“Ngôi nhà điên” đã trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của Đà Lạt trong suốt một thập kỷ vừa qua. Công trình do chủ nhân của ngôi nhà là Tiến sĩ – kiến trúc sư người Việt Nam – bà Đặng Việt Nga thiết kế ban đầu được đặt tên là “Biệt thự Hằng Nga”, nhưng sau này đổi tên thành “Crazy House” hay “Ngôi nhà điên”.
“Ngôi nhà điên”, được xây dựng vào những năm 1990 với diện tích khuôn viên rộng lớn lên tới 1.600m2. Ngôi nhà biệt thự này tọa lạc tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng.
Sở dĩ ngôi nhà này tạo được ấn tượng độc đáo bởi sự thiết kế vô cùng quái dị và vẻ ngoài ngôi nhà này không khác gì những gốc cây, hang động giữa một khu rừng hoang sơ già cỗi.
“Ngôi nhà điên” bao gồm nhiều tòa nhà và nhà khách, quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật với phong cách đặc biệt. Các nội thất của tòa nhà bao gồm hang động, hành lang quanh co, cầu thang quanh co, đồ nội thất kỳ quặc và những bức tượng động vật với kích cỡ lớn. Không có những đường thẳng và góc thẳng, không “ngang hàng thẳng lối”. Có thể tạo ấn tượng là không gian, hành lang, cầu thang, cửa sổ hoặc đồ nội thất – tất cả mọi thứ có vẻ đã bị tan chảy ở nhiệt độ cao và trở thành hình dạng kỳ cục.
Giữa các tòa nhà là những mấu cây, rể cây xương xẩu làm bằng bê tông và mạng nhện khổng lồ làm bằng dây kẽm. Có một phòng trà nhỏ bên trong một tượng Hươu cao cổ to. Các phòng nghỉ có tên phòng Quả Bầu, Kangaroo, con gấu, con ong,… và để lên được những phòng này, du khách phải đi qua một cầu thang bao vòng quanh thân cây.
Điều đặc biệt ở “Crazy House” là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tuỳ hứng không theo quy luật, cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục.
Sự kết hợp giữa ý tưởng độc đáo mang tính nghệ thuật hiện đại, với nhu cầu sử dụng, thương mại, du lịch, cuối cùng đã đi đến thành công. Hiện tại, mỗi năm “Crazy house” đón khoảng 100.000 lượt khách tới tham quan, trong đó phần nhiều là khách nước ngoài.
Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói – “Tôi muốn đưa ra một lối kiến trúc khác, phong phú hơn những tòa nhà thời bao cấp, nhưng cũng khoa học và hiệu quả”.
Công trình chính là một thông điệp có ý nghĩa hết sức nhân văn, nhắn nhủ con người sống gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên.
Bên cạnh đó, thông điệp mà chủ nhân ngôi nhà muốn gửi gắm còn là hạn chế khai thác tận diệt thiên nhiên – đây là một thực trạng xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Nguồn: nguoiduatin.vn
https://www.nguoiduatin.vn/ngoi-nha-dien-thiet-ke-ky-di-hut-hon-du-khach-a474204.html