Tham vấn tâm lý là một việc làm cần sự kiên nhẫn, tỉnh táo để hiểu đúng, thương sâu và nếu cần chia sẻ, “bốc thuốc” có thể chữa lành vết thương cho người gặp sự cố cần được tháo gỡ…

1.JPG
TS.Phạm Thị Thúy tại một buổi chia sẻ – Ảnh: NVCC

Câu chuyện về “hạnh lắng nghe” trong công việc với TS. Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề tham vấn tâm lý cũng như việc lắng nghe giúp bạn thành công trong cuộc sống ra sao. Chia sẻ với PV Báo Giác Ngộ về nhân duyên với nghề, chị cho biết:

– Tôi may mắn được bén duyên với nghề tham vấn tâm lý từ năm 1999. Ngay trước khi tôi tốt nghiệp đại học vài tháng tôi đã có cơ hội thử việc tại một tổ chức chuyên về tham vấn tâm lý tại Hà Nội. Tôi mê tâm lý, thích đọc tiểu thuyết tâm lý xã hội từ bé nên được làm đúng môi trường công việc tham vấn tâm lý tôi rất thích và gắn bó đến nay đã 18 năm. Được làm công việc này ngay khi tốt nghiệp đại học với tôi là một nhân duyên kỳ diệu.

Tôi được nhiều bậc thầy trong nghề tham vấn chỉ bảo tận tình, và được tập huấn với các chuyên gia Mỹ về kỹ năng tham vấn ngay từ những ngày đầu học nghề. Khi vào TP.HCM tôi tiếp tục làm công việc này song song với nghề dạy học và đi học sau đại học chuyên ngành tâm lý lâm sàng, rồi thạc sĩ tâm lý lâm sàng chương trình liên kết giữa ĐH Paris 7 và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

* Trong tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, có ca nào để lại cho chị cảm xúc mạnh đến giờ vẫn chưa quên? Và bài học về nghệ thuật tư vấn mà chị rút ra cho cá nhân mình là gì?

– 18 năm qua tôi được trực tiếp gặp rất rất nhiều thân chủ. Có lẽ ám ảnh nhất là những ca về bạo hành gia đình. Ngày tôi mới vào nghề tôi chưa có gia đình, nghe những ca đó tôi bị ám ảnh đến mức nghĩ chắc không nên lập gia đình vì nhiều đau khổ quá. Qua quá trình được đào tạo nghề và tự rèn luyện nên dần tôi học được cách tách mình khỏi các câu chuyện của thân chủ, không còn ám ảnh nữa.

Bài học tôi học được là cần học cách tự chuyển hóa chính mình, tâm bình an mới giúp được người khác. Lắng nghe là nghệ thuật khó nhất trong nghề tham vấn. Nếu nghe mà để cảm xúc của thân chủ ảnh hưởng lên tâm trí mình là do mình còn những tổn thương trong quá khứ. Nhà tham vấn cần chữa lành chính tâm hồn mình mới có thể chữa lành được cho người khác.

* Đâu phải làm nghề tư vấn mới cần “hạnh lắng nghe”, các công việc khác cũng cần điều này, theo chị thì sao?

– Nơi đâu có giao tiếp nơi đó cần hạnh lắng nghe. Kể cả giao tiếp với thiên nhiên, nếu ta lắng nghe tiếng thiên nhiên ta mới thực sự hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu… Và tất cả các nghề, công việc khác cần có giao tiếp giữa con người với con người càng cần biết lắng nghe.

Có biết nghe mới thấu hiểu, có hiểu mới có thương, có hiểu có thương mới hợp tác được với nhau để giải quyết mọi vấn đề trong công việc, trong cuộc sống.

Ai biết nghe người đó biết giao tiếp. Biết giao tiếp là chìa khóa mở cánh cửa của sự hạnh phúc và thành công!

* Làm nghề, chị quan sát và thấy, con người ta thường rơi vào bế tắc, khổ đau, thất vọng, thất bại… theo công thức nào là chủ yếu, cơ bản?

– Các thân chủ tôi đã gặp họ rơi vào bế tắc, khổ đau, thất vọng,… thường do họ không hiểu chính mình, không hiểu mọi người xung quanh. Họ không chịu dành thời gian lắng nghe tiếng nói bên trong của chính họ và tiếng lòng của người khác. Điều đó khiến họ không biết họ thực sự muốn gì, người vợ người chồng người con người cộng sự người sếp người khách hàng muốn gì… nên từ đó xung đột nổi lên và kết quả là thất bại trong các mối quan hệ, bế tắc, khổ đau dằn vặt trong nội tâm…

* Có nhận xét rằng, để thành công trong cuộc sống, hạnh phúc trong hôn nhân và dạy con tốt thì bạn cần phải luôn lắng nghe. Chị có đồng tình và chia sẻ thêm, mở rộng về quan điểm này?

– Đúng vậy. Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng con cái cần học cách lắng nghe. Vợ chồng chịu lắng nghe nhau sẽ hiểu nhau, chấp nhận nhau, từ đó sẽ tôn trọng và yêu thương nhau hơn. Cha mẹ lắng nghe con cái sẽ hiểu con và từ đó biết mình nên nói gì và không nên nói gì khi dạy con. Các ca tham vấn những bất đồng trong đời sống vợ chồng câu mà tôi nghe chồng/vợ than nhiều nhất là cô ấy/ anh ấy không hiểu tôi hoặc tôi không hiểu nổi anh ta/cô ta muốn gì…

Tôi may mắn có nghề đi dạy song song với nghề tham vấn nên khi tôi được tiếp xúc với các em học sinh, các em than cha mẹ không hiểu mình, không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Còn cha mẹ trong các lớp kỹ năng làm cha mẹ thì than phiền tôi không thể hiểu được bọn trẻ bây giờ tại sao nó lại hành xử như thế… Làm sao để hiểu vợ/chồng/ con cái đây? Chỉ có thể là lắng nghe. Nghe những gì họ thực sự muốn nói nhưng chưa nói ra bằng lời được. Chúng ta cần nghe bằng mắt, bằng trái tim chứ nghe bằng hai tai chưa đủ. Cần học nghe bằng cả 5 giác quan cùng trái tim yêu thương, từ bi.

* Được biết, TS.Thúy vẫn thường tập thiền, lấy năng lượng bình an vào mỗi ngày bằng những cách tư duy tích cực, truyền cảm hứng lạc quan trên các diễn đàn… Đó có phải là một cách lắng nghe chính mình, hiểu và thương chính mình của chị?

– Vâng, thiền chính là cách tôi lắng nghe tâm mình. Hiểu mình để yêu thương bản thân, để mỗi ngày chăm sóc bản thân, hoàn thiện bản thân, không tìm cầu sự hài lòng từ bên ngoài mà tìm về sự bình an nội tâm. Tôi đang tập thiền như người tập đi thôi, tôi chưa biết nhiều, chưa luyện nhiều về thiền. Tôi thường thiền hành buổi tối, thiền buông thư trước khi đi ngủ, thiền động theo phương pháp của thầy Thích Nhất Hạnh – tập chánh niệm trong từng hành động của mình mỗi ngày. Suy nghĩ tích cực và cùng lan tỏa những điều thiện lành trên Facebook, trên các lớp học, diễn đàn với tôi là một nhiệm vụ tôi cần làm cho chính mình và cho mọi người cùng an vui!

* Có một điều mà người làm cha làm mẹ vẫn hay trăn trở đó là “khoảng cách thế hệ”, không thể hiểu được con vì nhiều nguyên nhân, chị có lời khuyên nào để các bậc phụ huynh và con em không trở nên xa cách? Và kinh nghiệm cá nhân của chị trong vấn đề rút khoảng cách, lắng nghe con trong chính tổ ấm của mình?

– Khoảng cách thế hệ ngày càng xa, tỷ lệ nghịch với số năm giữa các thế hệ ngày càng rút ngắn, 5 năm một thế hệ, 3 năm một thế hệ chứ không phải 20 năm như ngày trước… Mỗi chúng ta rất khác với người sinh cách ta 3-5 năm. Vậy cha mẹ và con cái cách nhau mấy thế hệ? Ít nhất bốn thế hệ! Công nghệ càng phát triển, xã hội càng thay đổi thì con người càng ngày càng khác xa nhau về cách nghĩ, cách hành động, sở thích, lối sống… Vì vậy cha mẹ càng cần lắng nghe con nhiều hơn, đặt mình vào vị trí của con để hiểu hoàn cảnh sống, môi trường học tập của con, hiểu những khó khăn thuận lợi, cơ hội và thách thức trong xã hội con đang sống…

 Lắng nghe không phán xét, lắng nghe không so sánh, lắng nghe không kỳ vọng… khi đó cha mẹ mới có thể là bạn của con, hiểu con và đồng hành được với con trên đường đời đang có quá nhiều thay đổi hiện nay. Tôi cũng đang học cách lắng nghe các con theo cách này mỗi ngày. Có câu mất 3 năm để học nói nhưng cần cả đời để học nghe. Cha mẹ không thể chủ quan mình sinh con ra, nuôi dưỡng, chăm sóc con thì mình hiểu con. Con lớn khôn mỗi ngày trong một xã hội ngày càng phức tạp thì để hiểu con, giúp con luôn cần cha mẹ lắng nghe bằng tâm từ bi.

Tương lai bất định, cha mẹ cần trao cho con sức mạnh nội tâm bằng cách nghe – hiểu – thương – chấp nhận – giúp đỡ con để con tự tin, có bản lĩnh vững vàng trong cuộc đời nhiều cơ hội, lắm thử thách như hiện nay.

* Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!

Nguồn: Lưu Đình Long thực hiện/ Giác Ngộ/Giacngo.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc