Mùa xuân là mùa của mọi khởi đầu với thời tiết se lạnh, lá xanh đâm chồi nẩy lộc, hoa nở hàm tiếu, gió mát mơn man… Và còn gì vui hơn, ý nghĩa hơn, khi trong không khí phấn chấn, rộn ràng của năm mới, trong niềm vui đàm đạo cùng bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, họ hàng bên cạnh chung Trà ngon. Mà đâu chỉ mùa xuân, Trà hiện diện cùng khắp mọi lúc mọi nơi, khi là giải khát, khi là lễ nghĩa, nhưng đặc biệt trong đối ẩm, độc ẩm và quần ẩm, không thể thiếu Trà. Trà trở thành một văn hóa độc đáo ở mỗi quốc gia.
Trà mang tập quán dân tộc bản địa, mang ý nghĩa truyền thống quốc gia
Trà đạo ở Nhật (nước Nhật nâng cao giá trị Trà lên thành một thứ tôn giáo, nghi thức hóa việc thưởng thức Trà trở thành ĐẠO) nhằm biến tục uống Trà du nhập từ nước ngoài trở thành một nghệ thuật sống của chính dân tộc mình. Không đơn giản chỉ là những phép tắc uống Trà mà qua đó người Nhật còn mong muốn hòa vào thiên nhiên, làm sạch tâm hồn, tu tâm dưỡng tính theo đúng tinh thần phật giáo.
Với Trà chiều của Anh, đó là thức uống không chỉ ngon mà còn trở thành nghi thức xã hội. Trà chiều là truyền thống tinh túy nhất ở nước Anh được khởi xướng từ những năm 60 do vua Charles II. Phong tục “Trà chiều” phổ biến đến mức mà trong suốt những năm 80, những người phụ nữ tầng lớp thượng lưu và trong xã hội sẽ đeo găng tay và đội mũ để tham dự tiệc Trà vào khoảng 4 đến 5 giờ chiều.
Trà đạo Hàn quốc chú trọng chữ “Giản”, giản dị và nhàn tãn tự nhiên chất phác với ít nghi lễ và nhiều tự do hơn cho thư giãn, nhiều sáng tạo hơn trong cách thưởng thức.
Trà Trung Hoa hướng đến chữ “Mỹ” là nét đẹp, sự tinh tế trong nghệ thuật pha và dùng Trà, đi vào thi ca “Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Một chén Trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên).
Và ở Việt Nam khách tới chơi nhà, mời Trà là truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn được duy trì.
Về truyền thuyết và lịch sử của Trà…
Chưa có một bằng chứng nào khẳng định xuất xứ đầu tiên của của thức uống từ Trà. Tuy nhiên dựa trên truyền thuyết và một số tư liệu, chúng ta có thể biết lịch sử trong việc sử dụng Trà. Trong đó, truyền thuyết cho rằng Trà có nguồn gốc từ Thần Nông được nhiều người nhắc đến.
Thần Nông là người phát minh ra nông nghiệp và y dược trong truyền thuyết thần thoại của Trung Hoa cổ đại. Ông biết rõ tính chất của các loại cây cỏ. Mỗi ngày, ông đều tự mình nếm thử hàng trăm loại cây lá, phát minh ra các loại thuốc từ thảo dược rồi truyền dạy cho con người cách sử dụng để chữa bệnh. Một lần, Thần Nông lên núi và ăn một loại lá cây. Chỉ trong chốc lát, cả dạ dày và ruột đều giống như được tẩy rửa sạch sẽ, cảm giác vô cùng nhẹ nhàng khoan khoái và thoải mái. Thần Nông nhớ kỹ loại lá cây này và đặt cho nó cái tên là “Trà”. Về sau, mỗi khi ăn vào một loại đồ ăn nào đó có độc, ông sẽ lập tức ăn một ít lá Trà, để nó tiêu độc cho thân thể. Đây chính là truyền thuyết về sự ra đời của cây Trà.
Trong các thư tịch cổ của Trung Hoa như Kinh Thi, Kinh Lễ không hề thấy nói đến Trà. Sớm nhất đến thế kỷ V trước Công Nguyên, Trà mới được biết đến và lưu lại sách vở ở Trung Hoa. Theo Iguchi Kaisen, trước khi nhà Hán ra đời, cùng với việc mua bán nô lệ, đã có những người đến vùng mà nay là Vân Nam ở thượng lưu sông Dương Tử để mua trà rồi đem bán ở vùng khác. Tuy nhiên chưa rõ ở thời điểm nào, trong tục ngữ của Trung hoa lại có câu: “củi đóm, gạo dầu, muối, tương, dấm và trà” cho thấy Trà được liệt vào một trong 7 thứ quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người dân.
Ở Ấn Độ, vào thế kỉ VI, thiền sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma ngủ quên trong buổi tọa thiền. Khi tỉnh giấc, ngài bèn bực tức cắt hai mi mắt vứt xuống đất. Chỗ đó mọc lên hai khóm cây, biểu trưng cho sự đốn ngộ về thể xác và tinh thần. Vì thế mà về sau các thiền sư luôn sùng kính, gọi là cây Trà và thường trồng cạnh các tu viện – chùa chiền.
Tại Nhật, có vị cao tăng tên là Eisai (1141-1215) đi du học và mang về từ Trung Quốc một loại bột Trà xanh được gọi là matcha. Lúc đầu matcha chỉ được dùng như một loại thuốc nhưng sau đó trở thành một thức uống xa hoa mà chỉ giới thượng lưu mới được sử dụng và thưởng thức trong các buổi họp mặt. Nhà sư Sen no Rikyu (1522-1591), một trong những thương gia giàu có nhất thời đó đã kế thừa, sáng lập và hoàn thiện lễ nghi của một buổi tiệc Trà. Đến cuối thời Edo (1603-1868) thưởng thức Trà đạo là đặc quyền của nam giới. Cho đến đầu thời Meiji (1868-1912) thì phụ nữ mới chính thức được tham dự tiệc Trà. Người dân Nhật đã kết hợp uống Trà với tinh thần thiền của Phật giáo nhằm nâng cao nghệ thuật thưởng thức Trà…
Ở phương Tây, đến năm 1559 mới có sách viết về Trà.
Tại Việt Nam, các sách Giao Châu ký, Ngô lục địa chí, Nam phương thảo mộc trạng… đều ghi chép: “Dân Lạc Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá Trà làm thức uống”. Theo GS Trần Ngọc Thêm: “Cây chè nguyên thủy được xem là có từ 4-5 nghìn năm trước đây. Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở Phú Thọ”. Văn hóa uống Trà của người Việt Nam đã hình thành từ thế kỷ thứ 9. Một nét sinh hoạt đẹp lành mạnh, thoáng đãng, thấm đậm sự tinh tế nhưng bình dị, mộc mạc và chân thành như chính con người Việt ấy.
Đến thực tế…
Trà sử dụng có hai loại: Trà nguyên sấy khô gọi là Trà xanh, và Trà đã được chế biến hay tẩm ướp (quá trình oxy hóa) gọi là Trà đen. Trà đen và Trà xanh đều được chế biến từ cây Trà có tên là Camellia Sinensis, chỉ khác quy trình chế biến tạo nên 2 dòng Trà khác nhau. Cách chế biến thay đổi, mang những tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc, và do sự chế biến này cũng làm thay đổi một số thành phần hoạt chất có trong Trà. Chung nhất trong Trà tươi có các thành phần như sau:
- Amino acids là các hợp chất hữu cơ kết hợp với nhau dưới dạng chuỗi để tạo thành protein hay đạm, protein chính là nguồn sống chính của tất cả các sinh vật sống. Vào năm 1949, các nhà khoa học Nhật Bản khám phá ra rằng, 50% cấu tạo của Trà chính là amino acids và nhiều nhất là theanine. Theanine giúp não tăng cường việc phát ra những sóng não alpha cùng với việc sản xuất dopamine, giúp chúng ta có được cảm giác thư giãn. Khi lá Trà quang hợp, Amino acids bị chuyển hoá thành polyphenols (tạo ra vị chát).
- Polyphenols: Trong số khoảng 30.000 hợp chất polyphenol có trong Trà, thì flavonoid là nhóm quan trọng bậc nhất, vì chính nhóm này chịu trách nhiệm cho khả năng chống oxy hoá tuyệt vời của cây Trà. Trong các hợp chất flavanol chính có trong Trà có EGCG là loại catechin hoạt động mạnh nhất. Vì thế, trong số các cuộc nghiên cứu về Trà thì hầu hết đều tập trung vào nhóm chất này. Và theo các cuộc nghiên cứu này thì EGCG thật sự giúp chống lão hoá hay chống các gốc tự do, giúp phần nào ngăn ngừa nhiều loại bệnh khác nhau có cả một số bệnh ung thư, đồng thời có tác dụng làm đẹp như chống lão hoá.
- Caffeine: Chịu trách nhiệm cho vị đắng của Trà. Dùng nước nhiệt độ càng cao và ngâm càng lâu thì caffeine tiết ra càng nhiều và Trà càng đắng. Ngoài ra lá càng già thì lại càng nhiều caffeine. Nên cùng một loại Trà thì Trà chất lượng kém hơn bao giờ cũng đắng hơn.
- Carbohydrate: Khi uống Trà chúng ta có thể cảm nhận được vị ngọt của Trà thì chính là đường mà cây Trà tích trữ. Đường trong Trà chính là “thức ăn” của vi khuẩn trong quá trình lên men Trà. Do đó việc chúng ta có được những loại Trà lên men như Trà Ô Long hay Trà đen, chính là nhờ thành phần đường có trong lá Trà.
- Vitamins: Trong Trà có những thành phần vitamin khác nhau. Trong đó nhiều nhất là Vitamin C, đến khi lên men một phần như Trà Ô Long thì mất đi một phần, còn Trà đen thì gần như không còn Vitamin A hay beta-carotene trong Trà nhiều hơn hẳn so với nhiều loại thực phẩm khác, tuy nhiên, beta-carotene lại không hoà tan trong nước nên khi chúng ta pha Trà thì hầu như không có chút beta-carotene trong nước Trà. Do Trà matcha được uống cả cái (bột Trà) lẫn nước nên chúng ta hấp thụ được toàn bộ thành phần beta-carotene trong đó. Đây cũng là một trong những lý do khiến matcha lại trở nên phổ biến đến như vậy.
- Chất khoáng: Lá Trà có chứa khoảng 28 loại chất khoáng khác nhau, bao gồm các thành phần như Fluoride cần thiết cho răng và xương, Magne là thành phần cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể, trong đó giúp tăng cường hoạt động hệ miễn dịch, giúp calcium được hấp thu vào xương hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương,…
Thành phần hoạt chất của Trà đã chứng minh các công dụng từ kinh nghiệm bao đời, uống Trà giúp thư giãn, sảng khoái, chống stress, kích thích sự ngon miệng, thải độc… thông qua cơ chế chống lại sự hình thành và hoạt động các gốc tự do. Các gốc tự do này vốn là những tác nhân làm tổn thương màng tế bào của cơ thể, đẩy nhanh tiến trình lão hóa, và cũng là tiền đề gây ra bệnh mạn tính, cũng như làm tăng nguy cơ bệnh ác tính.
Tuy nhiên khi uống Trà cần chú ý
- Không uống Trà vào lúc sáng sớm khi bụng còn trống, các thành phần trong Trà có thể kích thích dạ dày tiết nhiều acid gây ra bụng cồn cào khó chịu.
- Tránh uống Trà cùng lúc với bữa ăn vì tanin và catechin làm giảm hấp thu thiamin (vitamin B1), thiếu hụt thiamin có thể dẫn đến bệnh tê phù beriberi, kềm chế việc hấp thu Calci và Sắt từ nguồn gốc thực vật gây vấn đề cho những người thiếu máu. Ngoài ra Trà xanh còn làm giảm hấp thu một số thành phần dưỡng chất quan trọng cho cơ thể như chất béo và đạm động vật, hoặc ngược lại chính các dưỡng chất này làm giảm tác dụng của Trà xanh.
- Để hấp thu tốt nhất các công dụng hữu ích của Trà nên uống trước hoặc sau bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ và trong thời gian còn lại không liên quan đến bữa ăn.
Có gì vui hơn, nhất là trong không khí của những ngày Tết, khi uống Trà vừa là giải khát, vừa thư giãn, thanh thản tâm hồn, vừa hỗ trợ bảo vệ sức khỏe giảm thiểu sự hình thành bệnh tật.
PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay
– Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học
Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM
Nguồn: tcsuckhoe.com