Những tiêu chí, quan niệm, phong cách nào sẽ “lên ngôi” trong thiết kế, tạo dựng tổ ấm trong năm nay, và đâu là lựa chọn nổi bật về vật liệu, công nghệ dành cho ngôi nhà đương đại?

  • PHẠM VŨ HÀ, Kiến trúc sư: NHÒE RANH GIỚI GIỮA CÁC THỂ LOẠI

Trước đây thường có sự phân biệt công trình công nghiệp, dân dụng, rồi ngay trong thể loại nhà ở cũng phân ra cao cấp hay nhà cấp 4… Nhưng hiện nay tôi thấy các ranh giới phân chia này đã nhòe mờ rồi, trong từng thể loại cũng khó phân biệt ít ra là về mặt hình thức biểu hiện. Thực tế thời gian qua cho thấy một số nhà “cấp 4” làm homestay ở vùng ngoại ô có khi được thiết kế và thi công kỹ lưỡng, chất lượng hơn biệt thự mang tiếng trong khu cao cấp mà thiết kế sơ sài, thi công không chuẩn. Đó là một xu hướng theo tôi là bắt đầu phổ biến hiện nay: làm thật kỹ những cái cũ.

Xu hướng thiên nhiên hóa, cụ thể là đưa cây xanh, chất liệu tự nhiên, thô mộc… cũng khiến một số công trình mang tiếng lâu nay là “khô cứng, đơn giản” trở nên hấp dẫn, gần gũi với nhà ở hơn, trong khi chính kiểu thiết kế thiên về bộc lộ khung kết cấu, đường ống kỹ thuật, dùng nhiều cấu kiện nhà xưởng công nghiệp thì gần đây lại được… dùng nhiều cho nhà ở, căn hộ. Các đối tượng sử dụng ngày càng trẻ hóa và chịu đầu tư chăm chút cho không gian thêm phần cá tính cũng góp phần làm nên nhiều phong cách hấp dẫn ở các thể loại quán xá, văn phòng chia sẻ (co- working), không gian nghệ thuật, khu đa chức năng… Còn trong nhà ở, dạng nhà diện tích nhỏ mà ưu tiên không gian đa năng và có cá tính ngày càng được chuộng hơn là nhà rộng mà thiếu tiện nghi, ví dụ như thang máy ngày càng được dùng nhiều dù nhà nhỏ và ít tầng.

Nhà khung thép, bê tông trần thô mộc, hoàn thiện công nghiệp, tái sử dụng vật liệu cũ… có thể xem là những xu hướng mới trong xây nhà ở hiện nay

Xu hướng thiết kế bền vững hiện cũng đang được nhắc đến nhiều, nhưng vấn đề giảm chi phí và tạo cá tính cho dạng thiết kế này là điều nhiều người quan tâm. Thực tế vẫn cho thấy làm một ngôi nhà bền vững đúng các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành có chi phí không hề rẻ chút nào, do đó giải pháp kiến trúc và nội thất tiết kiệm luôn song hành với những xử lý đơn giản, chủ động từ đầu mà ngôi nhà truyền thống Việt Nam đã áp dụng xưa nay. Cụ thể tôi thấy nhiều giải pháp đơn giản mà cũng khá tiết kiệm như sau:

– Tận dụng diện tích nhưng vẫn sẵn sàng dành tỷ lệ lớn cho khoảng trống, mà cụ thể là nhiều nhà thiết kế biến giếng trời, sân vườn thành điểm nhấn quan trọng, vừa giúp thông thoáng vừa giúp làm đẹp cho ngôi nhà. Thậm chí có nhiều không gian đẹp chủ yếu là nhờ khoảng trống hấp dẫn, các phòng ốc quây quần chung quanh, hay nhà lệch tầng nhìn lên nhìn xuống, cầu thang đổi vị trí giữa các tầng… Điều này nói lên không phải kiểu nhà nào xấu hay đẹp, mà là ở cách xử lý một trục thông thoáng, trục giao thông cũng có thể làm nên phong cách cho toàn nhà.

– Khai thác nhiều các khoảng đệm, ví dụ như khoảng dưới vùng áp mái, khoảng hành lang và cầu thang đi lại, hay dạng mặt đứng, tường nhiều lớp… khá hiện đại mà lại hợp điều kiện khí hậu, môi trường Việt Nam. Cấu trúc nhiều lớp khi lợp mái truyền thống, hay tấm phên che nắng gắt nơi hàng hiên nhà xưa vẫn luôn đáng học hỏi để nhà mới chống nóng và thông gió hiệu quả. Nhiều nhà hiện nay đã không còn làm phòng ra sát ban công mà đều có khoảng cách đủ tạo nên lớp hiên đệm bằng lam hay gạch bông gió, chắn bớt bức xạ truyền vào nhà, trồng được đôi chút cây xanh, tạo nên “lớp rèm xanh” che chở phần nào cho nội thất. Đó chính là xu hướng, cho dù nó chỉ là những thủ pháp nho nhỏ.

  • LÝ MINH HẢI, Thầu xây dựng: LÀM ĐƯỢC THÌ HÌNH THÀNH PHONG CÁCH

Tôi thấy hầu hết các xu hướng làm nhà là kết quả của việc triển khai thực tế một kiểu nhà đạt hiệu quả thế nào sau một thời gian, cái gì không ổn thì dần bị loại bỏ, thay bằng “xu hướng” khác. Nhiều khi giải pháp thi công chính là ý tưởng ràng buộc ngược trở lại giải pháp thiết kế, ví dụ như nhà làm bằng khung thép hiện nay không còn xa lạ nữa, chứ 10 năm trước mà nói xây cái nhà toàn bằng thép chắc nhiều người không chịu. Do đó, tôi cho rằng: xu hướng nào mà đem lại hiệu quả kinh tế và kỹ thuật, sử dụng bền lâu, tiện lợi… thì xu hướng đó sẽ thịnh hành, nói nôm na là cái gì làm ra thấy được thì người ta mới chấp nhận, mới nhìn mặt đặt tên. Tôi ví dụ như việc đóng trần hay không đóng trần liên quan đến đi đường ống (điện, nước, điện lạnh, báo cháy…) nếu người ta để lộ đường ống ra mà đẹp thì lan truyền dần dần, thêm thắt này kia, để thành xu hướng quen thuộc. Chính vì công nghệ luôn phát triển nên kiến trúc, xây dựng là ngành chịu ảnh hưởng công nghệ nhiều nhất.

Có thể thấy cách xây nhà nhanh gọn đơn giản ở phần khung nhưng cầu kỳ, kỹ lưỡng ở phần hoàn thiện sẽ vẫn chiếm ưu thế. Phần khung đơn giản không phải là sơ sài, mà là ít ngăn chia ngóc ngách phức tạp, dùng không gian liên tục và có một cái nét chung nào đó xuyên suốt toàn nhà. Đến hoàn thiện thì bắt đầu tập trung các chi tiết nhấn nhá riêng, như những mảng gạch, lam, bông gió mặt tiền được xây và ốp rất công phu, hay làm kiểu “đo ni đóng giày” cho đồ nội thất để biến ngôi nhà thành “hàng đặt” riêng biệt và độc đáo, không mua “hàng chợ” bỏ vào. Tôi đã và đang làm cho nhiều chủ đầu tư theo xu hướng này, họ ngày càng ít quan tâm đến xu hướng trào lưu gì to tát, mà tập trung nhiều đến cách thức làm hoàn thiện cụ thể các phần trong một ngôi nhà. Ví dụ một trục cầu thang bằng thép tấm uốn liên tục kỳ công, một hệ trần bằng lam gỗ chạy suốt các tầng, hay một mặt tiền kiểu nhiều lớp với tấm thép đục lỗ cầu kỳ. Việc gọi tên một phong cách nào đó đa phần chỉ ở phía truyền thông và nhà chuyên môn.

Càng ngày, vai trò của truyền thông, nhất là các mạng xã hội đã và đang góp phần tạo ra xu hướng. Thậm chí nhiều người tham khảo hình ảnh nhà của người nổi tiếng rồi bắt nhà chuyên môn làm theo, trong khi người nổi tiếng cũng chỉ là người bình thường, thậm chí tầm thường, lệch lạc, thì không thể lấy nhà của họ làm chuẩn mực được. Cần xem lại những kiểu “làm nhà qua mạng” như vậy, vì ngôi nhà để ở lâu dài rất khác với vài ba tấm hình dàn dựng ảo diệu để câu like câu view, vậy mà cả gia chủ lẫn nhà thiết kế (nhất là “người trẻ” chịu ảnh hưởng mạng xã hội nhiều) cứ quay ngược lại bắt chúng tôi, người thi công trực tiếp phải làm bằng được những điều họ thấy trên mạng, bất kể thực tế sử dụng, giới hạn về chất liệu hoặc kỹ thuật thợ thầy tới đâu, còn vô nhà có thoáng mát, tiện dụng hay không thì bỏ qua, sau này khi vào sử dụng gặp bất cập lại đi chê trách đơn vị thi công.

  • TRƯƠNG NGỌC THOA, Nhà thiết kế nội thất: KHỞI ĐẦU LUÔN TỪ CON NGƯỜI

 Theo tôi, các phong cách trong thiết kế kiến trúc nội thất luôn khởi đầu từ con người, rộng thì là trào lưu chung của xã hội, còn hẹp thì phổ biến trong một nhóm người, tầng lớp hoặc địa phương có các điều kiện, hoàn cảnh hợp với xu hướng, phong cách đó. Ví dụ như ở các tỉnh thành miền Trung và Nam bộ có thời gian khá thịnh hành kiểu làm nhà “mái Thái” với dạng một mái, hai mái, thậm chí nhiều mái ngói tam giác đưa đầu hồi ra mặt tiền, rồi tô cột gờ chỉ, rồi sơn phết màu mè… bất kể cách bố trí mặt bằng bên trong hay hướng nhà thế nào. Nhưng rồi thế hệ các nhà thiết kế trẻ bắt đầu “về quê” góp phần thay đổi dần dần quan niệm, phong cách này trong chính nếp nghĩ của phụ huynh và gia chủ của mình. Làm nhà ở các tỉnh hiện nay ngày càng bài bản hơn, và loại bỏ dần các lối mòn, sao chép kiểu cũ. Sự phong phú trong tiếp cận thông tin mang tính toàn cầu đem lại lợi thế tham khảo rất lớn cho người chuyên môn, đồng thời cũng đặt ra thách thức làm sao để có những ngôi nhà mới mang dấu ấn của vùng miền, phong cách sống cụ thể của địa phương. Thực tế thì để hình thành và phát triển tốt một phong cách nào đó có rất nhiều gian nan như sau:

Chất liệu gần gũi, ngôn ngữ và dấu ấn Việt cũng là xu hướng cũ mà mới đang được nhiều nhà thiết kế áp dụng

Thứ nhất là vấn đề hiệu quả: Một nội thất nhà ở tư nhân hoàn chỉnh dù theo phong cách nào, vẫn cần đặc biệt chú trọng về công năng, nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư, tận dụng được ánh sáng tự nhiên, khai thác được những thuận lợi như nắng gió vốn có, sân vườn, cây xanh. Hiệu quả của một phong cách sẽ là tổng hòa các hiệu quả riêng lẻ sao cho tận dụng được không gian, có tính thẩm mỹ và đem lại cho người sử dụng sự thoải mái trong điều kiện có thể.

Thứ nhì là yếu tố cộng đồng: Gia chủ Việt làm nhà tôi nhận thấy hay chịu sự chi phối của bối cảnh xã hội, bà con bạn bè, hay láng giềng… chín người mưới ý mà lại hay nói ra nói vô. Thành thử một phong cách nào đó sẽ bị tác động lớn bởi nhóm dân cư lân cận, nếu nhà ai “dũng cảm đi trước” sẽ tạo nên các hiệu ứng lan truyền. Giải pháp tốt ắt sẽ tạo sự lan tỏa tốt, ngược lại thì giải pháp sẽ chỉ mang tính phổ biến một kiểu cách như thời trang thời thượng mà thôi.

Thứ ba vẫn là yếu tố con người, các bên tham gia làm nhà cần hình thành văn hóa giao tiếp và tuân thủ trình tự chuyên môn, chớ đốt cháy giai đoạn (nhất là ở khâu thiết kế) mà gây ảnh hưởng đến thực tiễn thi công. Bản thân các nhà thiết kế trẻ dù có phong cách riêng cũng cần thực sự cầu thị, tránh tình trạng quá “lậm” theo phong cách nào đó như cổ điển hay hiện đại sẽ dẫn đến “bệnh hình thức”, áp đặt. Vì mỗi phong cách đều có tác động khác nhau đến sự cảm nhận và trải nghiệm sống theo cách riêng từng gia chủ, gia đình, không ai giống ai. Nếu mình quan tâm nhiều hơn đến mong muốn của gia chủ, thói quen, truyền thống gia đình, nếu thực sự đặt mình vào vị trí của họ thì không gian tạo ra sẽ là mái ấm, chốn bình yên, cụ thể và thực tiễn.

Thực hiện: KTS LÊ HUY
Ảnh: VIỆT KHÔI

 

Theo TC Nhà Đẹp

 

Bệnh viện Hạnh Phúc