đôi mất thiên thần (Angel’s  Eye), gồm mười tác phẩm nước ngoài do tôi và êkíp nhạc công gồm bốn người Mỹ và một người Anh trình diễn. Album này tôi chơi sáo bầu, nghe rất lạ, rất đỏng đảnh… phòng thu này tốn rất nhiều tiền, nhưng tôi không đặt nặng về kinh doanh mà để thực hiện những dự án âm nhạc mình yêu thích. Và quan trọng hơn, mỗi khi có cảm hứng, bất kể ngày đêm, cũng có thể vào studio để thu ngay.

Sắp tới, anh còn định… xây nhà nữa không?
Tôi đang chuẩn bị cho một nhà nghỉ ở quận 9, không gian rộng gần 3.000m2, hiện đang cho trồng cây thật nhiều. Tôi thích làm một cái chòi bên hồ thật rộng để có thể ngồi câu cá, và không gian như một resort, để có thể về đó nghỉ ngơi và trồng cây vào những ngày cuối tuần.

Và thiên nhiên vẫn là ưu tiên hàng đầu

(Bài Kim Yến ảnh Thu Thuỷ/ Kiến Trúc Đời Sống)

Bệnh viện Hạnh Phúc